Ấn Độ: Lạm phát tăng mức cao nhất trong sáu tháng
Giá các loại thực phẩm, đặc biệt là hành tây tăng mạnh đã đẩy chỉ số giá bán sỉ (WPI), thước đo lạm phát tại Ấn Độ lên 6,1% trong tháng Tám so với mức 5,79% của tháng Bảy và là mức cao nhất trong vòng sáu tháng.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy chỉ số lạm phát giá rau quả nói chung trong tháng Tám tăng 77,81% so với tháng trước. Nếu tính trên cơ sở hàng năm, giá thực phẩm nói chung tăng 18,8%, riêng giá hành tây bán lẻ trên thị trường tăng trung bình từ mức 20 rupee/kg hồi đầu năm lên 70-80 rupee/kg tại thời điểm hiện tại.
Ấn Độ là nước sản xuất hành tây đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng khoảng 15 triệu tấn/năm. Hành vừa là gia vị vừa là thực phẩm thay rau chủ yếu của người dân Ấn Độ. Do đó, tại nước này, hành thường được lấy làm “thước đo” dự báo về biến động thị trường.
Tỷ lệ lạm phát tăng trở lại ở thời điểm kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn, thâm hụt tài chính và cán cân thanh toán vãng lai đều tăng, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và thị trường nợ do đồng rupee mất giá, càng gây thêm khó khăn cho chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) do đảng Quốc đại đứng đầu.
Ông C. Rangarajan, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ (PMEAC) nhận định bên cạnh sự biến động của thị trường ngoại hối, chỉ số lạm phát tăng trong tháng Tám sẽ khiến ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) khó đưa ra quyết định về chính sách (dự kiến công bố ngày 20/9).
Ông D.S. Rawat, Tổng thư ký Hiệp hội các phòng thương mại Ấn Độ (Assocham) cũng cho rằng chỉ số lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải chịu thêm những gánh nặng về chi phí đầu vào./.
Vietnam+
|