CTCP Luyện cán thép Gia Sàng: Trước bờ vực phá sản
Trước khi tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2013 của Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) (GiaSangSteel), người viết bài này đã được nghe nhiều thông tin về “nguy cơ phá sản”. Và sau khi mục sở thị, có thể kết luận rằng, những “tin đồn” kia không phải là không có cơ sở.
Xưởng sản xuất hoang tàn
|
Kỳ I: Kỳ Đại hội cổ đông nhiều bức xúc!
Sản xuất - kinh doanh thua lỗ
Sau 2 lần trì hoãn, ngày 30/8/2013, ĐHĐCĐ Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng đã diễn ra trong không khí căng thẳng. Ngay phút mở đầu, người chủ trì phiên họp – ông Lê Văn Lợi- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc - đã làm cả hội trường chết lặng bởi bản báo cáo hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay với nhiều chỉ tiêu đạt âm.
Xưởng luyện thép ngừng sản xuất từ tháng 5/2012; xưởng cán thép sản xuất không liên tục, các tháng 2; 6; 7 và 9; tháng 10/2012 ngừng sản xuất (đây là hai xưởng chủ lực của công ty). Cụ thể, chỉ sản xuất được trên 533 tấn thép thỏi; 38 nghìn tấn thép cán (bằng 73,8% so với năm 2011) và tiêu thụ được trên 38 nghìn tấn sản phẩm. Lợi nhuận cả năm 2012 âm trên 28,7 tỷ đồng.
Về lao động, đầu năm có 535 người, đến cuối năm chỉ còn 374 người được phân bổ vào 3 xưởng và 6 phòng
chức năng, với thu nhập bình quân 1,729 triệu đồng/người/tháng. Tổng quỹ lương của công ty năm 2012 trên 12,8 tỷ đồng nhưng hiện tại vẫn đang nợ tiền lương và các chế độ khác của người lao động từ tháng 9/2012 chưa trả được…
Về vốn, ông Lợi thẳng thắn chỉ ra rằng, trong năm 2012 chỉ đáp ứng 35% nhu cầu và hoàn toàn là vốn chiếm dụng của khách hàng. Trên thực tế, công ty không vay được vốn, dư nợ vay đến ngày 31/12/2012 là trên 51,6 tỷ đồng và hiện không có khả năng trả.
Ông Lợi kết luận: “Các chỉ tiêu chính trong Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra, sản xuất - kinh doanh không hiệu quả”.
Bản báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên đã không đưa ra bất cứ giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho gần 400 người lao động, đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề tồn tại đang gây bức xúc lớn mà theo nhiều cổ đông chính là căn nguyên khiến doanh nghiệp này liên tục “tụt dốc không phanh”.
Ngừng sản xuất
Sau bản báo cáo hoạt động sản xuất- kinh doanh năm 2012 và 6 tháng đầu năm đầy “u ám”, Tổng giám đốc nêu phương hướng hoạt động kinh doanh năm 2013 với hai phương án: Phương án 1, đề nghị dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh thép cán các loại; phương án 2, dùng tài sản của công ty để thanh toán các khoản nợ, tổ chức cơ cấu lại nợ… Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư mới vào cùng hợp tác xin chuyển đổi mục đích kinh doanh. |
Đến đây, cả hội trường nháo nhác,
cổ đông người đứng, kẻ ngồi, người bỏ ra ngoài.
Không mấy quan tâm, Tổng giám đốc tiếp tục trình bày chỉ tiêu tài chính năm 2013 một cách dứt khoát: “Mặc dù không hoạt động sản xuất- kinh doanh, nhưng các chi phí trong năm 2013 công ty vẫn phải chi trả số tiền: 37,179 tỷ đồng”.
Ngoài ra, kế hoạch của đơn vị trong thời gian tới là, tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý người ra - vào công ty, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, canh gác, kiểm tra, kiểm soát… trong khu vực công ty. Và, đề nghị tỉnh Thái Nguyên có chủ trương yêu cầu các ngân hàng cho khoanh số nợ hiện nay mà công ty đang vay nhưng không có khả năng trả cả vốn và lãi để chờ tái cơ cấu lại công ty; đề nghị các ngành chức năng xem xét báo cáo tỉnh Thái Nguyên cho đơn vị được giảm trừ các khoản nợ đang bị treo…
Kỳ II: Cuộc chất vấn nảy lửa!
Hoàng Châu
công thương
|