Thứ Năm, 08/08/2013 08:29

Nhà thi đấu, SVĐ hoành tráng thành nơi... giữ xe, chăn bò

Một thực trạng hết sức nghịch lý hiện nay là trong khi ngành thể thao luôn kêu ca chuyện thiếu hụt kinh phí thì những câu chuyện với bao công trình đầu tư lên đến hàng trăm, hafng nghìn tỷ đồng lại trở nên quạnh quẽ, hoang vắng sau vài tháng, thậm chí là vài ngày, đưa vào sử dụng đang là vấn đề nóng hiện nay. Nhiều công trình bỏ hoang đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Điểm mặt những công trình hoành tráng và xuống cấp

Đứng đầu danh sách về độ hoành tráng và hiện đại ở Việt Nam thời điểm hiện tại là sân vận động (SVĐ) Quốc gia Mỹ Đình - một công trình có giá trị hơn 50 triệu USD. Còn nhớ cách đây đúng 10 năm, sân vận động được đánh giá là hoành tráng và hiện đại nhất Đông Nam Á được đưa vào sử dụng để phục vụ SEA Games 22.

Sau những giây phút thăng hoa đó, sân Mỹ Đình lâm vào cảnh đìu hiu khi mỗi năm chỉ tổ chức gần chục sự kiện thể thao. Bây giờ, người dân Hà Nội đi qua khu vực này cứ ngỡ đang đi lạc vào một khu phố ẩm thực hay liên hoan ca nhạc nào đó.

Nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước mỗi năm chỉ tổ chức một giải đấu duy nhất là Giải bơi, lặn và nhảy cầu vô địch quốc gia vào tháng 9, thời gian còn lại đóng cửa bỏ không. Mới đây, Khu liên hợp liên kết với các trường học dạy bơi cho trẻ em vào mùa hè và mở cửa cho người dân vào bơi nhưng chỉ được vài tháng hè, đến mùa đông lại đóng cửa vì không có bể nước nóng.

Báo cáo của Trung tâm Thông tin TDTT (Tổng cục Thể thao Bộ VH-TT&DL) về đầu tư công và chính sách đầu tư công trong lĩnh vực TDTT: Trong những năm gần đây, đầu tư phát triển cho ngành TDTT không ngừng tăng, đơn cử từ 0,7 nghìn tỷ đồng năm 2006 đã được nâng lên 1,2 nghìn tỷ đồng năm 2010 và cao hơn cho các năm sau.

Trong đó, số sân vận động có mái che trên cả nước tăng từ 197 lên 253, nhà thi đấu từ 219 lên 379 nhà,...

Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng các công trình thể thao sau đầu tư chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, thậm chí gây lãng phí (tình trạng nợ đọng vốn, khai thác và sử dụng không liên tục dẫn tới công trình bị xuống cấp...).

Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) là một trong những công trình được xây dựng để phục vụ SEA Games 2003 thi đấu môn Karatedo. Rồi suốt từ đó đến nay, mỗi năm Nhà thi đấu Gia Lâm chỉ tổ chức một giải quốc gia. Hiện tại khu nhà ở vận động viên được Ban quản lý nhà thi đấu cho thuê làm nơi trông giữ trẻ.

Nhà thi đấu Hoàng Mai (Hà Nội) được xây dựng phục vụ môn Cầu mây tại SEA Games 22. Sau thời gian đó, Nhà thi đấu mỗi năm tổ chức một giải quốc gia, còn lại phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của quận và tận dụng làm… bãi trông giữ xe. Rồi Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) được xây dựng để phục vụ SEA Games 22 nhưng rồi cũng giống như công năng các công trình ở trên, người ta chỉ biết đến Cung thể thao này với các chương trình nghệ thuật giải trí.

Nhà thi đấu Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được xây dựng để tổ chức thi đấu môn Cầu mây tại SEA Games 22 với kinh phí xây dựng 50 tỷ đồng. Rồi sau đó, mỗi năm nhà thi đấu tổ chức trung bình vài giải võ và bóng chuyền rồi kiêm luôn nhà hát.

Ở thành phố lớn thì công trình thể thao lớn lãng phí đã đành. Sự lãng phí về tiền bạc, công năng sử dụng giờ lan tràn ở không ít địa phương.

Những SVĐ xây theo kiểu “cho bò ăn cỏ” xuất hiện không hiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng như SVĐ Con Cuông (Nghệ An), SVĐ phường 9, TP.Tuy Hòa… bị bỏ hoang, có hiện tượng xuống cấp và nhiều người nông dân đã có “sáng kiến” biến SVĐ thành nơi chăn thả trâu, bò.

Đến “mốt” xây SVĐ khổng lồ

Một đồng nghiệp chuyên viết về mảng thể thao sau một hồi nhẩm tính rồi cho biết, nếu tính từ năm 2003 cho đến năm 2019 - thời điểm Việt Nam đăng cai ASIAD 18, tổng cộng sẽ có 7 Đại hội thể thao lớn với kinh phí khổng lồ.

Đó là SEA Games 22 (2003), Asian Indoor Games (2009), Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 6 tại Đà Nẵng (2010), Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 7 tại Nam Định (2014), Asian Beach Games (2016), Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 8 (2018, An Giang đang xin đăng cai) và ASIAD 18 (2019).

Trước SEA Games 22, trong 4 lần tổ chức đầu tiên, Hà Nội với cơ sở vật chất tương đối tốt đã liên tục trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao toàn quốc. Đại hội lần thứ 5 năm 2004, lần đầu tiên được chuyển vào TP.HCM - nơi cũng đã kịp hoàn tất một hệ thống cơ sở vật chất khang trang để phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao của người dân cũng như sự phát triển của một trung tâm thể thao lớn nhất, nhì cả nước.

Nhưng phải đến năm 2010, khi Đại hội lần 6 được tổ chức ở Đà Nẵng thì mới có hiện tượng địa phương bỏ tiền xây dựng mới một hệ thống cơ sở vật chất hoành tráng với kinh phí khổng lồ, tâm điểm là một nhà thi đấu hiện đại nhất Đông Nam Á chứa 7.000 chỗ ngồi có kinh phí xây dựng ban đầu là 825 tỷ đồng. Chưa kể Đà Nẵng còn đầu tư nâng cấp Cung thể thao dưới nước, xây dựng Khu đua thuyền hồ Đồng Nghệ, nâng cấp một loạt nhà thi đấu.

Tới năm 2014, vòng chung kết Đại hội thể thao toàn quốc tổ chức ở Nam Định và địa phương này đang bắt tay xây dựng các công trình thể thao mới trên diện tích đất 27ha như nhà thi đấu đa năng 4.000 chỗ, 15.884m2 sàn; Sân quần vợt có mái che 2.000 chỗ, 5.830m2 sàn; bể bơi có mái che 1000 chỗ, 10.329m2 sàn, nhà vận động viên; các công trình phụ trợ và hệ thống giao thông, cây xanh…

Sang năm 2016, Nha Trang, Mũi Né và Đà Nẵng sẽ cùng tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á. Với 19 môn dự kiến, Đại hội có kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, trong đó không có công trình xây mới mà chỉ dựng các rạp thi đấu tạm trên bãi biển. Những địa điểm thi đấu ngoài trời này sẽ được dỡ đi sau khi Đại hội kết thúc.

Hai năm sau, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 8, An Giang vừa có văn bản trình Thủ tướng xin đăng cai Đại hội với kinh phí dự trù 3.425 tỷ, trong đó vốn đầu tư xây dựng mới các công trình phục vụ thi đấu là 3.280 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương.

Những công trình dự kiến được xây mới ở Long An phục vụ Đại hội gồm SVĐ 25.000 chỗ ngồi (950 tỉ đồng), nhà thi đấu 3.000 chỗ (300 tỉ đồng), hồ bơi 1.000 chỗ (200 tỉ đồng), sân đua xe đạp lòng chảo 5.000 chỗ (150 tỉ đồng)... Tại các huyện, thị sẽ xây dựng một khu thi đấu thể thao dưới nước, hai SVĐ sức chứa 15.000 người và chục nhà thi đấu có 1.000-2.000 ghế ngồi với mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng...

Đến năm 2019, ASIAD 18 sẽ là sự kiện thể thao lớn nhất châu Á lần đầu diễn ra ở Việt Nam. Nước chủ nhà đưa ra kinh phí tổ chức lên đến cả trăm triệu đô la và một số công trình xây mới như sân đua xe đạp lòng chảo, sân hockey, đua ngựa, khu đua thuyền, cụm sân tennis...

Với một tốc độ tổ chức Đại hội thể thao như vậy, mỗi lần là một đề án xây dựng mới, câu hỏi đặt ra ngay từ bây giờ rằng liệu những lãng phí về cơ sở vật chất trong việc xây dựng các công trình thể thao hoành tráng kia có lặp lại giống như kịch bản đã xảy ra ở Hà Nội?.

P.V.

pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Cho vay mua nhà chỉ mới tăng nhẹ (08/08/2013)

>   Chủ đầu tư 'cắm' sổ đỏ, cả dãy phố té ngửa (07/08/2013)

>   Bình Dương tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS (07/08/2013)

>   Hà Nội thu hồi gần 40.000 m2 đất 'vàng' (07/08/2013)

>   Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 131 dự án “treo” (07/08/2013)

>   Liều mình bắt đáy, cò đất ôm bom (07/08/2013)

>   Thị trường địa ốc Hà Nội “thèm” được như Tp.HCM (07/08/2013)

>   Giá đất trên thị trường gấp 10 lần bảng giá đất của Chính phủ (07/08/2013)

>   Doanh nghiệp bất động sản đua bán dự án (07/08/2013)

>   Mơ hồ như... định giá đất (06/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật