Trung Quốc “mượn” bê bối sữa độc New Zealand để kích cầu
Nhân vụ sữa của hãng Fonterra nhiễm độc, Trung Quốc khuyến khích người tiêu dùng nước này tránh các sản phẩm sữa bột trẻ em nhập ngoại và thay vào đó dùng sữa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Các hãng sữa ngoại đang đối mặt với không ít thách thức ở Trung Quốc
|
Bà Wang Suhong, một phụ nữ Bắc Kinh, cho biết đang chờ đón đứa cháu đầu lòng. Phóng viên tờ Wall Street Journal gặp bà khi bà đang có mặt trong một siêu thị ở quận Đông Thành để tìm hiểu về loại sữa sẽ mua cho đứa cháu yêu sắp chào đời. Sau nhiều cân nhắc, bà Wang quyết định chọn giữa sữa do hãng Mead Johnson của Mỹ hoặc Royal FrieslandCampina của Hà Lan sản xuất. “Tháng 9 này tôi sẽ tới Mỹ và dự kiến sẽ mua sữa từ bên đó”, bà Wang nói.
Kể từ khi nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới là hãng Fonterra của New Zealand cảnh báo về sản phẩm protein cô đặc dùng để sản xuất sữa bột trẻ em của hãng có thể chứa vi khuẩn gây hại, truyền thông Trung Quốc liên tục lên tiếng chỉ trích sữa ngoại dành cho trẻ em. Hiện Trung Quốc đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm sữa từ New Zealand, bao gồm những loại là thành phần dùng để sản xuất sữa công thức cho trẻ em.
Mặc dù Fonterra không bán sữa công thức cho trẻ em ở Trung Quốc, vụ bê bối sữa của hãng này đã ảnh hưởng tới các thương hiệu sữa ngoại khác dùng nguyên liệu do Fonterra cung cấp. Hôm thứ Ba tuần này, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đã yêu cầu một bộ phận của hãng Abbott tại Trung Quốc thu hồi hai lô sản phẩm sữa công thức trẻ em sau khi quan chức đại sứ quán New Zealand tại Trung Quốc cho hay, những lô sữa này có thể bị nhiễm độc.
Hãng Dumex, một công ty con của tập đoàn Pháp Danone, và công ty Coca-Cola Trung Quốc cũng đã công bố thu hồi một số sản phẩm, dù đều nhấn mạnh rằng, đây là sự thận trọng của doanh nghiệp. Đầu tuần, Giám đốc điều hành (CEO) Theo Spierings của Fonterra đã tới Trung Quốc để xin lỗi.
Vụ bê bối sữa Fonterra đã đem tới cho Bắc Kinh một lợi thế trong nỗ lực khôi phục vị thế cho ngành sản xuất sữa trong nước. Ngành sữa Trung Quốc đã bị sữa ngoại lấn át sau vụ bê bối năm 2008 trong đó sữa nhiễm độc melamine khiến ít nhất 6 em bé thiệt mạng và hàng trăm ngàn em khác phải nhập viện, đánh dấu một trong những vụ bê bối thực phẩm gây sốc nhất từ trước đến nay ở nước này.
“Một số người tiêu dùng Trung Quốc hy vọng các thương hiệu nước ngoài là an toàn tuyệt đối, nhưng những vụ việc lặp đi lặp lại đã cho thấy, các thương hiệu nước ngoài không phải lúc nào cũng an toàn”, một bài biết trên tờ Nhân dân Nhật báo số ra hôm thứ Ba có đoạn viết.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã thì viết trong một bài báo rằng, “ngày càng có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sính hàng ngoại”, đồng thời dẫn lời các nhà phân tích nói rằng, vụ bê bối sữa New Zealand là một cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước “giành lại sân chơi”.
Các hãng sữa ngoại đang đối mặt với không ít thách thức ở Trung Quốc. Tháng trước, nhà chức trách nước này tiến hành điều tra các công ty sữa nước ngoài vì nghi các hãng này “làm giá” sữa tại Trung Quốc. Các hãng Danone, Nestle và Fonterra đã cam kết sẽ cắt giảm giá sữa sau khi bị điều tra. Hôm thứ Ba, hãng Mead Johnson cho biết sẽ nộp phạt 33 triệu USD để giải quyết vụ điều tra chống độc quyền của nhà chức trách Trung Quốc nhằm vào hãng này. Hôm nay (7/8), hãng Fonterra cho hay sẽ nộp phạt hơn 700.000 USD và hoàn toàn chấp nhận những kết quả điều tra của nhà chức trách Trung Quốc.
Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng quan trọng đối với các hãng sữa, đồng thời là một trong những thị trường sữa bột công thức cho trẻ em lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu các sản phẩm sữa hàng năm tại nước này dự kiến đạt mức 46,5 tỷ USD trước năm 2016, tăng 66% so với năm 2011. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1,05 tỷ USD nguyên liệu thức ăn cho trẻ em, tăng gấp 4 lần so với năm 2007.
Vụ bê bối sữa độc đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Fonterra tại Trung Quốc. “Liệu chúng ta còn có thể ăn gì nữa đây?” một số bà mẹ bày tỏ quan điểm lo âu trên mạng xã hội Sina Weibo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nói là sẽ “trung thành” với hàng ngoại nhập.
Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, vụ việc có ảnh hưởng tiêu cực tới các sản phẩm sữa New Zealand và các loại sữa ngoại nhập khác ở Trung Quốc, nhưng sẽ rất khó để người tiêu dùng Trung Quốc quay trở lại với các thương hiệu sữa nội.
Cô Lan Li, một bà mẹ đang săm soi một hộp sữa Mead Johnson tại cửa hiệu Wal-Mart ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, hỏi nhân viên bán hàng: “Đây có phải là hàng New Zealand không?”. Khi nhận được câu trả lời là không, cô Li bỏ hộp sữa vào giỏ hàng của mình. Bà mẹ có đứa con nhỏ 21 tháng tuổi này cho biết, cô không hề tính chuyện mua sữa nội cho con.
“Cơn khát” sữa ngoại của người Trung Quốc đã lan khắp thế giới. Du khách Trung Quốc đã có những thời điểm “vét sạch” sữa hộp trẻ em bán ở Hồng Kông, Australia, Anh… Một số quốc gia thậm chí đã phải áp lệnh cấm người tiêu dùng Trung Quốc mua quá một lượng sữa nhất định. Theo một số ước tính, sữa bột xách tay từ nước ngoài vào Trung Quốc chiếm khoảng 10% thị trường sữa nước này.
Ngành sữa Trung Quốc đã hồi phục từ sau vụ bê bối melamine năm 2008, nhưng vẫn chưa thể vượt qua được uy tín đã bị phá hỏng. Hôm thứ ba, Tân Hoa Xã dẫn lời Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cho biết đã soạn thảo những quy định mới yêu cầu các hãng sữa nội phải xây dựng hoặc kiểm soát nguồn sữa nguyên liệu, cũng như tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển.
An Huy
vneconomy
|