Xuất khẩu châu Á đình đốn dù kinh tế Mỹ hồi phục
Dù kinh tế Mỹ đang phục hồi nhưng vẫn đang tồn tại những yếu tố khiến xuất khẩu của châu Á đình đốn, với tăng trưởng xuất khẩu của nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu lớn nhất Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hong Kong và Singapore chững lại trong quý Hai.
Nguyên nhân của sự đình đốn đó trước hết phải kể đến là thương mại đang gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã không thể bù đắp được sự sụt giảm nhu cầu từ châu Âu, trong lúc nhu cầu đối với hàng Nhật Bản cũng không được như trước.
Vấn đề lớn hơn là sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã không làm tăng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu châu Á như đã được kỳ vọng hồi đầu năm. Xuất khẩu vẫn đóng góp gần 35% tổng sản lượng kinh tế của khu vực, trong khi động lực hiện nay của kinh tế Mỹ là đầu tư vào khí đốt đá phiến sét và nhà đất, không phải là nhu cầu hàng điện tử của các nhà máy châu Á.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dù đồng yen xuống giá đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng nội tệ của Nhật Bản trong quý Hai, song nhu cầu vẫn yếu và kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của nước này lại giảm 14%.
Trong khi đó, dù đồng tiền won lên giá nhưng xuất khẩu của Hàn Quốc lại tăng 1%, trong đó xuất khẩu tới Trung Quốc tăng 13%, với xuất khẩu máy móc công nghiệp, phụ tùng ôtô và hàng tiêu dùng thông dụng tăng mạnh.
Đây là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, khi các nhà máy đang chuẩn bị cho sự gia tăng đơn đặt hàng và nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chuyển mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa vào nhu cầu trong nước đang làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng có giá trị lớn như các sản phẩm của Samsung Electronics, LG Electronics và Huyndai Motors.
Bên cạnh đó, có lý do để lạc quan về triển vọng xuất khẩu châu Á khi chỉ số quản lý sức mua của châu Âu tháng Bảy đã vượt ngưỡng 50 điểm, cho thấy chiều hướng tăng trưởng của hoạt động sản xuất trong châu lục, còn chỉ số quản lý nguồn cung trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong cùng tháng ở mức cao nhất trong hai năm.
Thế nhưng, xuất khẩu của Trung Quốc và Nhật Bản tới châu Âu thì vẫn giảm tương ứng 8% và 20%; trong khi xuất khẩu tới Mỹ giảm 2,4%, trong đó từ Hong Kong giảm mạnh nhất với 21% và từ Nhật Bản giảm 7%.
Xuất khẩu đình trệ càng khiến các nền kinh tế châu Á khó khăn hơn khi đối phó với việc các nước tăng lãi suất khiến dòng vốn đầu tư chuyển về hướng Tây.
Theo số liệu của Nomurra, trong khi vẫn rót tiền vào chứng khoán Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 12,5 tỷ USD cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán châu Á khác kể từ tháng Năm vừa qua.
Lê Minh
vietnam+
|