Xuất hiện các thông tin trái chiều về kinh tế châu Âu
Mặc dù nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài gần 2 năm qua, song cho đến nay kinh tế châu Âu vẫn xuất hiện đầy rẫy những thông tin tích cực lẫn tiêu cực.
Ngày 27/8, viện Ifo có trụ sở ở Munich (Đức) cho biết trong tháng 8/2013, chỉ số môi trường kinh doanh của Đức, dựa trên cuộc thăm dò của 7.000 nhà điều hành, đã tăng lên 107,5 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, cao hơn dự đoán 107 điểm của đa số các nhà kinh tế trước đó. Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang được củng cố mạnh mẽ và cũng thêm điểm cộng cho Thủ tướng Angela Merkel ở thời điểm còn một tháng nữa là tới cuộc tổng tuyển cử.
Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ tăng 0,3% trong năm nay và 1,5% trong năm 2014. Trong quý 2 vừa qua, GDP của Đức đã tăng 0,7%, góp phần giúp khu vực đồng euro của 17 quốc gia thành viên thoát khỏi sáu quý suy giảm kinh tế. Sự tăng trưởng của Đức chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân và sự gia tăng lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong việc đầu tư vào nhà xưởng và máy móc - báo hiệu xu hướng phục hồi lâu bền.
Nhà kinh tế Kai Carstensen thuộc Ifo nhận định rằng tình hình kinh doanh hiện tại ở Đức là tốt hơn đáng kể so với tháng trước. Ông hy vọng triển vọng kinh doanh vẫn tiếp tục sáng trong tương lai với nhiều công ty đạt được kết quả khả quan nhờ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Khác với triển vọng tươi sáng của nền kinh tế số 1 châu Âu, Chính phủ Đan Mạch ngày 27/8 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn 0,2%, từ mức 0,5% đưa ra trước đó, do bong bóng bất động sản nổ tung khiến tâm trạng của người tiêu dũng vẫn đang hết sức ảm đạm. Tuy nhiên, Chính phủ trung-tả cầm quyền vẫn tin tưởng Đan Mạch sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% vào năm 2014. Năm 2012, nền kinh tế Đan Mạch lại suy giảm 0,4% sau khi tăng 1,1% năm trước đó.
Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục khiến nền kinh tế nước này trong năm 2012 lún sâu vào vòng xoáy suy thoái với mức suy giảm 1,6%, cao hơn 1,4% trong năm trước đó. Trong khi đó, triển vọng của Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng không mấy sáng sủa khi chi phí vay mượn ngắn hạn tăng mạnh.
Vietnam+
|