Thứ Sáu, 20/09/2013 06:35

Kinh doanh gas còn rối!

Vấn đề của thị trường gas Việt Nam không phải ở việc quản lý giá mà chính là tình trạng gas giả, kém chất lượng đang tràn lan, khó kiểm soát.

Trước câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn” (Hà Nội, ngày 19-9) cho rằng giá bán gas thời gian qua giảm ít so với biến động thị trường, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định trong năm 2012, giá dầu khí hóa lỏng (LPG) bán lẻ tăng tám lần, giảm sáu lần.

Thị trường kinh doanh gas còn chưa an toàn, khó kiểm soát

Giá gas tăng, giảm theo thị trường

theo Bộ Công Thương, đợt tăng giá LPG bán lẻ mạnh nhất là vào đầu tháng 3 (tăng 50.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ 480.000-510.000 đồng/bình 12 kg), giảm nhiều nhất vào đầu tháng 5 (giảm 120.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ 360.000-390.000 đồng/bình 12 kg). Điều này hợp với sự vận hành của thị trường và diễn biến giá thế giới.

Bổ sung ý kiến, ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, nói giá gas thế giới thay đổi hằng tháng tùy vào tình hình cung cầu và được công bố vào đầu mỗi tháng. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas dựa vào đó để điều chỉnh giá bán trên thị trường. Giá gas được mua bán ở Việt Nam từ nguồn nhập khẩu hay trong nước đều tính trên giá hợp đồng gas thế giới cộng thêm giá vận chuyển tới các kho đầu mối tại mỗi cảng tới các trạm chiết nạp; các chi phí chiết nạp, suất đầu tư (khấu hao kho, trạm, vỏ…), vận hành, quản lý và vận chuyển tới khách hàng. Trong đó chi phí vận chuyển chiếm 10%.

Cũng theo vị này, hiện lợi nhuận kinh doanh gas chỉ chiếm khoảng 0,5% doanh thu. Gas là một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Các DN cạnh tranh nhau bằng chi phí kinh doanh chứ không phải bằng giá đầu vào. “Tất cả hợp đồng mua bán gas về thị trường được ký trong suốt thời gian dài. DN nào không đảm bảo được nguồn chi phí sẽ phải đi mua với giá rất cao. Vì vậy, ý kiến cho rằng các DN đầu mối muốn tăng giảm tùy ý là không đúng, do tính chất cạnh tranh khốc liệt theo giá thị trường nên DN gas thường xuyên phải tìm cách điều chỉnh giá hợp lý để dễ bán hàng” - ông Hữu lý giải.

Khó kiểm soát

Thực tế, nhiều người tiêu dùng mua phải gas giả, gas kém chất lượng, không an toàn đến sức khỏe, tính mạng khi sử dụng. Tình trạng này đến nay chưa thuyên giảm.

Ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỉ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình LPG, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép. Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp, thường là ở vùng ven đô, hẻo lánh với dụng cụ tự chế hoặc sử dụng lại vỏ bình trôi nổi... “Quá trình xử lý các vụ việc này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, quản lý thị trường khó kiểm soát hết”- ông Lam phân trần.

Bàn luận về vấn đề này, ông Trần Trọng Hữu chia sẻ: “Tôi thấy không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như ở Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người dân mà việc cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng. Sự phát sinh hiện tượng gian lận rất nhiều, cộng thêm việc dễ dãi, chưa có chế tài rõ ràng dẫn đến khó xử lý gian lận. Thậm chí khi quản lý thị trường đi kiểm tra, một số cửa hàng còn thuê “đầu gấu” ngăn cản. Vì vậy chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ xử lý, phải có chế tài mạnh hơn. Hiện nay ai cũng có thể mở cửa hàng kinh doanh gas được, chỉ một ngày là xong giấy cấp phép”.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Thanh Lam cho rằng vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Nếu địa phương ra quân quyết liệt thì sẽ hạn chế được vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, một số quy định trong Nghị định 107/2009 chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu không đồng nhất. Vụ đang chuẩn bị sơ kết việc thực hiện Nghị định 107, trong đó sẽ quy định chặt chẽ hơn trong việc kinh doanh gas để đảm bảo an toàn và phối hợp với Cục An toàn kỹ thuật đưa ra những quy chuẩn và công khai quy chuẩn vỏ bình gas.

PV Gas cung cấp trên 70% nhu cầu

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang cung cấp trên 70% nhu cầu cả nước. PV Gas là đơn vị cung cấp nguồn, chỉ cung cấp cho các nhà phân phối, thương nhân cấp 1 (có thương hiệu bình gas trên thị trường) chứ không tham gia bán hàng trực tiếp trên thị trường. Hiện có 23 DN tham gia vào thị trường đầu mối nhập khẩu và cung cấp gas.

Gas giả lộng hành tại Long An, Vũng Tàu

Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội gas miền Nam, cho biết trong thời gian gần đây Chi hội nhận được nhiều phản ánh gay gắt của các tổng đại lý, đại lý… về việc kinh doanh gas giả tại địa bàn Long An tăng mạnh. Vừa qua, Quản lý Thị trường ra quân kiểm tra quyết liệt tại Vũng Tàu nhưng tình trạng gas lậu, gas giả vẫn chưa giảm. Hai địa bàn này sẽ tiếp tục được kiểm tra, đấu tranh quyết liệt.

 

Tú Uyên

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Nửa đầu tháng 9 nhập siêu 374 triệu USD (19/09/2013)

>   TPHCM: Yêu cầu DNNN công khai thu nhập (19/09/2013)

>   PVN kiểm tra sai phạm tại PV EIC (19/09/2013)

>   Giảm thuế, Vinacomin vẫn khó bán than (19/09/2013)

>   Cuộc chiến Hàn trên đất Việt (19/09/2013)

>   Điều 14.000 lao động Vinashin mong ước! (19/09/2013)

>   Không hạn chế nhà đầu tư vào cảng biển (19/09/2013)

>   Vinashin “con” tại Khánh Hòa nợ bảo hiểm xã hội hơn 9 tỉ đồng (19/09/2013)

>   Năm 2013, tập đoàn và tổng công ty tiết kiệm như thế nào? (19/09/2013)

>   Thị trường kem đánh răng: 90 bóp 10 (19/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật