Thứ Sáu, 27/09/2013 13:46

Tái cơ cấu ở các DN thua lỗ: Chưa “dọn chỗ”cho những ông chủ mới

Câu chuyện tái cơ cấu ở Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) và CTCP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Phuong Nam Seafood) đã được nhiều ý kiến ghi nhận là mang lại hiệu quả tốt. Nhưng mặc dù vậy, thì với cách làm chủ yếu dựa vào uy tín của các cá nhân và những cổ đông đặc biệt, việc nhân rộng mô hình này ở các DN tương tự chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chỉ nhờ “biệt tài ông Trí” 2 DN hồi sinh

Có thể nói kể cả Bianfishco và Phuong Nam Seafood việc tái cơ cấu vốn đều có vai trò quan trọng của ông Trần Văn Trí, chồng của cựu Tổng giám đốc Bianfishco Phạm Thị Diệu Hiền, người được cho là có “biệt tài” trong việc dàn xếp mua bán nợ.

Lật lại thời điểm giữa năm 2012, khi ông Trần Văn Trí chuyển sang gánh vác “cục nợ” của Bianfishco thay cho vợ đi nước ngoài trị bệnh, DN này đang bên bờ vực phá sản với số nợ lên tới hơn 1.800 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận “ghế nóng”, ông Trí đã tìm đủ mọi cách giải cứu DN này. Và kết quả là sau 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8/2012), Bianfishco đã được cứu bằng một đề án tái cơ cấu khá hoàn chỉnh với sự đóng góp 50% vốn điều lệ từ NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và sự tham gia của CTCP Đầu tư, xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) với số vốn hàng trăm tỷ đồng.

Cần một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, minh bạch để giải cứu các DN

Ở đây chưa nói đến việc ông Trí đã làm thế nào để thuyết phục được SHB và Công ty 584 xắn tay cứu Bianfishco, chỉ biết rằng, khi hai đơn vị nói trên sẵn sàng góp vốn thì công đầu vẫn được ghi cho ông Trần Văn Trí. Bởi khi một NHTM sẵn sàng chuyển nợ thành vốn góp với số lượng lên tới 250 tỷ đồng thì không phải chỉ dựa vào những lời trần tình “tâm huyết” của lãnh đạo DN mà các bên tham gia phải căn cứ vào thực lực và kỳ vọng tương lai về DN đó có “đáng cứu và có thể cứu” được hay không?

Không ai biết tường tận quá trình ông Trí đã làm thế nào để kêu gọi sự hợp tác của SHB và Công ty 584, nhưng bằng sự ứng cứu kịp thời của các đơn vị này, Bianfishco đã trở lại kinh doanh có lãi, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt trên 34,8 tỷ đồng vào cuối năm nay (2013).

Một “đại gia” thủy sản khác có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng là Phuong Nam Seafood cũng vừa được ông Trần Văn Trí gánh vai giải cứu trong thời gian từ tháng 6/2013 đến nay. Cách làm của Phuong Nam Seafood cũng chính là cách mà Bianfishco đã làm gần 1 năm trước đó. Chỉ có điều khác là ở DN này, ông Trần Văn Trí đã đứng ra đảm đương trách nhiệm Phó chủ tịch HĐQT với cổ phần 34,17% vốn điều lệ. Số còn lại thuộc về LienVietPostBank: 62,43% và cổ đông cũ là ông Huỳnh Phúc Quế: 3%.

Mới đây, trao đổi với phóng viên TBNH, ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phuong Nam Seafood cho biết, sau 3 tháng tái cơ cấu, hiện DN đã trở lại hoạt động bình thường. Mặc dù nhà máy của Phuong Nam mới chỉ hoạt động với khoảng 20% công suất thiết kế, nhưng lợi nhuận (chưa khấu hao) tính đến thời điểm cuối tháng 8/2013 đã đạt khoảng trên 6,6 tỷ đồng và dự kiến hết năm 2013, doanh thu của DN sẽ đạt khoảng 20 triệu USD.

Như vậy, rõ ràng với uy tín và “biệt tài” dàn xếp, tổ chức kêu gọi nguồn lực từ các NHTM cùng tham gia tái cơ cấu nợ cho DN, đến thời điểm hiện nay, ông Trần Văn Trí đã giúp cho 2 DN thuộc tốp đầu ngành thủy sản Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Kết quả này là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên đó mới chỉ là ở phía DN được giải cứu. Còn từ phía các bên tham gia giải cứu thì tình hình chưa hẳn đã khả quan. Vì ngay từ lúc ban đầu khi tham gia góp vốn họ ít nhiều đã phải chấp nhận những rủi ro trong tư thế ít còn khả năng chọn lựa.

Tham gia trong thế khó

Có thể thấy ngay, trước thời điểm tái cơ cấu, ngoài số nợ của SHB, Bianfishco còn nợ nhiều NH khác, chẳng hạn nợ ACB hơn 61,3 tỷ đồng, Eximbank 23,9 tỷ đồng, NH Phát triển Nhà ĐBSCL Chi nhánh Cần Thơ 20 tỷ đồng... tổng số nợ các TCTD lên tới gần 1.300 tỷ đồng. Nhưng sau 6 tháng kêu gọi tái cơ cấu DN chỉ có SHB tham gia chuyển nợ thành vốn góp.

Đối với Phuong Nam Seafood tình hình cũng xảy ra tương tự. Theo thống kê, đến thời điểm tháng 5/2013, Phuong Nam Seafood phải gánh khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Trong đó, 3 chủ nợ lớn nhất là Agribank Sóc Trăng, VDB Sóc Trăng và LienVietPostBank (Sở giao dịch Hậu Giang) với số tiền lần lượt là 548 tỷ đồng, 341 tỷ đồng và 328 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khi thực hiện tái cơ cấu nợ thì chỉ có LienVietPostBank tham gia, còn các NH khác vẫn dè dặt.

Ở đây, có thể đặt câu hỏi là tại sao trong số các chủ nợ lớn của Bianfishco và Phuong Nam Seafood chỉ có SHB và LienVietPostBank vào cuộc giải cứu các DN này?

Thử nhìn lại hoàn cảnh của SHB và LienVietPostBank khi đồng ý tham gia góp vốn bằng…các khoản nợ mà Bianfishco và Phuong Nam Seafood “bó tay”.

Bản thân SHB khi “gánh” lấy trách nhiệm lèo lái con thuyền ngập nợ Bianfishco, cũng là lúc NH này đang phải giải quyết khoản nợ xấu để lại từ Habubank - một NH được sáp nhập vào hệ thống SHB trong tình trạng vẫn đang “ôm” món nợ lớn của DN thủy sản này. Việc SHB mạnh dạn góp nợ vào Bianfishco xét ở một khía cạnh nào đó giống như một phép thử mạo hiểm, nếu không muốn để DN này phá sản và có nguy cơ mất trắng các khoản vốn mà DN đã vay từ trước đó.

Hay với LienVietPostBank, tình hình cũng không khá hơn. Bởi khi NH này bán khoản nợ xấu từ Phuong Nam Seafood cho CTCP dịch vụ Đất Việt và điều chuyển Phó tổng giám đốc của mình sang lãnh chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phuong Nam Seafood, thì ít nhiều họ đã lâm vào thế bị động vì phải giải quyết những khoản vay sai pháp luật đã được thực hiện giữa LienVietPostBank và Tổng giám đốc cũ Lâm Ngọc Khuân của Phuong Nam Seafood.

Từ những phân tích trên, xét về góc độ hợp tác, cả SHB và LienVietPostBank, khi họ trở thành những NHTM đầu tiên mạnh dạn chuyển nợ thành vốn góp để cứu những DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, họ đều ở thế bị động. Và vì vậy, dù muốn hay không họ đều phải đối mặt với những rủi ro có thật khi chuyển từ chủ nợ sang cổ đông của DN. Nhất là trong bối cảnh việc vay nợ, thế chấp tài sản ở các DN hiện nay tồn tại nhiều bất cập.

Để nhân rộng những mô hình hợp tác giữa NH và DN trong việc giải quyết nợ xấu và hồi phục sản xuất kinh doanh, rõ ràng thực tế đang đòi hỏi một môi trường mua bán nợ minh bạch và sòng phẳng. Có được môi trường này thì số lượng các DN được cứu nguy như trường hợp của Bianfishco và Phuong Nam Seafood chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Thạch Bình

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   MBB: Đến 10/09, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2.37% (27/09/2013)

>   Liberty Corp lập 2 công ty con với tổng vốn 1,450 tỷ đồng (26/09/2013)

>   MBS: Cổ đông thống nhất phương án hợp nhất cùng VITS (26/09/2013)

>   VTB: BCTC HN SX BN 2013 (26/09/2013)

>   TDH: BCTC CTY MẸ SX 6 tháng 2013 (26/09/2013)

>   TDH: Sau soát xét, bất ngờ chuyển từ lãi sang lỗ hơn 7 tỷ đồng (26/09/2013)

>   CMT: Nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm nhân sự (26/09/2013)

>   PXA: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường (26/09/2013)

>   VFG tranh chấp tỷ lệ vốn góp tại Công ty Hải Yến về dự án khách sạn Novotel Nha Trang (26/09/2013)

>   ELC: Phát hành 715,000 cp cho nhân viên (26/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật