Khủng hoảng kinh tế Ấn Độ đã lan sang Đông Nam Á
Những ai theo dõi sát tình trạng rối ren gần đây của nền kinh tế Ấn Độ có thể thấy các nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn này là khá quen thuộc: thâm hụt tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đồng nội tệ ngày càng mất giá, lạm phát leo thang và thị trường chứng khoán lao dốc.
* Kinh tế Thái Lan cần được kích thích để tăng trưởng
* Ngân hàng TW Indonesia nỗ lực để ổn định kinh tế
Đây được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua của Ấn Độ và các triệu chứng tương tự cũng đang ảnh hưởng đến Indonesia. Tuần trước, Chính phủ Indonesia thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 nhảy vọt 8.6%. Do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Indonesia như than, dầu cọ,… đang sụt giảm và ảnh hưởng đến cán cân thương mại của nước này.
Cán cân tài khoản vãng lai của Indonesia liên tục rơi vào tình trạng thâm hụt trong 7 quý vừa qua và mới đây vào ngày 16/08, ngân hàng trung ương nước này thông báo thâm hụt tài khoản vãng lai chạm 9.8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tương đương 4.4% GDP.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán của quốc gia Đông Nam Á này đang lo lắng về nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự như Ấn Độ. Cũng giống như đồng rupi của Ấn Độ, đồng rupia của Indonesia cũng đang chứng kiến niềm tin sụt giảm nghiêm trọng và lao xuống 10,500 - mức thấp 4 năm so với đồng USD trong ngày thứ Hai (19/08). Cùng ngày, chỉ số Jakarta Composite chìm nghỉm 5.6% với khối lượng giao dịch cao hơn 30% so với mức bình quân trong tháng qua và đã đánh mất 8% giá trị chỉ trong hai ngày. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, Jakarta Composite Index đã đánh mất hơn 10% và là chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong số 94 chỉ số chứng khoán toàn cầu được Bloomberg theo dõi.
Tại Đông Nam Á, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn. Thái Lan cũng đang đón nhận thêm nhiều thông tin xấu, mới nhất là số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của nước này giảm 0.3% so với quý 1, đánh dấu quý tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp. Tương tự các quốc gia láng giềng khác trong khu vực, Thái Lan cũng bị tác động bởi sự sụt giảm của nhu cầu tại Trung Quốc.
Hiện các nền kinh tế châu Á đang đối mặt với nhiều sức ép trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đang chuẩn bị cho động thái chấm dứt nới chính nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dù thời điểm và mức độ thu hồi thanh khoản của Fed vẫn chưa rõ ràng nhưng các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Indonesia đã “thấm đòn” khi nhà đầu tư bắt đầu rút tiền về Mỹ.
Các nhà kinh tế Stephen Schwartz, Weiwei Liu và George Xu thuộc BBVA Research nhận định trong một báo cáo công bố đầu tuần này: “Trong số các nền kinh tế của khu vực, Indonesia và Ấn Độ chịu tác động nặng nề nhất từ tự đảo chiều của dòng vốn đầu tư do dự báo Fed rút QE, bên cạnh sự yếu kém của nền kinh tế trong nước.
Dù Chính phủ và ngân hàng trung ương Ấn Độ đã công bố nhiều biện pháp để hỗ trợ đồng rupi nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ấn tượng và tiếp tục hạ thả phanh xuống mức thấp kỷ lục gần 62 so với đồng USD.
Theo nhận định từ nhóm phân tích của BBVA, trong thời gian tới, Ấn Độ cần thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu mạnh mẽ hơn, bao gồm tự do hóa hơn nữa giá nhiên liệu, cải cách quy định về việc mua đất, thắt chặt các khoản đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, quản lý hưu trí và lĩnh vực dược phẩm là hết sức quan trọng để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và vực dậy đồng rupi.
Phước Phạm
Infonet
|