Giá vàng tuần tới: Bầu cử ở Đức và trần nợ của Mỹ
Cuộc bầu cử ở Đức và cuộc đàm phán nâng trần nợ công ở Mỹ được dự báo là những nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến diễn biến giá vàng thế giới trong tuần tới.
Diễn biến giá đóng cửa của vàng giao ngay tại New York trong 1 tháng qua - Nguồn: Kitco
|
Vàng đã giảm giá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, với giá vàng giao tháng 12 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt ở mức 1.322,5 USD/oz, tăng 1,8% trong tuần; giá vàng giao ngay dừng ở 1.326,6 USD/oz, hạ 2,3 USD/oz so với cuối tuần trước.
Trong cuộc thăm dò dự báo giá vàng tuần tới do trang tin chuyên kim loại quý Kitco News thực hiện, có 9/19 ý kiến phản hồi dự báo giá vàng sẽ tăng, 8 ý kiến nhận định giá sẽ giảm, và 2 ý kiến cho rằng giá sẽ đi ngang. Tham gia vào cuộc thăm dò hàng tuần này là các công ty kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch hàng hóa tương lai, nhà quản lý quỹ và các chuyên gia phân tích đồ thị kỹ thuật.
Vàng đã có phiên tăng giá mạnh vào ngày thứ Tư tuần này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ tuyên bố duy trì quy mô của gói nới lỏng định lượng QE3 ở mức 85 tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng đã lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu khi một quan chức của FED nói rằng, cơ quan này có thể cắt giảm QE3 trong cuộc họp diễn ra vào tháng 10.
Những nhà quan sát thị trường giàu kinh nghiệm tỏ ra thận trọng với triển vọng giá vàng. Một số chuyên gia lưu ý rằng, số hợp đồng vàng trên thị trường vàng giao sau đã giảm sau cuộc họp của FED, một tín hiệu cho thấy thị trường đang mua lại vàng để chốt lãi các hợp đồng bán khống từ trước, thay vì mở các hợp đồng mới. Số hợp động đang trong trạng thái mở hiện còn 380.978, so với mức 383.891 hợp đồng trước khi FED họp.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới bao gồm kết quả cuộc bầu cử tại Đức diễn ra vào cuối tuần này. Theo dự báo, Thủ tướng Angela Merkel sẽ trúng cử nhiệm kỳ thứ ba. Nếu bà Merkel giành chiến thắng, thị trường sẽ ít có sự xáo trộn. Tuy nhiên, nếu chiến thắng thuộc về đối thủ của bà Merkel, tỷ giá đồng Euro có thể biến động mạnh, kéo theo sự biến động của giá vàng, bởi Đức là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng có thể nói là hàng đầu đối với các chính sách của khối Eurozone.
Một nhân tố khác có thể ảnh hưởng nhiều tới giá vàng tuần tới là cuộc tranh cãi về trần nợ công của Chính phủ Mỹ tại Quốc hội nước này. Hiện các nhà làm luật thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang bất đồng với Tổng thống Barack Obama xung quanh vấn đề ngân sách cho đạo luật chăm sóc y tế của ông Obama hay còn gọi là “Obamacare”. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Chính phủ Mỹ có thể dừng phải hoạt động từ ngày 1/10 vì hết ngân sách.
Giới quan sát cho rằng, cuộc tranh cãi trần nợ công lần này của Mỹ có thể diễn biến tương tự như hồi năm 2011. Khi đó, cuộc tranh cãi nảy lửa của các nhà làm luật Mỹ đã đẩy giá vàng tăng vọt. lên mức kỷ lục và Washington bị hãng đánh giá tín nhiệm S&P hạ điểm tín nhiệm. Nhưng cuối cùng, Quốc hội Mỹ cũng nâng được trần nợ, đưa nước Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật.
Một số chuyên gia đánh giá, cuộc chiến nâng trần nợ là một lý do khiến FED chưa dám cắt giảm QE3 trong cuộc họp vừa qua. “FED lo lắng về khả năng Tổng thống và Quốc hội có thể giải quyết được các vấn đề về ngân sách như nâng trần nợ công”, ông Edmund Moy, chiến lược gia trưởng thuộc công ty vàng Moran Gold, đánh giá. “Giá vàng và giá bạc sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian mà kết quả của cuộc tranh cãi này chưa ngã ngũ”.
An Huy
vneconomy
|