Cú “ngược dòng” ngoạn mục của HDBank
Tiếp sau những cú “mua ngược” chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực bất động sản, khi DN Việt mua dự án của DN ngoại, lần đầu tiên VN xuất hiện trường hợp ngân hàng trong nước mua đứt một tổ chức tín dụng ngoại: HDBank mua lại Cty Tài chính Việt Société Générale (Thuộc tập đoàn Tài chính Société Générale – Cộng hòa Pháp).
Xoay quanh chủ trương khuyến khích mua bán, sáp nhập nhằm tái cấu trúc để có những ngân hàng lớn mạnh hơn mà NHNN đã định hướng hồi năm 2011, HDBank là một trong những ngân hàng bày tỏ hưởng ứng khá nhiệt thành. 2 kỳ đại hội cổ đông thường niên của HDBank gần đây nhất đều có hạng mục nội dung về chủ trương mua bán, sáp nhập nhằm tái cấu trúc ngân hàng, mặc dù HDBank hoàn toàn không nằm trong diện các ngân hàng bị “nguy hiểm” và bắt buộc phải tái cấu trúc.
HDBank đã không “nói suông” khi nỗ lực trở thành NH hàng đầu từ nay đến năm 2015.
|
Từ cú ghi bàn đúp ngoài dự đoán
Cũng xoay quanh chủ trương chung và các động thái riêng, đã có rất nhiều dự liệu, đồn đoán kèm theo về những diễn tiến M&A có xảy ra của HDBank. Còn nhớ, những tin đồn trên thị trường cách nay hơn một năm, khi các ngân hàng gặp khó khăn và đang yếu kém, thì các đối tượng được dự đoán trong danh sách HDBank chọn khá “rộng”: GPBank, Kiên Long Bank, AnBinhBank…
Cũng năm 2012, thông tin EVN dạm bán 5,3% cổ phần của AnBinhBank (ABB) cho HDBank đã khiến việc hôn nhân tin đồn của 2 NH này dậy sóng. Thậm chí, trên một trang tin điện tử vào đúng ngày Cá tháng tư, đã truyền đi thông tin ABB và HDBank chính thức được NHNN đồng ý cho chủ trương sáp nhập. Trang tin này còn đưa ra con số là sau sáp nhập, tổng tài sản của 2 NH với tên gọi HDB sẽ đạt trên 123.000 tỉ đồng, vốn điều lệ dự kiến trên 8.800 tỉ đồng. Dù vậy, tin đồn đã bị dội nước lạnh bởi văn bản chính thức từ NHNN chi nhánh TP HCM, không tán thành chủ trương chuyển nhượng cổ phần của EVN cho HDBank do các bên chưa đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ chuyển nhượng vốn sở hữu cổ phần theo quy định của NHNN.
Gần cuối năm 2012, đích nhắm cuối của HDBank tỏ lộ: ĐaiABank. Cho dù đã có lúc những người trong cuộc ra sức phủ nhận thông tin này nhưng “giấy” vẫn khó gói được “lửa”. Ở thời điểm hiện tại, những cuộc đại hội cổ đông bất thường từ phía ĐạiABank về chủ trương sáp nhập vào HDBank đã phác thảo được phần nào bức tranh tương lai: HDBank sẽ đón DaiABank về cùng 1 nhà, với tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, toàn bộ nhân sự của 2 ngân hàng sau hợp nhất/sáp nhập sẽ được giữ nguyên và HDBank được ủy quyền làm tổ chức đầu mối triển khai. Đó là những nội dung chính trong biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác mà 2 NH đã ký kết. Vấn đề có lẽ chỉ còn đợi kỳ đại hội của DaiABank, dự kiến tiếp tục bất thường tổ chức vào 25/9 tới đây, cũng để bàn và chốt lại lần cuối việc hợp nhất này. Và có lẽ cũng sẽ không có rào cản nào cho thương vụ hợp nhất tương lại gần, vì hiện tại “người” của HDBank đã tại vị ở 2 vị trí cao nhất của DaiABank: Chủ tịch HĐQT và TGĐ.
Với tất cả diễn tiến tìm kiếm các đối tác đầy kén chọn, mà các đối phương cơ bản khá “yếu thế” so với HDBank, thị trường thực sự một phen bối rối khi HDBank hoàn tất thương vụ mua lại mà thông tin đã được giữ kín như bưng tới phút chót: Mua đứt 100% vốn của Cty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những Cty tài chính nước ngoài lớn nhất VN.
Với giao dịch HDBank vừa công bố, đây không chỉ là giao dịch đầu tiên theo phương thức mua lại tổ chức tín dụng và khả năng sẽ mở đầu cho xu hướng các định chế VN mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn tài chính – ngân hàng, góp phần làm giảm số lượng các định chế tài chính trong xu hướng tái cấu trúc hệ thống NHTM VN. Nhìn riêng với HDBank, có thể nói, đây là một cú ghi bàn đúp trên thị trường tài chính, khi HDBank cùng lúc vừa mở rộng quy mô, hệ thống mạng lưới (qua nhận sáp nhập DaiABank), vừa gia tăng sản phẩm, dịch vụ để khai thác lợi thế quy mô, hệ thống mạng lưới mang lại. “Nhất tiễn song điêu” theo sách vở không hề khó tính, song nếu không phải là DN có tiềm lực và ấp ủ tham vọng đã từ lâu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, một cái nhìn toàn cục và quyết đoán như vậy, không dễ thành.
Đến tìm chỗ đứng trên vai người khổng lồ
Với giới quan sát, việc HDBank mua Cty tài chính nước ngoài tuy khó lường, nhưng một khi đã xảy ra, lại có cái lý khá dễ hiểu.
Société Générale là một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất Châu Âu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tài chính, ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân và DN, đầu tư tài chính, bảo hiểm tài chính, quản lý tài sản và dịch vụ chứng khoán trên thị trường toàn cầu. Tập đoàn Société Générale (Pháp) có hơn 154.000 nhân viên làm việc ở 76 quốc gia cùng với hơn 32 triệu khách hàng trên toàn thế giới. Sở hữu đứa con của một “đại gia” như vậy sẽ là yếu tố khiến nhiều đối tác khách hàng phải nhìn HDBank bằng con mắt khác. Ở khía cạnh thương hiệu, HDBank rõ ràng đã nâng tầm ảnh hưởng và vị thế thông qua cú giao dịch có giá trị đòn bẩy Acsimet ở tầm quốc tế này.
Việt Société Générale là Cty Tài chính do tập đoàn Société Générale đầu tư 100% vốn tại VN, được NHNN VN cấp giấy phép hoạt động từ năm 2007. Hiện nay Cty Tài chính Việt Société Générale có khoảng 1.100 nhân viên, mạng lưới hoạt động đã có mặt trên 42 tỉnh thành trên toàn quốc. Cty Tài chính Việt Société Générale đã phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay trả góp với hơn hơn 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy trên cả nước. Việc Société Générale trở thành Cty con của HDBank đồng nghĩa với HDBank sẽ nắm quyền quản lý, tiếp nhận toàn bộ hệ thống đối tác, khách hàng của Cty tài chính “hoành tráng” này. Và theo cam kết của HDBank, không chỉ có những tài sản hữu hình của NH được giữ, dàn cán bộ nhân viên của Cty tài chính cũng sẽ được giữ nguyên. Như vậy, HDBank đã nhìn ra giá trị phát triển dịch vụ sản phẩm của Cty tài chính, và nhắm đến việc kinh doanh trên thị trường tài chính cá nhân thông qua hệ thống mạng lưới được tính toán sẽ “phình to” khi đón ĐaiABank. Tính toán của HDBank tương hợp với các thương vụ M&A inbound – nước ngoài mua lại tài sản của VN thời gian qua: Sở hữu và tận dụng phân phối để khai thác sâu, rộng trên thị trường.
Một điểm phải nói thêm, thị trường tài chính ngân hàng VN hiện tại đang được đánh giá vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khó khăn đang dồn lên đôi vai của các ngân hàng xưa nay chuyên lãi lớn nhờ nghiệp vụ chính là huy động – cho vay, mà tăng trưởng cho vay nay đã ngày càng hẹp lại. Trong khi đó, mảng tiêu dùng thì nhiều NH vẫn đang “sống tốt”. Đặc biệt, phát triển tài chính cá nhân ở những Cty tài chính lại càng có nhiều lợi thế hơn, do biên độ lãi suất cho vay lớn hơn, hạn mức tăng trưởng rộng hơn. Trong một thị trường mà người dân đã nâng cấp thu nhập trung bình nhưng tài chính cá nhân dù vậy vẫn đang mới giai đoạn manh nha, thì việc đón đầu cơ hội càng có ý nghĩa. HDBank đã không “nói suông” khi nỗ lực trở thành NH hàng đầu từ nay đến năm 2015!
Lê Mỹ
diễn đàn doanh nghiệp
|