Sẽ không tiếp tục đầu tư các dự án theo hình thức BT
Ngày 29.8, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai và kế hoạch thực hiện các dự án BOT, BT và PPP (đối tác công – tư) do Bộ GTVT quản lý, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành đề án xã hội hóa cho công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bảo tàng Hà Nội là một trong các dự án BT
|
Đồng thời, đề xuất các cơ chế để làm BOT và đồng ý thuê các Cty tư vấn nước ngoài lập dự án đầu tư BOT, cơ chế chính sách và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Đối với các dự án đang rà soát lại, xem xét dự án nào có thể kết hợp đầu tư theo hình thức BOT và ngân sách nhà nước; dự án nào đầu tư BOT được thì sẽ triển khai theo hình thức này.
Ngoài các dự án BT đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và trả nợ sau năm 2022, sẽ không tiếp tục đầu tư các dự án theo hình thức BT.
Được biết, hiện các dự án BOT do ngành GTVT quản lý dự kiến ký hợp đồng năm nay và năm 2014 gồm: Cầu Việt Trì, QL 19 (đoạn từ ngã ba cầu Bà Gi đến TP.Pleiku); tuyến tránh thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang); đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; quốc lộ 18 đoạn cầu Phả Lại - Uông Bí; quốc lộ 53 và cầu Mỹ Lợi; dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ; dự án đầu tư nâng cấp mở rộng QL1 qua tỉnh Quảng Nam. Dự án BT đường La Sơn - Túy Loan, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phân kỳ hai làn xe; dự án QL 20 đoạn Bảo Lộc - Đà Lạt.
Được biết, Bộ GTVT đang điều chỉnh đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT và sẽ hoàn thiện dự án vào đầu tháng 9.2013. Ngoài ra, các dự án theo hình thức PPP như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được tích cực chuẩn bị các thủ tục.
Đặng Tiến
Lao Động
|