Khó như bán nhà phố cổ Hà Nội
Câu chuyện vài m2 nhà phố cổ Hà Nội có thể đổi được một căn hộ chung cư hay cả mảnh đất lớn ở quê từ mấy năm trước giờ đây đã qua đi trong những tiếc nuối của nhiều cư dân phố cổ.
Hàng loạt căn hộ khu phố cổ Hà Nội đang được rao bán nhưng không mấy người hỏi mua
|
Cũng vì thế mà các giá trị và vị thế trong quan hệ mua bán nhà phố cổ từ mấy năm trước nay đã bị đảo lộn, từ thế “thượng phong” của người bán, trong khi người mua phải mướt mồ hôi cùng với hàng bao tải tiền cũng chưa mong sẽ được trở thành “dân phố”. Nay người mua mới được vào đúng vai của mình, chỉ tiếc rằng, số muốn làm “thượng đế” hiện nay cũng quá ít.
Các khu nhà phố cổ, đặc biệt là nhà dạng tập thể cũ thời Pháp thuộc để lại tại các khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bồ, Hàng Bạc, Lãn Ông, Hàng Thiếc…một thời từng là ao ước của biết bao người dân “ngoại thành” Hà Nội. Nhưng kể từ khi quy hoạch bảo tồn phố cổ được Bộ Xây dựng phê duyệt, trong đó có nội dung quan trọng là sẽ di dời khoảng 70% số hộ dân khu phố cổ ra các khu đô thị mới, thì mọi chuyện đã đi theo một hướng khác.
Nhà phố cổ do Pháp xây dựng hiện đang thuộc quyền sử dụng của hàng nghìn hộ dân cũng nhanh chóng rớt giá từ đó. Người viết bài này cũng có người thân vốn sở hữu gần hơn 20 m2 nhà tập thể trên phố Hàng Bồ, nay may mắn đã “sang tên” được cho một chủ khác với giá chỉ chưa đây 1 tỷ đồng, bằng nửa của mấy năm trước.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong số ít giao dịch thành công, bởi hiện nay số hộ dân đang rao bán nhà tập thể dạng này trong khu phố cổ là khá nhiều. Họ muốn bán đứt cho một chủ khác, thay vì phải ra đi theo kiểu tái định cư trước khi thành phố sẽ hoàn tất di dời dự kiến trong 8 năm tới.
Ông Phùng Văn Hùng, đại diện sàn giao dịch bất động sản Quang Minh trên phố Nguyễn Khoái, cho biết, hơn 2 năm nay trong số hàng chục người nhờ rao bán nhà phố cổ, duy nhất chỉ có một giao dịch thành công, song giá bán đã bị bên mua giảm tới 30% so với mức giá chủ nhà đưa ra. Người mua căn nhà hơn 20m2 trên cũng thừa nhận “chỉ mua cho vợ chồng con gái vì nó thích được hưởng thi vị của phố cổ” trong thời gian chờ di dời, giải toả, chứ nếu muốn ổn định thì cũng không ai chọn nhà kiểu này.
Trong khi đó, theo khảo sát của VnEconomy, số lượng các hộ dân rao bán nhà tập thể trong khu vực phố cổ đang có xu hướng tăng lên, cho dù thời điểm tối đa phải di dời vẫn còn khoảng 8 năm nữa. Đáng chú ý, giá chào bán của hầu hết các căn nhà dạng này đều đã được “down” xuống chỉ bằng 40 - 60% giá mà các giao dịch khác đã thực hiện từ vài ba năm trước.
Hiện một m2 nhà phố cổ kiểu nhà thời Pháp thuộc để lại, trong đó thường là kiểu nhà chung một ngõ rộng chỉ tầm 1m vào sâu bên trong là 10 - 15 nhà chung sống, có giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2.
Có ngõ chỉ rộng tầm 60cm, nhưng khi vào trong có gần 30 căn hộ, chia đều cho 5 tầng, không gian chật chội, môi trường sống không đảm bảo, được nhiều chủ nhân rao bán từ 2 năm nay vẫn không có người mua.
Tất nhiên, không phải nhà phố cổ nào cũng rớt giá thê thảm như nhà tập thể kiểu Pháp nói trên. Tại các sàn giao dịch hay trên các trang mạng, số lượng nhà riêng lẻ trong phố cổ đang được rao bán khá nhiều nhưng giá cũng không hề “mềm” chút nào.
Đơn cử như một hộ gia đình hiện đang rao bán nhà 5 tầng, 32m2, phố Phùng Hưng (cũng là trong quy hoạch phố cổ) có sổ đỏ chính chủ với giá 11 tỷ đồng. Một chủ hộ khác lại rao bán nhà trong phố Hàng Bạc, tổng diện tích 70 m2, có gác xép, sổ đỏ…cũng với giá 4 tỷ. Có hộ rao bán chỉ với 83m2 nhưng “hét” giá tới 45 tỷ đồng.
Và cũng như nhà kiểu Pháp, số người tìm hiểu để mua nhà riêng lẻ trong phố cổ hiện nay cũng không nhiều. Thậm chí, với một số gia đình có nhà riêng lẻ diện tích lớn trong khu quy hoạch phố cổ hiện nay đang phải “đau đầu” với bài toán đi hay ở (chờ đền bù).
Một số bạo dạn quyết định di dời trước khi nhà nước cưỡng chế nhưng với việc bán cả một lô đất 100 - 200m2 trong thời điểm này cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Chính vì thế mà các sàn giao dịch hiện nay, ngoài việc được chủ nhà trích hoa hồng khá cao nếu môi giới thành công, chính các sàn cũng phải “lại quả” cho bất kỳ ai giới thiệu được khách mua thành công những căn nhà có diện tích lớn.
Một sàn bất động sản có tên Hùng H.S hiện đang rao bán hàng loạt nhà phố cổ, diện tích từ 130 - 450m2, với giá thấp nhất từ 40 tỷ đồng - 150 tỷ đồng. Hoa hồng đi kèm được đăng trên web của doanh nghiệp này tối thiểu là 500 triệu, tối đa là “1 con camry”.
Theo lý giải của các sàn giao dịch, nếu như 5 -7 năm trước, việc để tìm được một người bán nhà phố cổ có diện tích lớn là một việc quá khó. Nếu săn được, hoa hồng của bên mua trả cho không dưới vài tỷ đồng. Nhưng mọi chuyện nay đã đảo lộn. Trước đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp lớn có tài chính đều muốn tìm diện tích lớn để xây trụ sở, khách sạn trong khu phố cổ.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải mua gom của 2 -3 chủ mới đủ cho một dự án chỉ vài trăm m2.
Một cán bộ địa chính quận Hoàn Kiếm nhìn nhận, tình trạng nhà phố cổ ế ẩm hiện nay cũng là điều dễ hiểu, bởi chủ trương di dời phần lớn khu này để phục vụ bảo tồn của thành phố đã được công bố từ nhiều năm nay. Do đó, tâm lý của người dân, ngay cả những người “đam mê” cuộc sống xung quanh khu vực hồ Gươm cũng phải cân nhắc lại.
Còn về góc độ cơ quan quản lý, thành phố cũng như quận Hoàn Kiếm không khuyến khích người dân mua bán, trao đổi nhà trong khu vực phố cổ vì đây là khu đã quy hoạch. Thành phố khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao nhà cho nhà nước, hưởng đền bù và di dời đến một nơi tái định cư khác có điều kiện tốt hơn.
Song Hà
vneconomy
|