Thứ Ba, 24/09/2013 11:11

Doanh nghiệp ngoại đón đầu TPP tại Việt Nam

Không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may đã chọn Việt Nam là điểm đến cho các dự án đầu tư của mình.

Chỉ trong vòng 2 tháng, đại diện Công ty TAL (Hồng Kông) đã có tới 2 chuyến làm việc tại Việt Nam và khảo sát một loạt địa điểm đầu tư nhà máy dệt và may tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam và Thái Nguyên…

Không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may đã chọn Việt Nam là điểm đến để "đón" TPP

Ông C.K Sun, Giám đốc chiến lược của Công ty TAL cho biết, nếu tìm được địa điểm thích hợp tại miền Bắc, TAL sẽ đầu tư 2 nhà máy dệt và may mặc.

Dự kiến, nhà đầu tư này cần khoảng 23 ha đất để xây dựng nhà máy dệt vải và 8 ha đất để xây dựng xưởng may, với tổng vốn đầu tư 200 - 400 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động.

Theo ông C.K Sun, các doanh nghiệp Hồng Kông rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, bởi đây là ngành được hưởng lợi nhiều khi xuất khẩu vào Mỹ, đó là khả năng thâm nhập nhiều thị trường lớn với tiềm năng lớn, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.

Đơn cử, nếu các doanh nghiệp có nhà máy đặt tại Việt Nam, đảm bảo từ khâu sợi, dệt nhuộm và may, thì khi TPP có hiệu lực, hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

Cùng thời điểm, TAL tìm kiếm địa điểm đầu tư nhà máy dệt và may, Tập đoàn Crystal (Hồng Kông) cũng được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận để thực hiện 2 dự án, gồm: Dự án dệt Pacific Crystal (tổng vốn đầu tư 425 triệu USD) và Dự án Nhà máy May Tinh Lợi mở rộng (vốn đầu tư 120 triệu USD).

Cần phải nói thêm, đây là 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước tới nay đầu tư vào Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương).

Với mục tiêu tận dụng nguồn lao động dồi dào và cơ hội từ các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, Công ty TNHH Unisoll Vina (thuộc Hansoll Textile Ltd - Hàn Quốc) đã đầu tư tiếp nhà máy may hàng xuất khẩu CS 90 triệu sản phẩm/năm tại Bến Tre (tổng vốn 50 triệu USD, chuyên sản xuất hàng may sẵn, trang phục và các sản phẩm từ da lông thú để xuất khẩu).

Theo kế hoạch, tháng 11 tới, Unisoll Vina sẽ khởi công xây dựng nhà máy, tháng 9/2014 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I của nhà máy này.

Được biết, Tập đoàn Hansoll Textile hiện là nhà đầu tư lớn và có đóng góp lớn vào xuất khẩu hàng dệt may của Viêt Nam trong những năm qua, với kim ngạch vài chục triệu USD mỗi năm. Năm 2001, Hansoll Textile Ltd., đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Bình Dương, sau đó đầu tư vào Đồng Nai.

Theo nguồn tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện có hơn 10 doanh nghiệp Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan… đặt vấn đề liên kết xây dựng các nhà máy dệt, nhuộm, xơ sợi và may. Đơn cử, Texhong, dù đã có 2 nhà máy lớn tại Quảng Ninh và Đồng Nai, nhưng đại diện tập đoàn này trong buổi làm việc gần đây nhất với Vinatex vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư nhà máy mới.

Rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài đang khẩn trương tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, nhằm đón đầu cơ hội từ việc nước ta sẽ gia nhập TPP.

“Đó là khả năng thâm nhập các thị trường lớn với nhiều tiềm năng lớn. Khi TPP được thông qua, Việt Nam cũng có thêm nhiều nguồn đầu tư từ nhiều nơi trên thế giới. Hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận nhiều sản phẩm nước ngoài với giá rẻ hơn”, ông Bill English, Thứ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand đã cho biết như vậy trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 9/2013.

TPP được đánh giá là hiệp định kinh tế quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài vào lĩnh vực dệt may để tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại, do đó áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

Thuế quan sẽ phải dỡ bỏ giữa các nước trong TPP, thị trường sẽ rộng hơn, nhưng cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước không ít thách thức trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn chưa cao.

Thế Hải

đầu tư

Các tin tức khác

>   Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp FDI khai lỗ lớn (24/09/2013)

>   Sẽ có thông tư siết chặt thép nhập khẩu (24/09/2013)

>   Doanh thu du lịch TP.HCM hơn 63.000 tỉ đồng (24/09/2013)

>   Hà Nội đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật (23/09/2013)

>   Hơn 100 doanh nghiệp sẽ được “cởi chiếc áo Vinashin” (23/09/2013)

>   Doanh nghiệp không đủ vốn đầu tư công nghệ sạch (23/09/2013)

>   Doanh nghiệp trong nước còn lơ mơ về TPP (23/09/2013)

>   Gỡ khó cho ngành than: Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc (23/09/2013)

>   Luật hóa việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn càng sớm càng tốt (23/09/2013)

>   Vinashin - những sai lầm tỷ đô (23/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật