Thứ Hai, 09/09/2013 10:58

Cổ phiếu mía đường nhà Đặng – Huỳnh gặp khó

Hầu hết cổ phiếu mía đường trên sàn đều có liên quan đến Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình vợ chồng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhóm doanh nghiệp này đều ghi nhận lãi ròng sụt giảm mạnh bình quân 45% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp này đều không tránh khỏi những khó khăn đang gặp phải khi kết quả kinh doanh có xu hướng giảm sút, giá bán giảm trong khi chi phí vẫn tăng, lãi vay đè nặng, tồn kho ứ đọng và đầu ra khó.

Ma trận đầu tư cổ phiếu mía đường niêm yết của Thành Thành Công tính đến 30/06/2013

Ca mãi bài toán tồn kho

Tồn kho luôn là bài toán khó của các doanh nghiệp mía đường trong những năm gần đây.

Theo Bộ NN-PTNT, trong niên vụ 2012-2013, lượng đường sản xuất đạt 1.53 triệu tấn, đường luyện 700,000 tấn. Đồng thời, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến tháng 7/2013 còn 426,000 tấn, cao hơn cùng kỳ vụ trước 187,000 tấn.

Cũng theo nhận định này, nếu giữ nguyên mức tiêu thụ như năm trước, lượng đường hiện có đang dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 200,000 tấn.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch của các nhà máy, sản lượng đường niên vụ 2013-2014 khoảng 1.6 triệu tấn. Dự kiến, dù mức tiêu thụ đường trong nước phục hồi sau khủng hoảng tăng lên ở mức 1.5 triệu tấn thì nguồn cung đường trong nước vẫn lớn hơn cầu khoảng 200,000 tấn.

Hàng tồn kho tính đến 30/06/2013 của các doanh nghiệp mía đường
ĐVT: triệu đồng

Tồn kho tại nhóm doanh nghiệp liên quan đến Thành Thành Công cũng tăng cao đáng kể, đặc biệt NHS tăng đột biến lên gấp 6 lần lên 381 tỷ đồng so với đầu năm 2013. Trong đó, thành phẩm tăng vọt từ 45 tỷ lên 265 tỷ đồng, hàng mua đang đi trên đường tăng từ 0.5 tỷ lên 101 tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho của SBT cũng cao gấp đôi lên hơn 800 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phẩm của công ty tăng mạnh từ 208 tỷ lên 753 tỷ đồng.

Tại BHS, tồn kho tăng 36% lên 1,117 tỷ đồng, đây cũng là doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn nhất trong ngành mía đường niêm yết. Tăng mạnh nhất là thành phẩm sản xuất từ 104 tỷ lên 457 tỷ đồng.

Trong đó, các doanh nghiệp NHS, SBT và SEC đã dùng lần lượt 100 tỷ, 383 tỷ và 109 tỷ đồng hàng tồn kho để thế chấp tại ngân hàng nhằm đảm bảo cho các khoản vay của công ty.

Bị chiếm dụng vốn

Khoản chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp mía đường niêm yết cũng giảm đáng kể khi các khoản phải thu tăng và phải trả người bán giảm mạnh, hầu hết là các khoản liên quan đến người dân trồng mía.

ĐVT: triệu đồng

Đối với SEC, SBT, BHS, khoản phải trả người bán đều giảm từ 55-70% so với đầu năm 2013.

Khoản phải thu của SEC gần 102 tỷ đồng, trong đó, 89 tỷ đồng được thế chấp tại ngân hàng và 74 tỷ đồng trả trước cho nông dân trồng mía. Tính đến cuối tháng 6, phải trả người bán của SEC hơn 10 tỷ đồng, trong đó 6.4 tỷ phải trả các công ty liên quan. Trong kỳ, SEC đã hoàn trả toàn bộ khoản vay từ Sacombank trước khi đến hạn.

Tại SBT, khoản phải thu của công ty bao gồm 530 tỷ đồng ứng trước cho nông dân, phải thu dài hạn khác hơn 3 tỷ đồng góp cho hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Svarrieng để phát triển dự án trồng mía ở Campuchia trong 10 năm. Công ty sở hữu 85% lợi ích được chia từ dự án và cam kết mua toàn bộ mía thu hoạch từ dự án.

Về khoản mục người mua trả tiền trước (phải trả người bán), SBT đã tạm ứng 29 tỷ đồng từ Sacombank theo Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. SBT đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và công trình xây dựng trong dự án Espace Bourbon Tây Ninh cho Sacombank.

Đối với BHS, khoản phải thu khách hàng cao gần gấp đôi đầu năm với 538 tỷ đồng. Trong đó, trả trước cho người bán tăng lên 373 tỷ đồng với 267 tỷ đồng trả trước cho nông dân trồng mía.

NHS cũng có khoản trả trước cho người bán bao gồm 114 tỷ đồng trả trước cho nông dân trồng mía.

Lợi nhuận giảm 45% cùng kỳ

Trong niên vụ vừa qua, các nhà máy đường vẫn phải duy trì giá thu mua mía của người dân ở mức bình quân xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS (chữ đường – tỷ lệ thu hồi đường) trong điều kiện dư thừa đường, giá bán giảm hơn so với vụ trước 1,500-2,000 đồng để bảo đảm lợi ích của người trồng mía. Ðây là mức giá cao nhất trong khu vực. Nhưng nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa và nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu để sản xuất.

Không chỉ trong nước, giá đường thế giới cũng giảm do thừa nguồn cung.

Giá đường thế giới 5 năm qua
Nguồn: Indexmoudi

Tỷ lệ lợi nhuận gộp của hầu hết các công ty mía đường niêm yết đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm cổ phiếu nhà Đặng – Huỳnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi tỷ lệ lãi gộp của SBT giảm mạnh nhất từ 21.3% xuống còn 13.4%, SEC và NHS cũng giảm xuống còn 16.2% và 13%. Riêng BHS tăng tỷ suất lãi gộp từ 7% lên 8.8%.

ĐVT: triệu đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2013, lãi ròng của các doanh nghiệp mía đường niêm yết giảm bình quân 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các công ty liên quan đến nhà Đặng – Huỳnh giảm bình quân 45% lãi ròng so với 6 tháng đầu năm 2012.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp mía đường
ĐVT: triệu đồng

Mặc dù kết quả kinh doanh giảm sút nhưng SEC, NHS vượt lần lượt 2% và 62% kế hoạch năm (lợi nhuận sau thuế vượt 33% và 77%). Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của SLS cao gấp 4.5 lần kế hoạch cả năm nhưng chủ yếu là nhờ công ty đặt kế hoạch năm 2013 thấp hơn đáng kể so với năm trước. Cụ thể, kế hoạch lãi trước thuế của NHS chỉ bằng phân nửa so với thực hiện năm 2012 trong khi SLS chỉ bằng 17% lợi nhuận trước thuế năm 2012.

Chằng chịt giao dịch liên quan

Bên cạnh việc đầu tư vào cổ phiếu với mối liên hệ qua lại chằng chịt, các công ty này cũng phát sinh nhiều giao dịch liên quan đến việc cho vay, phải thu và phải trả trong hoạt động kinh doanh.

Tính đến 30/06/2013, khoản đầu tư ngắn hạn của SEC 40 tỷ đồng bao gồm 20 tỷ khoản vay cấp cho CTCP Điện Gia Lai (GLEC) và 20 tỷ đồng khoản vay cấp cho CTCP Sản xuất Thương mại Bao bì Thành Thành Công. Đầu tư dài hạn khác của SEC cũng nằm trong cổ phiếu của CTCP Nghiên cứu & Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công và GLEC.

Ngoài ra, trong giao dịch với các bên liên quan, SEC đã cho vay 45 tỷ và nhận khoản vay 65 tỷ đồng với GLEC, bán thành phẩm cho BHS với giá trị 226 tỷ và bán thành phẩm cho CTCP Sản xuất Thương mại Bao bì Thành Thành Công 58 tỷ đồng.

Tại SBT, công ty có 497 tỷ đồng đầu tư dài hạn vào hàng loạt công ty mía đường như CTCP Bourbon An Hòa (49%), BHS (21.64%), CTCP Đường La Ngà (24.89%), CTCP Đường Nước Trong (23.95%) và CTCP Nghiên cứu & Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (24%). Bên cạnh đó là khoản đầu tư gần 94 tỷ đồng vào cổ phiếu của SEC và NHS.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, SBT đã mua đường thô từ CTCP Đầu tư Thành Thành Công 267 tỷ và bán lại hàng hóa 54 tỷ đồng

Đối với khoản đầu tư tài chính dài hạn của BHS, công ty đã đầu tư 48 tỷ đồng vào cổ phiếu NHS, SEC và CTCP giao dịch hàng hóa Sơn Tín (từng nắm 13.4% cp của GLEC nhưng đến 30/06/2013 đã thoái hết vốn). Trong quý 2/2013, BHS cũng có giao dịch mua hàng hơn 100 tỷ với NHS và 198 tỷ đồng với SEC. Bên cạnh việc đầu tư góp vốn, các bên liên quan còn thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa, cho vay, nhận cổ tức…

Tại NHS, đầu tư vốn dài hạn vào các công ty liên kết gần 200 tỷ đồng bao gồm CTCP Mía đường Phan Rang (45.1%), CTCP Mía đường 333 (42.1%), SEC (22.98%). Bên cạnh đó là 104 tỷ đồng đầu tư dài hạn vào cổ phiếu GLEC, BHS và CTCP Giao dịch hàng hóa Sơn Tín.

Khoản giao dịch với các bên liên quan của NHS chủ yếu với CTCP Đầu tư Thành Thành Công (bán hàng hóa 169 tỷ đồng) và BHS (nhận tiền ứng trước mua hàng hóa 130 tỷ đồng).

Đan Thanh

infonet

Các tin tức khác

>   VNH: KQKD SX BN 2013 (06/09/2013)

>   NBB: Giải trình từ lãi sang lỗ trong 6 tháng 2012 (06/09/2013)

>   BMC: Điều lệ công ty 2013 (06/09/2013)

>   H11: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (06/09/2013)

>   TGP: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (06/09/2013)

>   LGL: Công ty mẹ tăng lỗ gấp 5 lần, lên 44 tỷ sau soát xét (06/09/2013)

>   NVC: Giải trình ý kiến kiểm toán tại BCTC bán niên 2013 riêng và hợp nhất (06/09/2013)

>   NVC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (06/09/2013)

>   NBC: Giải trình ý kiến lưu ý của kiểm toán BCTC bán niên 2013 (06/09/2013)

>   ANV: Giải trình kết quả kinh doanh soát xét bán niên 2013 (06/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật