Vốn ngàn tỷ không phát huy
Nếu như một số doanh nghiệp niêm yết báo cáo lãi ngàn tỷ đồng, thì cũng có những doanh nghiệp đã biết tận dụng thời cơ thuận lợi của TTCK để huy động vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không thể chuyển hóa thành lợi thế kinh doanh.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) là một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với 4.000 tỷ đồng. Quý II-2013, PVX lỗ hợp nhất xấp xỉ 550 tỷ đồng và tổng lỗ sau nửa đầu năm nay lên đến gần 620 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30-6-2013, tổng số lỗ lũy kế của PVX cũng đã lên xấp xỉ 1.830 tỷ đồng, gần bằng phân nửa vốn điều lệ. Hiện nay PVX cũng đã bị HNX đưa vào diện kiểm soát sau khi đã lỗ trong 2 năm 2011, 2012. Để tiếp tục hiện diện trên sàn, nửa cuối năm nay, PVX sẽ phải làm sao để đạt được một khoản lợi nhuận ít nhất cũng đủ bù đắp cho khoản lỗ của đầu năm, tức 620 tỷ đồng, đây là thách thức thực sự cho PVX.
Xét về vị thế, PVX không hề kém cạnh các doanh nghiệp chủ lực khác thuộc Petro Vietnam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) như Đạm Phú Mỹ, PVGas, PVDrilling… vì là đơn vị giữ chức năng quan trọng trong việc thi công, lắp ráp các công trình của Petro Vietnam.
Năm nay là năm thứ 5 PVX có mặt ở trên sàn, tức công ty thừa hưởng những thuận lợi của TTCK, trong đó có việc huy động vốn, nhưng lại không thể đạt được những kết quả như kỳ vọng. Cuối tuần qua, giá CP của PVX trên sàn chỉ còn 4.100 đồng/CP, một mức giá có thể gọi là bèo bọt và rẻ mạt đối với một tên tuổi như PVX.
3-4 năm trước, CTCK Kim Long (KLS) là một trong những doanh nghiệp niêm yết có tốc độ tăng vốn vào loại “khủng” nhất trên TTCK. Cuối năm 2006 vốn điều lệ của KLS mới chỉ 18 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2007 đã lên đến 315 tỷ đồng, cuối năm 2010 tăng lên 2.025 tỷ đồng và cho đến giờ cũng chỉ là số ít, đếm trên đầu ngón tay các CTCK có vốn điều lệ ngàn tỷ đồng.
Có lẽ đặt trong bối cảnh hiện nay, những CTCK muốn triển khai hoạt động cho vay margin mà thiếu vốn sẽ phải nhìn KLS với con mắt thèm thuồng, vì KLS sở hữu một lượng tiền mặt rất lớn. Nhưng KLS lại không chú trọng hoạt động môi giới, tiền đem… gửi ngân hàng. Đã có những lúc KLS đẩy mạnh hoạt động tự doanh, nhưng có lẽ trong bối cảnh thị trường chung hiện nay khả năng có thể tự doanh để “thắng lớn” như những năm về trước đã không còn nữa.
Nếu giờ đây KLS có quay lại đẩy mạnh môi giới, với lợi thế là cục tiền lớn trong tay cũng không dễ vì thị phần đã được các đối thủ phân chia và định hình. Còn nếu theo đuổi tự doanh cũng không dễ vì thị trường nhiều khi càng lướt lại càng lỗ, tìm được hàng “chất” không dễ. Còn đem tiền đi gửi ngân hàng an toàn thật nhưng lại là chuyện chẳng đặng đừng, vì đơn giản doanh nghiệp thì phải tìm cách hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vang bóng 1 thời nhưng giờ đây SJS (Sudico) đang phải đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, vì đã bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt từ hồi tháng 4 và chỉ được giao dịch ở đợt khớp lệnh giá đóng cửa mỗi phiên vỏn vẹn 15 phút. SJS đã từng đạt mức giá lên đến 70.0 (700.000 đồng/CP) nhưng giờ chỉ còn 12.0.
Cần nhấn mạnh là SJS không giảm “một lèo” từ 70.0 xuống còn 12.0 mà ở đây còn do CP này tăng vốn, chia CP thưởng nên giá điều chỉnh là điều phải thừa nhận. Điểm đáng nói ở đây là từ khi SJS tăng vốn điều lệ lên mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2010, cũng là lúc hoạt động kinh doanh của công ty chững lại và đi xuống tới nay. Vốn điều lệ đạt đỉnh cũng là lúc SJS dần đi xuống đáy, nghịch lý này không chỉ xảy ra đối với mình SJS mà còn tại một loạt doanh nghiệp khác nữa.
Nói đến khả năng tận dụng thời cơ trên TTCK để phát triển, qua đó tăng vốn điều lệ không thể không nhắc tới “cựu binh” Sacom (SAM), một trong 2 CP niêm yết đầu tiên trên sàn HOSE, hiện đang có vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của SAM những năm vừa qua, từ sản xuất dây cáp, đến đầu tư bất động sản, chứng khoán đều không thành công. Cho đến giờ, nhiều người vẫn chờ đợi những sự thay đổi mang tính bước ngoặt của SAM, có điều chờ hoài… không thấy.
Hay như GMD (Gemadept) hiện có vốn điều lệ 1.143 tỷ đồng, là một trường hợp tương đối khác biệt. Đây là một CP luôn có khả năng gây ra bất ngờ cho thị trường từ những đợt sóng mạnh cũng như những thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Trong mảng đầu tư tài chính của GMD, công ty có những khoản đầu tư tốt và có thể hiện thực hóa lợi nhuận để thu về dòng tiền (như thoái hết phần vốn góp của mình tại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo).
Ngoài ra, GMD còn sở hữu những bất động sản có khả năng sinh lời dù thị trường vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Nhưng mới tuần rồi, GMD công bố lãi ròng hợp nhất quý II-2013 chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Theo dõi KQKD theo từng năm từng quý của GMD có thể nhìn thấy sự thiếu ổn định, mà đây lại là một yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn.
Có thể nói trong vai vế của một doanh nghiệp có vốn hàng ngàn tỷ đồng, có hơn 11 năm niêm yết trên TTCK, nhưng những thông tin liên quan đến GMD đôi khi chưa làm thỏa mãn các NĐT và cổ đông. Chọn cách công bố thông tin cởi mở hay kín đáo là quyền của doanh nghiệp, nhưng với doanh nghiệp vốn lớn, thường tính đại chúng sẽ càng cao, mà như vậy NĐT kỳ vọng càng nhiều tính nhất quán, chặt chẽ trong việc công bố thông tin.
Trong thời buổi việc phát hành CP để tăng vốn điều lệ rất khó khăn, lý ra các doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng phải phát huy tối đa lợi thế của mình. Nhưng thật đáng tiếc khi số vốn huy động được, TTCK thời điểm tương đối dễ dàng, đã được sử dụng cũng rất… dễ dãi.
Một vài doanh nghiệp có vốn điều lệ ngàn tỷ đồng nói nghe rất oai, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh thì chỉ biết ngao ngán lắc đầu. Không chỉ tiếc nuối cho doanh nghiệp đó, cho các cổ đông, mà cho cả hàng ngàn tỷ đồng vốn bị chôn một cách lãng phí.
Thục Khanh
sài gòn đầu tư tài chính
|