Tạm biệt tháng 8 “đen đủi” của Dow Jones và S&P 500
Đây là tháng giao dịch khắc nghiệt nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 5/2012 khi hai chỉ số này giảm sâu từ 3%-4.5%. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, Dow Jones và S&P 500 vẫn còn tăng từ 13%-15%.
Trong khi đó, Nasdaq chèo chống khá tốt qua tháng 8 khi chỉ số này chỉ giảm 1%. Từ đầu năm đến nay, Nasdaq còn tăng gần 19%.
* Vàng rớt gần 17 USD/oz phiên cuối tuần nhưng tăng hơn 6%/tháng
Diễn biến của Dow Jones trong tháng 8 - Nguồn: CNN Money
|
Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm gói kích thích tiền tệ, hay chương trình mua trái phiếu hàng tháng, sớm nhất là vào tháng 9 đã khiến nhà đầu tư thực sự căng thẳng.
Tháng 8 cũng là khoảng thời gian khó khăn đối với các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là các thị trường mới nổi. Chỉ số Sensex của Ấn Độ và Bolsa của Mexico đồng loạt giảm gần 4% trong tháng qua. Ngược lại, chỉ số Bovespa của Brazil tăng gần 4% nhưng giao dịch cực kỳ biến động. Các lời bàn tán về khả năng Fed rút kích thích đã khiến nhà đầu tư nước ngoài “cao chạy xa bay” khỏi các thị trường mới nổi.
Cùng kỳ, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số FTSE 100 của Anh cũng sụt khoảng 2%. Trong khi đó, Trung Quốc lại trở thành điểm sáng của thế giới khi chỉ số Shanghai Composite tăng 5% và chỉ số công nghệ Shenzhen tiến gần 6% trong tháng 8.
Cả ba chỉ số chính của Mỹ đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và khép tuần giảm gần 2%. Khối lượng giao dịch ảm đạm trọn tuần và đây là điều không có gì xa lạ trong tháng 8. Các thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào ngày thứ Hai nhân Lễ Lao động.
Hiện nhà đầu tư vẫn đang để mắt tới Trung Đông. Nguy cơ xảy ra cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu vào Syria chính là thông tin tác động mạnh đến thị trường trong tuần qua với việc kéo cổ phiếu đi xuống trong khi lại đẩy dầu và vàng tăng giá.
Các hành động quân sự đối với Syria sẽ không xảy ra ngay lập tức nhưng nhà đầu tư đang theo dõi sát tình hình này. Chiều thứ Sáu, Tổng thống Barack Obama cho biết Mỹ đang xem xét rất nhiều phương án.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, tăng 2.2%, nâng tổng mức tăng trong tuần qua lên 22%. Giao dịch ảm đạm trước ngày Lễ Lao động với chỉ 3.99 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; thấp hơn mức trung bình hàng ngày năm nay là khoảng 6.31 tỷ cổ phiếu.
Nguồn: Reuters
|
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 33.26 điểm (tương ứng 0.22%) xuống 14,807.69 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 5.40 điểm (tương ứng 0.33%) xuống 1,632.77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 30.44 điểm (tương ứng 0.84%) xuống 3,589.87 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 mất 1.8%, ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 trong 4 tuần qua. Nasdaq giảm 1.9% và Dow Jones cũng trượt 1.3% trong tuần điều chỉnh thứ tư liên tiếp. Tính cả tháng, Dow Jones sụt 4.4%, S&P 500 rớt 3.1% và Nasdaq mất 1%.
Khoảng 70% cổ phiếu trên sàn New York đóng cửa trong sắc đỏ trong khi tỷ lệ này trên sàn Nasdaq là 73%.
Diễn biến các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 30/08:
Phước Phạm (Theo Reuters)
Infonet
|