Ngân hàng hàng đầu châu Âu cần thêm 70,4 tỷ euro
Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) cho hay 42 ngân hàng hàng đầu châu Âu sẽ phải cần thêm 70,4 tỷ euro (95 tỷ USD) để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt mới của luật Basel III đặt ra cho các ngân hàng trong khu vực, dự kiến sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm 2019.
Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) vừa đưa ra các số liệu cập nhật mới nhất, trong đó ước tính đến cuối tháng 12/2012, 42 ngân hàng vẫn thiếu hụt số vốn là 29,1 tỷ euro so với 6 tháng trước đó. Điều này phản ánh những nỗ lực không ngừng của các ngân hàng châu Âu để đối mặt với các dự luật tái cơ cấu của EBA.
Dự luật Basel III sẽ được áp dụng vào tháng 1/2019 với mục đích củng cố sức mạnh của hệ thống ngân hàng sau cuộc cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2008 kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn như Lehman Brothers (Mỹ).
Theo dự luật mới, các ngân hàng được yêu cầu buộc phải nâng tỷ lệ vốn (đệm) dự trữ bắt buộc lên ít nhất 7% tổng số tài sản, để đảm bảo an toàn khi các cuộc khủng hoảng tài chính mới xảy ra. Các ngân hàng cần phải đảm bảo đầy đủ tính thanh khoản để tồn tại trên thị trường trên 30 ngày và đây là tỷ lệ bảo hiểm thanh khoản (LCR).
EBA cũng cho biết các ngân hàng châu Âu trong năm 2012 đã đảm bảo đủ tính thanh khoản cho năm 2019. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng với dự luật Basel mới chặt chẽ hơn có thế khiến hoạt động cho vay của các ngân hàng trong khu vực giảm và điều này có thể tác động bất lợi tới các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình cần đi vay để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và mua sắm.
Một số chuyên gia kinh tế tỏ ý lo ngại dự luật Basel mới này có thể thất bại như Basel I và Basel II vì sự phức tạp và nghiêm ngặt. EBA và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra "sức khỏe" của các ngân hàng ở toàn EU vào cuối năm nay để đưa ra con số cụ thể về nguồn tiền vốn còn thiếu hụt so với mức quy định./.
Anh Quân
vietnam+
|