Thứ Năm, 08/08/2013 09:28

Ngân hàng lặng lẽ… lỗ?

Nói là lặng lẽ, bởi cho đến thời điểm này vẫn chỉ duy nhất một ngân hàng báo lỗ riêng quý 2 vừa qua. Còn số liệu chung cho thấy một quy mô đáng kể…

* Hết thời bạc tỷ chảy vào túi

Tổng vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần vẫn trong trạng thái giảm so với cuối năm 2012 và vẫn thấp hơn tổng vốn điều lệ

Đã 15 tháng đều đặn Ngân hàng Nhà nước cập nhật thống kê các chỉ tiêu cơ bản của các khối tổ chức tín dụng. Hiện tượng lỗ mới chỉ thực sự xuất hiện từ đầu năm nay, kéo dài cho đến nay.

Tại diễn đàn Quốc hội năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói một cách tổng quát rằng: trong hệ thống có thực tế ngân hàng vẫn báo lãi, nhưng khi thanh tra vào xem thì thực ra là lỗ, thậm chí có trường hợp lỗ “ăn” hết cả vốn điều lệ.

Chỉ dừng lại đó, không rõ bao nhiêu ngân hàng lỗ, địa chỉ và mức độ cụ thể như thế nào. Còn về tổng thể, khó khăn này vẫn đeo bám suốt 6 tháng qua, hay tình hình vẫn chưa có nhiều khắc phục.

Bắt đầu cập nhật từ tháng 4/2012, đến tháng 1/2013 bảng thống kê của Ngân hàng Nhà nước mới xuất hiện dấu hiệu: quy mô vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn quy mô vốn điều lệ.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2012, tổng vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần (không tính những ngân hàng nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối) là 183.139 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với tổng vốn điều lệ là 177.624 tỷ đồng. Nhưng chỉ một tháng sau đó, đến 31/1/2013 đã có thay đổi rất lớn: tổng vốn tự có giảm tới 8,93% còn 166.794 tỷ đồng, nhỏ hơn tổng vốn điều lệ với 178.249 tỷ đồng.

Vốn tự có bao gồm vốn điều lệ và các quỹ, lợi nhuận giữ lại. Sự sụt giảm của vốn tự có tại thời điểm trên được giải thích ở một số lý do như: các ngân hàng trả cổ tức, giải ngân các quỹ…, và không loại trừ cả giả thiết có những trường hợp sau khi “làm đẹp” kết quả năm 2012 thì các cân đối tài chính trở lại “hiện nguyên hình” (?). Điểm được chú ý hơn là mức lỗ trong hệ thống được ghi nhận rõ ràng hơn.

Vốn tự có giảm và nhỏ hơn vốn điều lệ phản ánh kết quả lỗ, hay lỗ đã ăn vào vốn của một số ngân hàng thương mại. Như thông tin mà Thống đốc tiết lộ nói trên, có những trường hợp vẫn báo cáo có lãi, nhưng khi thanh tra vào cuộc, yêu cầu trích lập dự phòng chặt chẽ và đầy đủ, lỗ mới thực sự lộ ra.

Từ sau dấu hiệu của tháng 1/2013, qua các tháng sau đó cho đến cập nhật gần nhất là 30/6/2013, tổng vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần vẫn trong trạng thái giảm so với cuối năm 2012 và vẫn thấp hơn tổng vốn điều lệ. Theo dữ liệu thống kê, tình hình hoạt động của khối này còn khó khăn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6/2012, tương quan tổng vốn tự có với tổng vốn điều lệ tương ứng là 183.809 tỷ đồng và 172.108 tỷ đồng; tại thời điểm 30/6/2013, tương quan đã thay đổi hẳn, chỉ còn 176.400 tỷ đồng và 178.847 tỷ đồng.

Trong vốn tự có, ngoài vốn điều lệ thì quy mô các quỹ của những thành viên như Eximbank, Sacombank, Techcombank… là khá lớn, nhưng tổng chung cả khối vẫn thấp hơn tổng vốn điều thì hẳn mức độ lỗ ở những thành viên nào đó là rất đáng kể. Chỉ có điều, ngoài Navibank báo lỗ riêng quý 2/2013, đến nay những thành viên nào lỗ và mức độ cụ thể vẫn là ẩn số với đại chúng.

Để rõ hơn mức độ lỗ, hay vì sao có sự sụt giảm dẫn đến trạng thái tổng vốn tự có thấp hơn tổng vốn điều lệ kéo dài như trên, VnEconomy cũng đã đặt vấn đề tìm hiểu ở lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, song chưa có câu trả lời. Ở một hướng khác, trở ngại là nhiều ngân hàng chưa niêm yết đều “lờ đi” hoặc chậm công bố báo cáo tài chính hàng quý - thực tế phổ biến nhiều năm nay.

Còn ở tình hình chung, kết quả kinh doanh trên cũng dẫn đến các chỉ số an toàn, sinh lời của khối ngân hàng thương mại cổ phần giảm đi. Và với thị trường, nó mang đến một thông điệp xấu.

Vốn tự có được xem là chốt chặn cuối cùng trong chuỗi phòng thủ của mỗi ngân hàng thương mại trước các rủi ro. Thông thường, nó luôn nằm trong xu hướng tăng, do liên tục tích lũy suốt quá trình hoạt động. Nhưng suốt 6 tháng qua nó giảm và thấp hơn cả quy mô vốn điều lệ, ngoài việc phòng thủ cho bản thân thì sức nặng cam kết bảo vệ khách hàng cũng kém đi - dĩ nhiên là gắn riêng với mỗi trường hợp yếu kém và thua lỗ chứ không phải là mẫu số chung.

Trong hoạt động, vốn tự có là một tham chiếu quan trọng điều chỉnh cho nhiều giới hạn khác, đặc biệt là về tín dụng, kinh doanh ngoại tệ và gần đây là cả giới hạn về kinh doanh vàng…

Với thị trường nói chung, quy mô vốn tự có là uy tín và sức mạnh của mỗi ngân hàng để người ngoài nhìn vào. Nó như là bồ thóc trong nhà vậy. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà khó trưng ra thật cụ thể xem nhà nào đã bị thủng, bị cạn, hay chuyện lỗ của ngân hàng cứ lặng lẽ và chung chung như vậy?

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   Hết thời bạc tỷ chảy vào túi (08/08/2013)

>   TPHCM: Doanh nghiệp vừa và nhỏ vay ưu đãi nhiều nhất (08/08/2013)

>   SouthernBank: Giảm dự phòng rủi ro, lãi sau thuế quý 2 tăng 9% (07/08/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua USD (07/08/2013)

>   Giải ngân ngành Tài chính đạt 44,5% kế hoạch (07/08/2013)

>   USD mất giá mạnh về sát 21 ngàn đồng (07/08/2013)

>   VAMC mua 10.000 tỷ nợ xấu trong 2 tháng tới (07/08/2013)

>   Tháo nút thắt vốn cho doanh nghiệp (07/08/2013)

>   Tỷ giá giảm hơn 600 đồng so với đỉnh cao (06/08/2013)

>   CTG công bố Giấy chứng nhận hoạt động Văn phòng đại diện tại Myanmar (06/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật