Slovenia sẽ là nước Eurozone tiếp theo phải cứu trợ?
Cuộc khủng hoảng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thời gian qua đã tạm lắng, song những gì các ngân hàng Slovenia đang phải đối mặt lại là vấn đề được bàn luận sôi nổi.
Hàng tỷ euro nợ xấu của các ngân hàng Slovenia có thể buộc nước này phải nhận cứu trợ từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).
Báo Thương mại của Đức vừa đưa tin, các bộ trưởng tài chính Eurozone đang cân nhắc liệu Slovenia có cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để vực dậy hệ thống ngân hàng nước này hay không.
Bộ trưởng Tài chính Slovenia Uros Cufer dự kiến sẽ thông báo với những người đồng cấp khu vực Eurozone về tình hình tài chính quốc gia Nam Âu này nhân cuộc họp vào cuối tuần của Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup).
Hiện tại, Slovenia đang rơi vào suy thoái và đang chật vật để đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU). Slovenia là nước cộng hoà đầu tiên thuộc khối Nam Tư cũ gia nhập EU, từng được ca ngợi là hình mẫu cho các quốc gia muốn thiết lập nền kinh tế có tính cạnh tranh.
Tuần trước, Chính phủ Slovenia thông báo sẽ đóng cửa hai ngân hàng nhỏ của tư nhân là Factor Banka và Probanka, và sẽ chi 1,3 tỷ euro để đảm bảo khả năng chi trả của các ngân hàng.
Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Slovenia, biện pháp này là nhằm tránh rủi ro cho các ngân hàng khác ở nước này. Tuy nhiên, hai thể chế tài chính bị đóng cửa trên chỉ chiếm khoảng 4,4% tổng trị giá tài sản ngân hàng ở Slovenia.
Các nhà quan sát cho rằng vấn đề còn có thể đi xa hơn khi các khoản nợ xấu của toàn bộ ngành ngân hàng Slovenia lên tới trên 7 tỷ euro.
Trong khi đó, báo Thương mại dẫn các nguồn tin giấu tên trong Eurozone nói rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cho các ngân hàng Slovenia tham gia chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), giống như trường hợp các ngân hàng Síp trước đây.
Tuy nhiên, Chính phủ Slovenia lại không muốn trở thành nạn nhân thứ năm trong Eurozone chấp nhận các khoản cứu trợ tài chính quốc tế giống như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Síp để phải thực thi các biện pháp hà khắc về tăng thuế và cắt giảm ngân sách, vốn bị dân chúng phản đối mạnh mẽ.
Tây Ban Nha cũng đã phải nhận khoản cho vay khẩn cấp từ EU để cứu hệ thống ngân hàng, tránh phải nhận cứu trợ chính phủ./.
Mạnh Hùng
Vietnam+
|