Hy Lạp cần 6 năm nữa để trở lại mức tăng trưởng cũ
Phát biểu tại một hội nghị do báo International Herand Tribune (Diễn đàn người đưa tin quốc tế) tổ chức ở thủ đô Rome của Italy ngày 16/9, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cho rằng kinh tế Hy Lạp cần khoảng 6 năm nữa để quay trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng.
Thủ tướng Samaras thừa nhận Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông cho rằng để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và đưa mức sống của người dân trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng, Athens chỉ phải mất 6 năm, chứ không cần nhiều thập kỷ hay nhiều thế hệ như một số chuyên gia đã dự báo.
Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh những cải cách mà chính phủ của ông đang thực hiện theo cam kết với "bộ ba" chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phát huy hiệu quả và đưa kinh tế trở lại đúng hướng.
Tuyên bố của ông Samaras được đưa ra giữa lúc các quan chức IMF, EU và ECB bắt đầu đợt đánh giá mới về việc thực hiện những cam kết của Chính phủ Hy Lạp theo thỏa thuận để đổi lấy hai gói cứu trợ trị giá khoảng 240 tỷ euro kể từ năm 2010. Hiện Chính phủ Hy Lạp đang vận động để nhận được gói cứu trợ thứ ba trị giá 10 tỷ euro.
Tuy vậy, những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm lương hưu, tiền lương và việc làm... mà Chính phủ Hy Lạp đang tiến hành đã vấp phải sự phản đối của nhiều người dân. Nhiều cuộc tổng đình công và biểu tình phản đối lớn trên toàn quốc vẫn đang diễn ra.
Sáng 16/9, cảnh sát Hy Lạp đã sử dụng hơi cay để giải tán các nhân viên bảo vệ trường học cố xâm nhập Bộ Cải cách Hành chính ở thủ đô Athens. Ít nhất 17.000 giáo viên và nhân viên bảo vệ đã tụ tập trên nhiều tuyến phố, biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm nhân sự và ép buộc điều chuyển trong ngành giáo dục.
Theo chương trình cải cách và cắt giảm ngân sách khu vực công để nhận được những khoản cứu trợ quốc tế tiếp theo, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thuyên chuyển hoặc cho thôi việc 25.000 lao động ở khu vực công với mục tiêu tối thiểu là cắt giảm 15.000 lao động từ nay đến năm 2014.
Sa thải lao động trong khu vực công là chủ đề nhạy cảm ở Hy Lạp, đất nước đang chìm trong khủng hoảng nợ với tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức kỷ lục 28% lực lượng lao động, và số người nghèo không ngừng gia tăng trong 6 năm kinh tế suy thoái vừa qua./.
vietnam+
|