Quản lý giá vàng: Chữa bệnh thành... mãn tính
Đó là kết quả "điều trị" bệnh cho thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau 61 phiên đấu thầu với khoảng 60 tấn vàng được đưa ra thị trường. Bệnh mãn tính là bệnh "tới hẹn lại lên" và không thể chữa khỏi nếu vẫn cứ sử dụng thuốc cũ.
Cứ mỗi tuần 2-3 phiên, mỗi phiên 1- 2 tấn vàng và một nhóm đơn vị tham gia, sau nửa năm thực hiện đấu thầu vàng, thị trường hiện nay rơi vào tình trạng mãn tính: ngưng đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại vọt lên. NHNN lại tiếp tục đấu thầu tung vàng ra vì đơn vị này đã tuyên bố "không bỏ trận địa vàng". Thế là cứ đấu thầu, NHNN cứ bán vàng, các NHTM cứ mua vàng. Còn thị trường, các chuyên gia, người dân vẫn cứ thắc mắc "vàng đấu thầu đi đâu" mà chưa có một câu trả lời nào thực sự khiến người ta thỏa mãn.
Công bố mới nhất của NHNN cho rằng, trong khoảng 60 tấn vàng cung ra thị trường qua đấu thầu có 30 tấn được các NHTM sử dụng để tất toán trạng thái, 30 tấn còn lại bán ra thị trường cho người dân. Nhưng "người dân" nào mua 30 tấn vàng còn lại không được và không thể xác định. Tuy nhiên, với "lịch sử" giao dịch vàng của các NHTM lớn trên thị trường thể hiện qua báo cáo tài chính (trước thời điểm tất toán vàng ngày 30.6.2013) cho thấy, số lượng vàng gửi của khách hàng nhỏ, lẻ chiếm rất ít, chỉ 1/10, thậm chí có NH tỷ lệ này chỉ là 1/20 trong tổng lượng vàng huy động được. Phần lớn còn lại là vàng được huy động thông qua phát hành chứng chỉ vàng (dành cho khách hàng lớn, khách VIP).
Đó là chưa kể, sau 6 năm kinh tế khó khăn liên tục, hết lạm phát lại sang đình đốn, lương không theo nổi giá; nhiều gia đình chật vật mới đủ sống, chuyện mỗi tuần, mỗi tháng mua vàng tích trữ không hề đơn giản. Nên nói 30 tấn vàng đấu thầu là "người dân mua" thì rất không dễ tin. Cuộc chơi vàng với số lượng lớn, lên tới vài chục tấn trong một thời gian ngắn có lẽ chỉ trong một nhóm khách hàng VIP, đại gia, giới đầu cơ lướt sóng... mà thôi. Nếu nhìn với khía cạnh đó, phải chăng số vàng đấu thầu đã cung cấp cho các đối tượng này?
Nhưng ngay cả khi tổ chức đấu thầu liên tục, NHNN cũng không hề có ý định kéo chênh lệch giá vàng xuống thấp, thể hiện qua việc luôn bỏ giá đấu thầu cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trước đây nếu chủ yếu phụ thuộc vào tỷ giá, tỷ giá tăng thì chênh lệch tăng và ngược lại thì bây giờ, phụ thuộc vào NHNN và đơn vị này lại quyết không bán với giá thấp. Đến đây, dư luận bắt đầu hỏi về mục đích độc quyền cũng như tổ chức đấu thầu vàng của NHNN.
NHNN luôn đưa ra 2 lý do là bình ổn giá và chống vàng hóa. Về bình ổn giá thì như vừa phân tích trên, chênh lệch giá vàng kể từ ngày độc quyền và tổ chức đấu thầu luôn duy trì từ 3 triệu đồng - 7 triệu đồng/lượng và có thể khẳng định, đây là chủ ý của NHNN. Bởi vàng cũng như tất cả các ngành độc quyền khác, giá là do đơn vị độc quyền quyết định chứ không phải do thị trường. Về chống vàng hóa thì càng không đúng vì không thể coi việc cung hàng trăm tấn vàng ra thị trường là giải pháp chống vàng hóa.
Điều gì khiến NHNN cứ phải tiếp tục duy trì việc độc quyền, đấu thầu vàng khi thực tế đã chứng minh, các giải pháp này không mang lại kết quả như tuyên bố của chính đơn vị này, như mục tiêu của Chính phủ và sự chờ đợi của người dân?
Nguyên Hằng
thanh niên
|