PVF: Hàng loạt ý kiến ngoại trừ về khoản cho vay liên quan Vinashin và Vinalines
Công ty kiểm toán đã đưa ra hàng loạt các ý kiến ngoại trừ và lưu ý liên quan đến khoản cho vay với Vinashin và Vinalines trong báo cáo soát xét hợp nhất bán niên 6 tháng đầu năm 2013 của TCT Tài Chính CP Dầu Khí Việt Nam (HOSE: PVF).
* PVF: Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất dự kiến 9%
* PVF: Tỷ lệ nợ xấu 5.56%, thu nhập thuần từ lãi quý 2 hợp nhất âm 201 tỷ đồng
Cụ thể, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản cho vay đồng tài trợ đối với CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) – đơn vị trực thuộc Vinalines trị giá 35.3 triệu USD (742.6 tỷ đồng) và lãi dự thu hơn 4 triệu USD (84 tỷ đồng). Giá trị tài sản đảm bảo còn lại là tàu biển được ngân hàng đầu mối định giá ngày 08/08/2007 giá trị 8.95 triệu USD (188.3 tỷ đồng). Trong năm 2012, PVF đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo và vẫn đang trong quá trình xử lý tàu biển trên.
Bên cạng đó là khoản ủy thác cho vay thông qua Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy (VFC) đối với Công ty TNHH Vận tải Viễn dương Vinashin – Vinashinlines (đơn vị được bàn giao từ Vinashin sang Vinalines) với số dư gốc vay 20.2 triệu USD (425.8 tỷ đồng) và lãi dự thu 2.1 triệu USD (44.5 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo là tàu Vinashin Liner 2 (4.2 triệu USD – 89.4 tỷ đồng) và tàu Vinashin Atlantic (26.2 triệu USD – 551.5 tỷ đồng). Khoản vay này được bảo lãnh cam kết trả nợ thay bởi Vinashin.
PVF thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước giữ nguyên trạng thái nợ đối với các khoản cho vay này và chưa trích dự phòng bổ sung. Tuy nhiên, do Falcon và Vinashinlines thuộc danh sách doanh nghiệp phá sản theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 2012-2015 nên phía kiểm toán không thể xác định được giá trị có thể thu hồi đối với các số dư tín dụng này và mức dự phòng cần trích lập.
Đối với khoản ứng trước cho khách hàng, một số hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm và ứng trước ủy quyền bán đã đến hạn nhưng các nhà đầu tư không nhận lại danh mục đầu tư và hoàn trả PVF số tiền nhận ứng trước 580 tỷ đồng và phí ứng trước 115 tỷ đồng. PVF đã xử lý danh mục nhận ủy thác tương ứng như tài sản đảm bảo cho khoản phải thu này và trích lập dự phòng 267 tỷ đồng cho toàn bộ lãi dự thu và một phần giá trị khoản phải thu. Công ty kiểm toán cũng không thể đáng giá được khả năng thu hồi và trích lập dự phòng.
Ngoài ra, phía kiểm toán còn có lưu ý về việc giữ nguyên trạng thái nợ của Vinashin và Vinalines từ năm 2009 và 2011. Tính đến 30/06/2013, tổng dư nợ tín dụng của PVF cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1,057 tỷ đồng và một số công ty thuộc Vinalines 1,669 tỷ đồng, PVF đã trích lập 63.8 tỷ đồng dự phòng cho các khoản dư nợ này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của PVF đạt 37.7 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm (72.5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PVF đạt 33.5 tỷ đồng, chỉ bằng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/06/2013, tiền gửi của PVF tại các TCTD khác hơn 1,936 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 295 tỷ đồng khách hàng mở tài khoản tại CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) để giao dịch chứng khoán niêm yết VFA, 15.5 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty cho thuê tài chính 2 – Agribank (ALC2) quá hạn từ năm 2010.
Cho vay khách hàng của PVF ở mức 37,161 tỷ đồng, giảm 6.5% so với đầu năm 2013. Trong đó 16,545 tỷ đồng cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư. Đây là khoản PVF nhận ủy thác chủ yếu từ các đơn vị trong ngành dầu khí để cho vay các tổ chức kinh tế đã được chỉ định trong các hợp đồng ủy thác.
Tỷ lệ nợ xấu của PVF ở mức 5.56%, tăng so với 4.84% đầu năm 2013. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng 23% lên 1,234 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản nợ liên quan đến Vinalines vẫn giữ nguyên trạng thái nợ, các khoản vay đã được cơ cấu lại vẫn được xếp vào nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1).
Tính đến 30/06/2013, đầu tư góp vốn dài hạn của PVF 2,449 tỷ đồng bao gồm 253 tỷ đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), 530 tỷ Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Dầu khí, 398 tỷ vào CTCP PVI, 414 tỷ vào Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, 409 tỷ vào CTCP Vận tải Dầu khí.
Đan Thanh
infonet
|