Tăng tín dụng tiêu dùng phải thận trọng
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho biết, “kết quả OCB thu được khả quan. Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng cao. Theo kế hoạch, OCB kỳ vọng tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 70% trong tổng dư nợ”.
Theo các số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, người dân trên địa bàn đã bắt đầu đẩy mạnh các khoản vay tiêu dùng, tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhờ đó, các khoản vay tiêu dùng tại các NHTM tăng mạnh, ý kiến tổng hợp từ các NHTMCP trên địa bàn cũng cho biết tỷ lệ dư nợ tiêu dùng liên tục tăng cao.
Cụ thể, dư nợ cho vay VND ước tính đến 31/8 khoảng 743.665 tỷ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên ước khoảng 123.532 tỷ đồng. Như vậy, nếu làm phương pháp loại trừ tương đối thì tăng trưởng dư nợ tín dụng đang nghiêng về lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Thừa nhận điều này, ông Đỗ Duy Hưng, Thành viên HĐQT VietCapital Bank cho biết, tỷ lệ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng đang chiếm tỷ trọng cao hơn cả cho vay DN. “Với các khoản vay tiêu dùng, chúng ta hiện đang có những người vay với mức độ tín nhiệm tốt hơn. Đây là điều kiện tốt và động lực tốt để ngân hàng giải ngân, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng dư nợ tín dụng thì tỷ trọng cho vay tiêu dùng của VietCapital Bank đã chiếm khoảng 60%” - ông Hưng cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, thời gian qua ngân hàng này tung ra nhiều gói cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để kích thích nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cá nhân. Ngoài việc dành ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà, xe với các đơn vị liên kết OCB, ngân hàng này còn đưa ra gói tín dụng 700 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 12,49%/năm cố định trong 1 năm đầu đối với khách hàng vay tiêu dùng, mua ô tô… sản xuất kinh doanh.
“Kết quả OCB thu được khả quan. Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng cao. Theo kế hoạch, OCB kỳ vọng tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 70% trong tổng dư nợ”, ông Tùng nói.
Hiện còn khá nhiều ý kiến đánh giá việc cho vay tiêu dùng là một trong những giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho cả bên cho vay và người đi vay. Nhưng nếu nhìn lại, rõ ràng chúng ta đều thấy tín dụng tiêu dùng đang từng bước làm tan băng các khoản tín dụng liên quan đến nhà đất, một trong những lý do quan trọng giúp việc bán nhà mới tăng trưởng tốt từ tháng 6 tới nay và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.
Không chỉ với nhà đất mà các NHTM cho vay cũng linh hoạt áp dụng các điều kiện cho vay với xe ô tô, giúp cho lượng xe bán tăng đáng kể so với đầu năm và nhờ đó các DN sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe, hay các DN vật liệu xây dựng, các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ thông báo mức thu nhập cao hơn dự kiến.
Con số thống kê từ Tổng cục Thống kê mới đây đã thể hiện được kết quả kích cầu tiêu dùng nói trên. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.705,9 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012 - mức tăng cao nhất tính từ đầu năm khi người dân tăng hoạt động mua bán và thanh toán qua thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, các hộ gia đình cũng cởi mở hơn với vay nợ khi giá nhà đất đang có xu hướng trở về với khả năng thanh toán thực của những đối tượng có nhu cầu mua hoặc thuê để sử dụng lâu dài, không còn được định mức giá có tính đầu cơ, lướt sóng như trước đây.
Một chuyên gia nhận xét, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ hơn khi các khoản vay từ NHTM sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng - khu vực nên có đóng góp tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế, tạo môi trường và thị trường cho các hoạt động đầu tư kinh doanh và tạo thêm việc làm mới sau 5 năm kể từ năm 2008.
Cũng theo vị chuyên gia này, có nhiều căn cứ để khẳng định mục tiêu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của ngân hàng sẽ đạt được hiệu quả tốt. Đơn cử, ước tính của cải của hộ gia đình tính theo giá trị tài sản ròng đã tăng lên; người dân Việt Nam cũng có sẵn tiền hơn để trang trải các khoản nợ; tài sản có tính thanh khoản của các hộ gia đình tăng lên trong 4 năm qua; tiềm năng thị trường vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Việt Nam có dân số trẻ, mức tăng trưởng khá cao đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển…
Nhận định về xu hướng các NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, Phó chủ tịch HÐQT của một NHTMCP cũng chia sẻ, hầu hết các ngân hàng đang rất thành công trong việc cho vay tiêu dùng. Theo đó, gần như các ngân hàng đều dành tỷ trọng vốn khá cao cho vay lĩnh vực này, thậm chí có ngân hàng còn dành 70%-80% vốn để tăng dư nợ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh, nếu quá nôn nóng để tăng trưởng tín dụng bằng cách ồ ạt mở rộng cho vay tiêu dùng, các ngân hàng cũng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khiến nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Do vậy, để kiểm soát tốt nguồn vốn, theo ông này, các ngân hàng cũng không thể vì quá chú trọng tới con số tăng trưởng tín dụng mà đẩy vốn bằng mọi giá. Thay vào đó, họ cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả quản trị phù hợp nguyên tắc và chuẩn mực chấp nhận rủi ro trong giới hạn khả năng của từng NHTM,... để từ đó thu hút khách hàng đến với mình.
Kim
Thời báo ngân hàng
|