Thứ Hai, 12/08/2013 15:47

SSI: Chờ thời với giống

Từ lâu, quỹ đầu tư SSI đã thể hiện tham vọng nắm giữ ngành giống cây trồng khi đầu tư nhiều vào cổ phiếu của hai công ty đầu ngành. Nhóm đầu tư của SSI hiện nắm hơn 27,67% cổ phần của Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC) và 32,49% ở Công ty Giống cây trồng Miền Bắc (NSC). Đồng thời, người của SSI cũng tham gia Hội đồng Quản trị ở hai công ty này.

Theo số liệu từ cuộc khảo sát Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2013 do NCĐT phối hợp với Công ty Chứng khoán Thiên Việt thực hiện, SSC và NSC có khả năng sinh lợi khá cao với ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) bình quân trong giai đoạn 2010-2012 lần lượt ở mức 28% và 27%.

Mức chi trả cổ tức của hai công ty này cũng khá cao. Giai đoạn 2010-2012, chi trả cổ tức bằng tiền mặt trung bình hằng năm ở SSC là 15%. Con số này ở NSC là 30%.

Tăng trưởng và mức cổ tức khá cao của NSC và SSC có sức hấp dẫn đặc biệt đối với một quỹ đầu tư như SSI. Nhưng có thể SSI không chỉ dừng lại ở việc đầu tư tài chính, mà còn dành một kịch bản khác cho hai công ty đầu ngành này.

Giống có hấp dẫn?

Là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành trồng trọt, ngành giống được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn, nhất là khi xét đến diện tích hơn 8 triệu ha đất gieo trồng. Mặc dù là nước thuần nông nghiệp, nhưng nhu cầu giống của Việt Nam chỉ mới tăng mạnh trong 20 năm trở lại đây. Thay vì giữ lại con giống để tiết giảm chi phí như trước đây, nông dân ngày nay có xu hướng chọn mua giống của các công ty cung cấp với năng suất, chất lượng và tính chống chịu cao.

Tuy vậy, ngành giống Việt Nam lại có quy mô nhỏ, thị trường phân tán, manh mún. Điều này thể hiện ở tỉ lệ thị phần nắm giữ của hai công ty đầu ngành. Nếu tính cả mảng giống tự lai tạo và các con giống thương mại, SSC chỉ chiếm khoảng 10% thị trường giống cây trồng. Còn NSC lại có thế mạnh ở miền Bắc khi chiếm lĩnh khoảng 15% thị trường lúa từ khu vực duyên hải Nam Trung bộ trở ra.

Ngành giống Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Bằng chứng là Việt Nam đang phải bỏ ra 200 triệu USD mỗi năm để nhập giống cây trồng. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, nhận xét: “Nghịch lý là ở chỗ trong số này có nhiều loại cây trồng nước ta đủ sức cung cấp cho nông dân như lúa, ngô, cà chua, dưa leo, đậu bắp, mướp đắng”. Ông Dũng cho biết thêm: “Các doanh nghiệp kinh doanh giống ở nước ta thường nhỏ bé, vốn ít, nên chỉ thích đi buôn hơn là đầu tư vào việc nghiên cứu giống”.

Ngay cả hai công ty hàng đầu là SSC và NSC cũng vậy. Tại SSC, chẳng hạn, cách đây 10 năm, tỉ trọng doanh thu các sản phẩm thương mại chỉ chiếm 20% tổng doanh thu, nhưng con số này giờ đã lên tới 60%.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng cho thấy thực tế này. Theo báo cáo, thị trường có khoảng hơn 200 công ty phân phối giống cây trồng, trong đó chủ yếu là các công ty thương mại.

Lý giải vấn đề này, ông Hàng Phi Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc SSC, cho biết các công ty buộc phải làm thương mại để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn. Bởi lẽ, để chứng minh hiệu quả con giống mình lai tạo và bán được giống, phải mất khá nhiều công sức và thời gian. Đó là chưa kể đến những hạn chế về kỹ thuật và công nghệ.

Vẫn phải chờ thời

Quy mô nhỏ và manh mún của ngành giống khiến việc sáp nhập giữa hai công ty giống hàng đầu (nếu có) sẽ có ý nghĩa tích cực đối với ngành. Trên thực tế, ngoài hai doanh nghiệp trên, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài (hiện nay, trên thị trường chỉ 2 công ty này là có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng).

Tuy nhiên, khả năng sáp nhập khó có thể xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn. Bởi lẽ, mỗi công ty đều nắm giữ thị trường riêng biệt ở hai miền với thói quen sử dụng giống và canh tác khác nhau. Hơn nữa, đặc thù ngành giống là tốn nhiều thời gian để giúp nông dân nhận thức được thương hiệu của con giống, của công ty.

Mặc dù vậy, khả năng sáp nhập giữa NSC và SSC không phải không có cơ sở. Dù hai doanh nghiệp này có sản phẩm và địa bàn hoạt động khác nhau nhưng trên thực tế, “các sản phẩm của hai công ty đang dần đụng nhau”, ông Quang, SSC, cho biết. Điều này có nghĩa trong tương lai, NSC và SSC sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau ở từng thị trường.

Trong trường hợp này, việc sáp nhập sẽ mang lại giá trị cộng hưởng nhiều hơn khi tận dụng được thế mạnh và tiềm lực nhân sự, khoa học công nghệ và hệ thống phân phối của hai công ty.

Cả hai nhà lãnh đạo ở hai công ty giống hàng đầu đều không phản đối chuyện sáp nhập. Ở góc độ cá nhân, ông Quang cho biết: “Thị trường giống cây trồng nên có một công ty Việt Nam có đủ sức mạnh cạnh tranh”. Còn bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc NSC, thì cho rằng: “Việc hình thành các công ty lớn đủ thực lực và năng lực cạnh tranh là điều rất tốt”.

Đại diện SSI không trả lời trực tiếp câu hỏi về khả năng sáp nhập NSC với SSC mà chỉ cho biết: “Với tư cách là cổ đông lớn, SSI sẽ luôn ủng hộ những chiến lược phát triển giúp cho các công ty SSI đầu tư lớn mạnh hơn nữa”.

Có thể SSI sẽ vẫn đang chờ thời, chờ hai doanh nghiệp này lớn mạnh hơn nữa.

Cả NSC lẫn SSC đều đặt mục tiêu xuất khẩu vì khó lấn chiếm thêm được thị trường trong nước. Đồng thời họ dự định lấn sang mảng giống rau mới vì có quy mô đang tăng nhanh và tỉ suất lợi nhuận cao hơn các giống khác.

Riêng SSC thì đang tập trung nhiều hơn vào mảng phân phối bắp. SSC đang thử nghiệm mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp ở đồng bằng sông Cửu Long do lãi từ bắp gấp đôi so với lúa. Từ đây đến năm 2015, SSC dự tính sẽ có khoảng 70.000-100.000 ha đất lúa chuyển đổi sang trồng bắp.

Còn đối với NSC, bà Liên cho biết Công ty đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc và đặt mục tiêu tăng quy mô gấp đôi so với hiện tại vào năm 2016.

Những kế hoạch ở trên đều có sự tham gia của SSI trong vai trò là thành viên tư vấn chiến lược. Và SSI cũng có chiến lược khác để gia tăng giá trị cho các khoản đầu tư của mình.

Tham gia 2 công ty từ đầu năm 2009, ngoài khoản cổ tức nhận được hằng năm, quỹ đầu tư này vẫn liên tục mua bán cổ phiếu theo thị trường để hưởng chênh lệch giá. Chiến lược này hẳn phải mang lại lợi nhuận đáng kể cho SSI. Khi SSI mới tham gia NSC, giá cổ phiếu của công ty này trung bình chỉ 10.500 đồng/cổ phiếu (tháng 2.2009). Đến phiên giao dịch ngày 6.8.2013, giá đã lên mức 78.000 đồng/cổ phiếu. Điều này cũng tương tự với SSC.

Dù mua bán cổ phiếu nhưng xu hướng của SSI là nâng dần tỉ lệ sở hữu, đặc biệt trong khoảng 1 năm trở lại đây. Vậy có phải SSI gia tăng sở hữu để dọn đường sáp nhập trong tương lai, hay giống vẫn chỉ là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn của một quỹ đầu tư.

Thanh Phong

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   TRC: BCTC CT mẹ Q2-2013 (12/08/2013)

>   TRC: 6 tháng lãi trước thuế gần 113 tỷ, đạt 44% kế hoạch (12/08/2013)

>   VCG sẽ chuyển nhượng hết 10 triệu cp XMC (12/08/2013)

>   SDY: Công bố thông tin đơn vị kiểm toán BCTC năm 2013 (12/08/2013)

>   NSC: BCTC Q2-2013- HN (12/08/2013)

>   LSS: Lãi ròng công ty mẹ quý 2 gần 13 tỷ đồng, giảm 55% so cùng kỳ (12/08/2013)

>   AMV: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (12/08/2013)

>   HVX: BCTC SX 6T_2013 (12/08/2013)

>   HOT: BCTC SX 6T-2013 (12/08/2013)

>   BIDV: 6 tháng lãi ròng hợp nhất gần 2,000 tỷ đồng (12/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật