Thứ Hai, 23/09/2013 10:04

Năm Bảy Bảy muốn gì với titan?

Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cho biết sẽ nhảy vào khai thác titan. Các điều kiện khai thác loại khoáng sản này đang bị siết chặt trong khi lĩnh vực chính của NBB lại là bất động sản. Vậy NBB mong muốn điều gì với động thái này?

* Thêm đại gia BĐS đẩy mạnh đầu tư vào khoáng sản

Titan dạng bột được sử dụng nhiều trong sản xuất sơn, nhựa, giấy...

NBB cho biết đang hoàn tất hồ sơ để tiến hành khai thác titan tại tỉnh Quảng Ngãi. Dự án do một công ty con của NBB là Đầu tư Khoáng sản Quảng Ngãi thực hiện, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 124 tỉ đồng. Dự án sẽ hoạt động trong 27 năm với quy mô khai thác 21.000 tấn quặng thô/năm.

Với đặc tính nổi bật là cứng nhưng nhẹ hơn thép, titan được sử dụng nhiều trong việc sản xuất máy bay, vệ tinh, xe tăng. Titan dạng bột cũng được dùng để sản xuất sơn, nhựa, giấy… Nhu cầu thế giới về nguyên liệu này đang tăng mạnh trong khi nguồn cung ngày càng khan hiếm. Do đó, đầu tư khai thác titan lúc này có vẻ là quyết định hợp thời của ban lãnh đạo NBB.

Sản lượng titan ở Việt Nam được phát hiện đến nay đã bằng gần phân nửa tổng trữ lượng toàn thế giới (khoảng 1,4 tỉ tấn). 2008-2010 từng là thời kỳ sốt nóng của loại khoáng sản này. Hàng trăm doanh nghiệp trong nước đã khai thác và bán quặng thô vì giá titan liên tục tăng cao. Giá cổ phiếu nhóm khoáng sản cũng tăng mạnh theo cơn sốt này. Thế nhưng, tình hình hiện nay đã khác.

Từ năm 2011, Chính phủ đã siết chặt việc xuất khẩu quặng thô và khuyến khích chế biến sâu trước khi xuất khẩu. Hàm lượng titan trong quặng trước khi xuất đi (kể cả ra khỏi tỉnh) phải đạt trên 52%. Quy định này đã chấm dứt con sốt titan, làm thay đổi hoàn toàn cục diện các doanh nghiệp khoáng sản.

Việc đầu tư nhà máy chế biến sâu đòi hỏi vốn lớn. Với công suất 30.000 tấn/năm, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã phải bỏ ra đến 140 triệu USD (khoảng 2.800 tỉ đồng) để xây nhà máy chế biến sâu.

Đối với NBB, với công suất khai thác 21.000 tấn/năm, tức bằng khoảng 2/3 con số trên, NBB cũng phải bỏ ra số tiền tương ứng chỉ để xây nhà máy. Đó là con số không nhỏ so với tiềm lực của NBB. Theo báo cáo tài chính năm 2012, NBB đã đầu tư hơn 11 tỉ đồng vào dự án này, gần bằng 10% tổng vốn đầu tư và chưa xây dựng nhà máy chế biến sâu.

Tính đến cuối quý II/2013, tiền và tương đương tiền của NBB chỉ hơn 11 tỉ đồng. Tiền đi vay được dự báo sẽ không nhiều do nợ của NBB quá cao. Trong khi đó, đợt phát hành thu được hơn 180 tỉ đồng mới đây cũng chỉ để trả nợ cũ. Tiềm lực chưa đủ, tại sao NBB vẫn muốn nhảy sang lĩnh vực khác?

Hồi tháng 3.2013, NBB cho biết một phần nguồn thu năm nay của Công ty sẽ đến từ việc bán cổ phần ở Khoáng sản Quảng Ngãi. Điều này cho thấy NBB đã có tính toán từ trước, khi đẩy mạnh hoạt động của một công ty đã có kế hoạch bán đi. Chuyên viên đầu tư của một quỹ đầu tư (không muốn nêu tên) nhận xét: “Dự án chết thì khó bán. Nhưng nếu hoạt động có tiềm năng, dù ít hay nhiều cũng có cơ hội bán được giá tốt”. Khoáng sản Quảng Ngãi có lẽ cũng không ngoại lệ.

Như vậy, đẩy mạnh hoạt động ở Khoáng sản Quảng Ngãi có lẽ chỉ là một giải pháp nhằm giúp giải quyết vấn đề tài chính rối rắm của NBB.

NBB đang rất khó khăn về tài chính. Hiện tại, ngoài dự án Khu căn hộ cao tầng Carina Plaza còn khoảng 50 căn và dự án Khu đô thị thương mại ven sông Bạc Liêu còn khoảng 700 nền đang bán, hầu hết các dự án khác của NBB đều đang trong giai đoạn đền bù, đầu tư xây dựng. Theo Công ty Chứng khoán FPT, tổng mức đầu tư cho các dự án này vào khoảng 19.600 tỉ đồng. Tính đến cuối quý II/2013, tồn kho tại các dự án trên vào khoảng 1.900 tỉ đồng. Như vậy, số tiền NBB cần rót tiếp vào các dự án là không nhỏ.

Trong khi đó, vay ngân hàng là việc không dễ đối với NBB. Như đã nói ở trên, số tiền huy động được hơn 180 tỉ đồng mới đây chỉ để trả một phần nợ cũ. Nghĩa là NBB không thể dùng số tiền này để đầu tư.

NBB hiện còn nợ khoản trái phiếu phát hành hơn 620 tỉ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu Công ty Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Tài chính Điện lực khoảng 500 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính cuối quý II vừa qua, khoản nợ hai công ty này đã được chuyển sang năm 2014.

Tuy nhiên, áp lực trả nợ vẫn còn đó. Trong năm nay, NBB phải trả hơn 460 tỉ đồng nợ vay đến hạn cho các ngân hàng thương mại trong khi dòng tiền lại rất eo hẹp. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NBB đã bị âm vào năm 2009, đến quý II năm nay mới dương trở lại.

Dòng tiền cuối kỳ cũng liên tục giảm. Con số này chiếm 25% tổng tài sản từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ chiếm khoảng 1%. Theo Công ty Chứng khoán FPT, cổ đông NBB có quyền lo ngại kế hoạch trả cổ tức năm 2012 sẽ bị ảnh hưởng. NBB dự kiến trả cổ tức năm rồi bằng tiền mặt với tỉ lệ 16% vào đầu tháng 10 tới.

Giản Phúc

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   VDL: 27/09 GDKHQ dự ĐHĐCĐ bất thường sửa đổi điều lệ (23/09/2013)

>   Chia tay Orchid Fund, FPT nhanh chóng có "tình mới" (23/09/2013)

>   BTC đã nộp đủ gần 1 tỷ đồng truy thu và phạt thuế (23/09/2013)

>   NIS: Công văn giải trình Báo cáo Tài chính bán niên năm 2013 riêng Công ty mẹ và hợp nhất năm 2013 (23/09/2013)

>   Petroland bị tố lừa đảo (21/09/2013)

>   PXA: Giải trình biến động kết quả kinh doanh Quý II.2013 (20/09/2013)

>   NLG bị nhắc nhở vì chậm CBTT Nghị quyết HĐQT phát hành cổ phiếu (20/09/2013)

>   VID: Giải trình ý kiến kiểm toán về thu hồi nợ và khả năng hoạt động liên tục (23/09/2013)

>   AAM: Điều lệ Công ty năm 2013 (20/09/2013)

>   AAM: Tờ trình ĐHĐCĐ về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 (20/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật