TP HCM chi chống ngập 70,5 tỉ đồng
Số tiền này dùng để chống ngập chủ yếu ở các quận 5, 6, 11 và Thủ Đức
40,5 tỉ đồng là số tiền sẽ được Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) chi để thực hiện các dự án xóa 7 điểm ngập mà đơn vị này đã đăng ký với UBND TP đầu năm 2013.
Một khu vực thường xuyên ngập nước do mưa và triều cường tại TP HCM
|
Xóa 7 điểm ngập từ tháng 8-2013 đến quý I/2014
Cụ thể, đó là các điểm ngập trên đường Trang Tử (đoạn từ Đỗ Ngọc Thạnh đến Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5) và đường Trần Hưng Đạo (từ Châu Văn Liêm đến Hồng Lạc, quận 5) với tổng số tiền 9,5 tỉ đồng; đường Phạm Đình Hổ (đoạn từ Hồng Bàng đến Lê Quang Sung, quận 6) 2 tỉ đồng; đường 3 Tháng 2 (từ Hàn Hải Nguyên đến Lê Đại Hành, quận 11) 10 tỉ đồng; đường Tân Hòa Đông (từ An Dương Vương đến vòng xoay Phú Lâm, quận 6) 17 tỉ đồng và đường Dương Tử Giang (từ Nguyễn Trãi đến Trang Tử, quận 5) 2 tỉ đồng.
Trong đó, dự án trên các đường Phạm Đình Hổ, Tân Hòa Đông, Dương Tử Giang đã được Trung tâm Chống ngập khởi công, dự kiến hoàn thành trong cuối tháng 8-2013. Riêng dự án các đường Trang Tử, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2 sẽ được khởi công vào tháng 8 và tháng 10-2013, dự kiến hoàn thành quý I/2014.
Theo Trung tâm Chống ngập, trong lúc chờ rót vốn đợt 2 để thực hiện các dự án chống ngập thì TP cho trung tâm tạm ứng 40,5 tỉ đồng. Trong khi đó, đơn vị thi công đã bỏ tiền túi ra trên 60 tỉ đồng để khởi công các dự án.
Trung tâm Chống ngập cho rằng nguyên nhân gây ngập tại các tuyến đường nêu trên là do đường bị thấp trũng, hệ thống thoát nước không đáp ứng thoát nước khi có mưa hay triều cường. Riêng đường Tân Hòa Đông thì do ảnh hưởng của dự án Tân Hóa - Lò Gốm.
Xây kè chống sạt lở sông Sài Gòn
UBND TP HCM cũng chấp thuận cho UBND quận Thủ Đức tạm ứng 30 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng kè chống ngập úng, sạt lở ven sông Sài Gòn, thuộc khu phố 8, phường Linh Đông. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, công trình này dài 678 m, được thi công bằng cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều cao công trình đạt 2,7 m, rộng 5 m. Hiện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức đang lập thủ tục đấu thầu xây lắp, dự kiến trong tháng 9 tới sẽ khởi công.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Đô thị quận Thủ Đức, sau khi đưa vào sử dụng, công trình này sẽ chống sạt lở cho 678 m bờ sông, bảo vệ chống ngập cho khoảng 5.000 người, khoảng hơn 1.000 hộ dân, bảo vệ khoảng 45 ha đất đai và hoa màu thuộc khu phố 8, phường Linh Đông.
Hiện nay, ngoài những khu vực nêu trên, quận Thủ Đức còn một số vị trí thường xảy ra ngập khi có triều cường, mưa lớn như: Đường Kha Vạn Cân, Tỉnh lộ 43, đường Lê Thị Hoa, đường Bình Chiểu, đường Gò Dưa...
Theo Trung tâm Chống ngập, đường Gò Dưa thường bị ngập sâu là do tuyến cống thoát nước xuống cấp, tiết diện nhỏ, không đảm bảo thoát nước khi có mưa. Ngoài ra, đường Gò Dưa có một số đoạn bị trũng cục bộ, cửa xả cao hơn đáy cống 40 cm. Khu vực này còn chịu ảnh hưởng của dự án lắp đặt hệ thống thoát nước khu dân cư Bình Chiểu nên khi nước từ Quốc lộ 1 đổ dồn về sẽ gây ngập. Để cứu đường Gò Dưa thoát ngập, chỉ còn cách duy nhất là chờ UBND TP rót vốn đợt 2 để cải tạo hệ thống thoát nước.
Trình Chính phủ 2 dự án lớn
Liên quan đến việc chống ngập, mới đây, UBND TP HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật (tổng mức đầu tư 407 tỉ đồng) và cống kiểm soát triều rạch Nước Lên (406 tỉ đồng). Đây là 2 dự án đang triển khai nhưng còn thiếu vốn. Theo đánh giá, 2 dự án này có công trình kiến trúc thân thiện với môi trường, có không gian mở cho cộng đồng, kết nối với giao thông nông thôn, phục vụ chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, theo Trung tâm Chống ngập, từ đầu năm tới nay, trung tâm đã nạo vét, duy tu bảo dưỡng hàng trăm tuyến cống trên toàn địa bàn TP; phối hợp cùng Thành đoàn tiến hành vớt lục bình, khơi thông cống rãnh, tạo thông thoáng dòng chảy. Nhờ đó, thời gian ngập tại nhiều khu vực đã giảm xuống đáng kể.
|
Thành Đồng
người lao động
|