Thứ Năm, 29/08/2013 06:10

Sẽ chuẩn hoá toàn quốc quy trình thủ tục đầu tư

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng thông tư liên tịch về thống nhất thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư – đất đai – xây dựng trên phạm vi cả nước. Ông Cung trao đổi thêm với TBKTSG Online.

Ông Nguyễn Đình Cung

Thưa ông, ý tưởng xây dựng một thông tư liên tịch này xuất phát từ đâu?

Ông Nguyễn Đình Cung: Hiện nay hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng đang rất nhiều. Chúng tôi thống kê được 6 luật, 10 nghị định, 10 thông tư liên quan đến các thủ tục này, đó là chưa kể các tỉnh có ít nhất 1 văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, cứ một trang luật lại có hơn 20 trang hướng dẫn thi hành luật. Với một chuyên viên giàu kinh nghiệm cũng có thể bị lạc hậu với các văn bản này, chứ đừng nói đến doanh nghiệp.

Điều này cho thấy tình trạng phức tạp, chồng chéo, không rõ ràng, hay thay đổi, và mâu thuẫn trong việc thi hành luật.

Về phía chính quyền, các tỉnh thực hiện không biết quy trình bắt đầu từ đâu, thủ tục trước làm gì, sau làm gì là đúng, hồ sơ các loại thế nào, bao nhiêu thì đủ, cơ quan nào đủ thẩm quyền, điều kiện nào được giải quyết thủ tục này, trong thời gian bao lâu…Đó là những câu hỏi rất mù mờ với doanh nghiệp.

Tình trạng trên cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến ba lĩnh vực trên khi đầu tư. Điều này cần thay đổi.

Có vẻ như một thông tư như vậy sẽ rất đụng chạm. Nhóm của ông có được sự ủng hộ nào cho ý tưởng này?

Thứ nhất là thực tiễn đòi hỏi phải có thay đổi, phải có đột phá nếu muốn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã coi cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu trong đầu tư – đất đai – xây dựng là một trong những ưu tiên của cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Ngay trong đề án tổng thể cải cách nền kinh tế, Thủ tướng cũng yêu cầu thiết lập quy trình liên thông hợp lý về quy trình đầu tư – đất đai – xây dựng. Và cuối cùng, trong Chỉ thị 11, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ xây dựng, tài nguyên và môi trường soạn thảo thông tư liên tịch về quy trình liên thông thủ tục hành chính đầu tư – đất đai – xây dựng đối với các dự án đầu tư.

Hiện nay, chúng tôi đã thành lập tổ biên để nghiên cứu, theo dõi về sự biến động của pháp luật liên quan.

Ông hình dung thông tư này sẽ giải quyết được những vấn đề gì?

Tóm lại, thông tư này sẽ xác định các thủ tục hành chính hiện hành, thiết lập quy trình, xác định hồ sơ, nội dung hồ sơ, trình tự thực hiện các thủ tục để giảm thiểu thời gian để áp dụng trên toàn quốc. Mục tiêu là rút ngắn thời gian thủ tục hành chính với cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí, tăng sự thuận lợi, tăng minh bạch, tính tiên liệu được trong thủ tục hành chính. Gỡ khó cho nhà đầu tư cũng là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Hy vọng là quí 3 này là chúng tôi hoàn thành dự thảo.

Ông nhìn nhận như thế nào về việc triển khai thông tư này ở các địa phương?

Những khảo sát PCI gần đây cho thấy, các địa phưong có nhu cầu cải cảch cách để trở nên cạnh tranh hơn. Tỉnh nào tiến hành cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng đều được các doanh nghiệp đánh giá cao, và thăng hạng như Bình Định, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế. Gần đây, ngày càng nhiều các tỉnh miền Bắc quan tâm hơn về việc này, sau khi nhiều tỉnh phía Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Thực tế hiện nay cho thấy, mỗi tỉnh có đặc thù riêng về thủ tục đầu tư. Có những nơi đầu mối nhận hồ sơ là văn phòng uỷ ban nhân dân tỉnh, có nơi là sở kế hoạch và đầu tư, có nơi là trung tâm xúc tiến đầu tư, có nơi là sở xây dựng. Vì các địa phương đa dạng thế, nên cần có quy trình thống nhất. Việc tổ chức thực hiện là giao cho các địa phương họ để đảm bảo tính chủ động, phù hợp với hoàn cảnh.

Việc chuẩn hoá quy trình cấp phép có thể sẽ gây đụng chạm. Ông nghĩ gì về các thách thức ở chính các bộ, ngành, và địa phương?

Có thể có người kêu ca, là hệ thống luật pháp đang nhiều thế này, và đang trong quá trình thay đổi, thì việc ban hành thêm thông tư không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, việc ban hành một thông tư liên bộ là không dễ do sự phối hợp nhiều khi không tốt. Bên cạnh đó, nếu minh bạch hoá toàn bộ quy trình cũng chưa chắc nhận được sự ủng hộ của các công chức quan liêu.

Tuy nhiên, chúng tôi có thuận lợi là cam kết của Chính phủ là rõ ràng, và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhu cầu thay đổi trong thực tiễn là rất lớn. Việc có thông tư quy chuẩn hoá toàn bộ quá trình cấp phép trong ba lĩnh vực trên được trông đợi là đột phá nếu chúng ta thực sự muốn cải thiện môi trường kinh doanh. Tôi nghĩ cộng động doanh nghiệp, và các tỉnh sẽ ủng hộ.

Tư Hoàng

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   "Chỉ số cạnh tranh của Việt Nam có triển vọng tốt" (29/08/2013)

>   Năm 2013: Phấn đấu tăng trưởng GDP 5,4%; lạm phát 7% (28/08/2013)

>   Nợ công của Việt Nam vẫn tăng (28/08/2013)

>   Vì sao 20% doanh nghiệp Châu Âu cân nhắc rời Việt Nam? (27/08/2013)

>   CPI tháng 9: Dự báo tăng quanh mức 1% (27/08/2013)

>   Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 tăng 11.4% cùng kỳ, nhập siêu 300 triệu USD (27/08/2013)

>   8 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% (26/08/2013)

>   Gần 6.700 doanh nghiệp tại Hà Nội ngừng hoạt động (26/08/2013)

>   Những mảng sáng tối của nền kinh tế (26/08/2013)

>   Tổng cục trưởng tổng cục Thống kê: CPI tăng, không đáng lo ngại (26/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật