Chính sách tiền tệ 2011-2013: Những nỗ lực không thể phủ nhận
Chính sách tiền tệ của Việt Nam giai đoạn 2011-2013 đã chủ động định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Bước sang năm 2011, kinh tế toàn cầu bắt đầu le lói phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, lạm phát tăng 13,29% so với đầu năm và tăng 20% so cùng kỳ năm trước, gây khó khăn cho nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới 15% theo mục tiêu đề ra, thị trường bất động sản và chứng khoán sụt giảm mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, giảm tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống 22% đến 30/6/2011 và xuống 16% đến 31/12/2011.
Nhờ đó, đến cuối năm 2011, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng lần lượt tăng khoảng 10% và 12%, các mức lãi suất trên thị trường đã được điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ. Việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động đã tạo điều kiện cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những tháng cuối năm. Trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu giảm 0,5-1%/năm và dao động ở mức 14,5-17%/năm, thậm chí chỉ còn 13,5%/năm.
Tình hình kinh tế những tháng cuối năm đã có dấu hiệu cải thiện, GDP năm 2011 tăng 5,89%, lạm phát so cùng kỳ năm trước bắt đầu có dấu hiệu chững lại và giảm dần từ mức 22% trong tháng 10/2011 xuống 20% trong tháng 11 và 18,13% trong tháng 12.
Để định hướng thị trường, ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã đưa ra mục tiêu giảm lãi suất huy động xuống còn 9-10%/năm vào cuối năm 2012, đồng thời đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quí 1%/năm. Từ tháng 5/2012, NHNN đã qui định trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên được điều chỉnh giảm từ mức 15%/năm xuống 12%/năm, phù hợp với xu hướng giảm của trần lãi suất tiền gửi VND.
Đến cuối năm 2012, lãi suất huy động VND giảm mạnh từ 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và trở về mức lãi suất của năm 2007. Lãi suất cho vay ưu tiên giảm về mức 12%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác và cho vay tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, riêng lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ còn 9-11%/năm. Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng lần lượt khoảng 20% và 9%, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp (6,8%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được, và các mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát tiền tệ.
Đến cuối tháng 8/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,16% so với cuối năm 2012, phù hợp với định hướng tăng 14-16% trong năm 2013, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo. Các mức lãi suất chủ chốt được điều hành theo hướng giảm dần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất VND trong 8 tháng đầu năm đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của thời kỳ 2005-2006, các TCTD cũng chủ động giảm lãi suất đối với những khoản cho vay còn tồn đọng.
Đến nay, trần lãi suất huy động đã giảm về mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 9%/năm, tỉ trọng những khoảng cho vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%.
Sau nhiều tháng tăng chậm, tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu của doanh nghiệp về vốn cho sản xuất kinh doanh đã tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã cải thiện mạnh. Tính đến cuối tháng 8/2013, tín dụng cho nền kinh tế đã tăng 6,45% so với đầu năm, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 đang trở thành hiện thực.
Như vậy, từ năm 2011 đến nay, tín dụng tuy tăng chậm hơn so với giai đoạn trước đây, nhưng chất lượng tín dụng đã tăng cao, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc điều hành lãi suất đã định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm mạnh so với cuối năm 2011.
Điều này cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương giảm dần tỉ trọng cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống các TCTD, tập trung vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Xuân Thanh
chính phủ
|