Tiếp tục hoàn thiện chính sách về giá đất tại Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trình Hợp tác đối tác nâng cao năng lực quản lý đất đai, sáng 6/8, Hội thảo về giá đất, do Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan lập bản đồ, địa chính và đăng ký đất đai Thụy Điển phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo đánh giá Luật Đất đai năm 2003 đã đưa pháp luật về giá đất từng bước tiếp cận cơ chế thị trường, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến lớn trong quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội.
Giá đất do Nhà nước quy định đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất; đồng thời là cơ sở để giải quyết tốt hơn quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy vậy, trong quá trình vận hành Luật Đất đai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Hội thảo lần này nhằm mục đích tiếp nhận những ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từ đó khắc phục những hạn chế, tồn tại và hoàn thiện chính sách pháp lý về giá đất ở Việt Nam.
Các ý kiến đã tập trung làm rõ hạn chế của quy định về giá đất hiện hành, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục.
Ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định việc định giá đất cụ thể ở Việt Nam còn hạn chế, chưa có cơ chế hữu hiệu để giảm việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, dẫn đến việc nhiều địa phương quyết định giá đất thấp để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
Khung giá đất luôn không theo kịp biến động của thị trường, nhiều nơi khung giá đất chỉ bằng 20% giá thị trường. Ngoài ra, Nhà nước chưa có cơ quan định giá chuyên nghiệp mà chủ yếu theo cơ chế hội đồng liên ngành… dẫn đến việc xây dựng bảng giá đất, định giá cụ thể chưa đáp ứng yêu cầu và chưa thực hiện đồng đều tại địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu cho rằng, khi xây dựng nguyên tắc định giá đất do Nhà nước quy định, phải bảo đảm các yêu cầu, như theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng.
Thực hiện điều chỉnh giá của một loại đất hoặc một số loại đất trong khung giá đất khi có trên 50% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng giá đất có văn bản đề nghị điều chỉnh, hoặc khi giá đất thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa, hoặc giảm trừ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất và thời gian tăng hay giảm từ 90 ngày trở lên.
Tại Hội thảo, chuyên gia Olov Farmlvist, Cơ quan lập bản đồ, địa chính và đăng ký đất Thụy Điển cũng đã dẫn chứng một số kinh nghiệm từ việc định giá đất đai tại nước này.
Cụ thể như định giá chủ yếu là hoạt động mang tính địa phương, nhưng đối với định giá hàng loạt thì cần có sự giám sát từ trung ương để có thể tiến hành định giá một cách thống nhất. Các giá trị đưa ra trong bảng giá đất thì cần phải có liên hệ với thị trường.
Giá đất được cập nhật 3 năm một lần; trong luật có nêu rõ giá trị tính được trong định giá hàng loạt thì phải bằng 70% giá trị thị trường. Quy tắc này được đưa ra nhằm tránh trường hợp giá trị được định giá cao hơn giá thị trường.
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là cách tính giá đất tại các khu vực giáp ranh, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Dương Đại Tôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận xét, hiện nay tại một số vùng giáp ranh Hà Nội, nhiều nơi giá đất quy định của Nhà nước chỉ có 2,5 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường lại cao gấp hàng chục lần.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần có tính minh bạch trong việc định giá. Đặc biệt là cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất gồm khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể, giá đất thị trường. Để có thể tiến hành định giá đất một cách chính xác nhất.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia hội thảo còn đưa ra nhiều giải pháp trong việc điều chỉnh bảng giá đất; giá đất cụ thể; các phương pháp định giá đất…/.
Hữu Quyết - Thanh Hương
vietnam+
|