Tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, giá cổ phiếu của CTCP Cao Su Đà Nẵng (HOSE: DRC) đã tăng mạnh từ 31,600 đồng/cp lên đến 40,500 đồng/cp (23/09), tương ứng với mức sinh lợi 28%.
Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của DRC trong giai đoạn này đạt khoảng 653 ngàn đơn vị, tăng nhẹ 15.4% so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 566 ngàn đơn vị.
DRC cũng là một cổ phiếu được khối ngoại quan tâm và lọt vào rổ chỉ số của quỹ Vietnam Market Vectors ETF trong đợt xem xét lại vừa qua.
Theo BCTC quý 02/2013, doanh thu của DRC trong kỳ đạt 770 tỷ đồng, giảm nhẹ 0.7% so với quý cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại gia tăng mạnh gần 27% so với quý 02/2012 và đạt 109.6 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận quý 2 tăng mạnh là do giá cao su giảm dẫn đến lợi nhuận gộp tăng mạnh. Ngoài ra, các khoản như lỗ chênh lệch tỷ giá, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm mạnh giúp gia tăng lợi nhuận sau thuế của DRC.
Theo BCTC bán niên soát xét vừa công bố, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2013 của DRC đạt 1,378.3 tỷ đồng, giảm 6.51% so với quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 188.8 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và đạt 60% so với kế hoạch năm.
Lợi nhuận gộp kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ hưởng lợi từ giá cao su giảm
Hiện chi phí cao su đang chiếm tới 49% chi phí nguyên vật liệu của DRC, tiếp theo là vải mành chiếm 16%, carbon đen chiếm 9%. Do vậy, giá cao su sẽ có tác động rất lớn đến lợi nhuận của công ty.
Giá cao su đang có xu hướng sụt giảm mạnh, với nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc vẫn đang thừa cung khá lớn. Tính từ đầu năm đến nay, giá cao su giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Singapore đã giảm từ 144.51 US/pound xuống 116.53 US/pound, tương ứng với mức giảm đến 19.36%.
Diễn biến trên thị trường chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá cao su sẽ tăng trở lại. Vì vậy, dự báo DRC có thể duy trì chi phí giá vốn thấp và tiếp tục cải thiện được mức lợi nhuận gộp trong thời gian tới.
Chi phí lãi vay và khấu hao sẽ kéo giảm lợi nhuận?
Theo BCTC 6T/2013, DRC tiếp tục vay mới thêm 151 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 180 tỷ đồng vay dài hạn so với thời điểm cuối năm 2012, để tài trợ cho việc hoàn thiện dự án lốp radial và di dời xí nghiệp ô tô.
DRC đang có khoản nợ vay trả lãi tổng cộng 1,219 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn 268 tỷ đồng và khoản nợ dài hạn 951 tỷ đồng. Trong thời gian tới, DRC sẽ phải gánh chịu chi phí lãi vay khá lớn và sẽ tạo áp lực lên lợi nhuận ròng.
Ngoài ra, trong kỳ giá trị tài sản cố định hữu hình của DRC đã tăng mạnh lên 1,702.5 tỷ đồng so với con số 176.4 tỷ đồng ở đầu năm. Bù lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang quý 2 giảm mạnh từ 1,228 tỷ đồng ở đầu năm xuống 79 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do trong quý 2/2013, DRC đã hoàn thành xong dự án lốp radial nên tiến hành ghi nhận giá trị tài sản hữu hình và giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Tuy nhiên, trong BCTC 6T/2013 soát xét, DRC vẫn chưa tiến hành ghi nhận giá trị của dự án này vào tài sản cố định. Nhiều khả năng dự án này vẫn chưa hoàn tất thủ tục về mặt kế toán và chưa đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán viên.
Như vậy, nhiều khả năng DRC sẽ bắt đầu ghi nhận tài sản cố định, chi phí khấu hao tài sản tương ứng và chi phí lãi vay phục vụ cho dự án lốp radial vào chi phí trong các kỳ kế toán tới. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của DRC, đặc biệt là trong thời gian ban đầu khi nhà máy mới đi vào hoạt động.
Triển vọng kinh doanh sáng sủa khi dự án radial đi vào hoạt động
Lốp radial toàn thép đang chiếm lĩnh đại đa số tại các thị trường phát triển, phần lớn các nước đang phát triển, khoảng 10% ở Việt Nam và con số này đang dần tăng lên. Hiện tại, hầu như lốp xe radial toàn thép tại Việt Nam phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.
Việc hoàn thành dự án lốp radial sẽ giúp DRC có cơ hội lấy lại thị phần từ các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế giá thành thấp. Đáng chú ý, ngay trong buổi khánh thành nhà máy sản xuất lốp xe tải radial, tập đoàn Stamford Tires International Ptc. Ltd đã ký hợp đồng tiêu thụ lốp radial của DRC với sản lượng 10,000 bộ/tháng.
Theo nghị quyết đại hội cổ đông năm 2013, công suất dự kiến của nhà máy lốp radial này là 50,000 lốp/năm vào thời điểm quý 3/2013. Từ năm 2014 trở đi, dây chuyền sản xuất sẽ từ từ được nâng công suất lên hết mức 600,000 lốp/năm.
Hữu Trọng