Một nông dân kể khổ với bộ trưởng
Tiếp chúng tôi sau một ngày làm phụ hồ trở về, ông Huỳnh Văn Sơn (Long An) - người đã viết thư cho bộ trưởng Bộ NN&PTNT để tâm sự về những vất vả của nông dân ĐBSCL - cho biết không ngờ câu chuyện này lại thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Ông Huỳnh Văn Sơn chăm sóc ruộng lúa của mình chiều 1-8
|
Sau những dè dặt ban đầu, ông Sơn đã rất hào hứng khi nói về những trăn trở của mình về đời sống của những người trồng lúa, cũng như phần lớn nông dân tại ĐBSCL hiện nay.
“Tôi viết thư cho Bộ trưởng Cao Đức Phát bởi ông Phát là người đứng đầu ngành nông nghiệp, hiểu rõ và cũng là người có trách nhiệm đối với sự thành bại của hàng triệu nông dân trồng lúa” - ông Sơn nói.
Bắt đầu trồng lúa tại vùng đất nhiễm phèn Thạnh Hóa từ năm 1989 đến nay, ông Sơn cho biết dù có 1ha lúa và chỉ với năm nhân khẩu nhưng gia đình ông chưa bao giờ đủ sống với nghề trồng lúa. “Để nuôi ba đứa con ăn học (con trai đầu lòng học năm thứ 3 đại học, hai con gái đang học lớp 12), ngoài việc trồng lúa, vợ chồng tui phải làm thuê làm mướn quanh năm suốt tháng” - ông Sơn cho biết.
Mặc dù làm ruộng là nghề chính, nhưng do giá lúa mấy năm qua quá thấp, nên thời gian qua ông Sơn tranh thủ đi làm phụ hồ, bởi tiền công phụ hồ mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng. Trong khi đó nghề trồng lúa, nếu không mất mùa hay rớt giá thì ba tháng mới được... 1 triệu đồng. Chưa hết, do cố kiếm thêm thu nhập từ nghề chăn nuôi, gia đình ông Sơn hiện vẫn còn mang nợ do bị đợt dịch heo tai xanh hai năm trước. “Cũng nhờ làm nghề phụ hồ, được đi nhiều nơi, tôi biết được nhiều trường hợp nông dân rất thê thảm, túng quẫn hơn gia đình tôi do chỉ sống thuần nghề trồng lúa” - ông Sơn nói.
Trao đổi về “cảm hứng” để quyết định viết thư cho bộ trưởng, ông Sơn kể trong lần phụ hồ mới đây tại một gia đình hai mẹ con ở cùng địa phương. Khi ngôi nhà nhỏ tạm bợ đang được xây dựng dở dang, chủ nhà phải xin dừng lại vì hết tiền. “Gia chủ cho biết lúa đang thu hoạch có giá quá thấp, chỉ bán được 2.900 đồng/kg, tiền bán lúa không đủ trang trải cho công cán và phân bón, chưa nói đến chuyện trả tiền công cho thợ hồ” - ông Sơn kể. Điều ông Sơn cảm thấy ray rứt là hai mẹ con chủ nhà đã tận dụng đủ thứ vật dụng để che chắn, ở tạm trong mùa mưa bão này. “Về nhà tôi cứ trằn trọc mãi và quyết định viết thư cho bộ trưởng” - ông Sơn cho biết.
Quy hoạch tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, phải đảm bảo yêu cầu tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo. Kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là hai năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc phê duyệt quy hoạch theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu, hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo...
V.V.Thành
|
Tuổi Trẻ trích đăng lá thư ông Sơn gửi cho Bộ trưởng Cao Đức Phát:“Thưa ngài bộ trưởng.
Tôi là người trực tiếp làm ruộng, từ đó mà tôi thấy có mấy vấn đề như sau: Chi phí đầu vào ngày một tăng như công lao động, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đơn cử như phân đạm Phú Mỹ sản xuất được ở trong nước, chi phí vận chuyển đến tay bà con nông dân thấp mà giá lại cao hơn urê của Trung Quốc, trong khi hai loại phân này đều 46% nguyên chất đạm như nhau. Còn thuốc bảo vệ thực vật lại qua quá nhiều trung gian, từ nhà sản xuất xuống nhà phân phối rồi qua đại lý cấp 1, cấp 2... Khi đến tay nông dân sử dụng thì giá đẩy lên rất cao, độ chênh lệch giá rất lớn...
...Hằng năm chúng ta lại phải nhập khẩu hàng tỉ đôla bắp, đậu nành, đậu phộng để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi chúng ta đủ sức trồng những loại cây này. Nông dân VN là những người ham học ham làm, nắm bắt khoa học kỹ thuật rất nhanh nhạy, nếu được các nhà quản lý và các nhà khoa học chuyển giao, tôi nghĩ nông dân làm sẽ đạt hiệu quả rất tốt... Lúa gạo hiên nay đang ế ẩm, cung đã vượt cầu..., chả lẽ ruộng lại bỏ hoang? Còn muốn chuyển đổi cây trồng lại thiếu nhiều thông tin và kỹ thuật.
Nhiều nông dân không muốn ly hương nhưng lại muốn ly nông. Tôi xin ví dụ trường hợp một hộ gia đình gồm 4-5 nhân khẩu và có tài sản là 1ha đất trồng lúa. Vùng Thạnh Hóa chỉ sản xuất được 2 vụ/năm. Năng suất bình quân hai vụ chỉ được 13 tấn/ha. Giá thành sản xuất trung bình 3.400 đồng/kg. Giả sử bán lúa giá 5.000 đồng/kg như mấy năm trước thì lãi được 1.600 đồng/kg. Tiền lãi sẽ được 20,8 triệu đồng/năm. Số tiền này chia năm người thì mỗi người chưa được 350.000 đồng/tháng. Trong khi đó một người đi làm công nhân lao động phổ thông trong xí nghiệp may hay bóc vỏ hạt điều mỗi tháng được 2,5 triệu đồng tiền lương. Tính ra 12 tháng được 30 triệu đồng và còn được chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Xin hỏi như vậy họ có muốn ly nông hay không?
...Theo tôi, ta nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Nếu chuyển đổi cây trồng hài hòa giữa mua và bán thì tôi nghĩ nông dân sẽ mặn mà với thửa ruộng mảnh vườn của mình và cũng sẽ giảm đi nỗi lo âu, buồn tủi khi tới mùa thu hoạch...”.
Sơn Lâm - V.Tr.
tuổi trẻ
|