IMF cảnh báo bất động sản Dubai có nguy cơ tăng trưởng quá nóng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo thị trường bất động sản Dubai có nguy cơ tăng trưởng quá nóng trở lại đồng thời đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng đổ vỡ nghiêm trọng như trong năm 2008.
“Tốc độ phục hồi của một số phân khúc trên thị trường bất động sản và nhiều công bố kể từ cuối năm 2012 về các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng như du lịch cho thấy Dubai cần phải thận trọng trong việc đưa ra các chính sách mới”, IMF cho biết trong thông báo cuối ngày thứ Ba sau chuyến thăm Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Giá bất động sản Dubai đã phục hồi rất mạnh trong vòng một năm qua. Số liệu của Công ty tư vấn Cluttons cho thấy trong tháng 5/2013, giá biệt thự và căn hộ hạng trung đã tăng hơn 45% so cùng kỳ năm ngoái.
IMF đề xuất Dubai nên tăng các mức phí liên quan đến bất động sản để ngăn ngừa hoạt động đầu cơ đồng thời hoan nghênh các nỗ lực củng cố tài khóa của nước này.
Các nỗ lực trước đây nhằm hạn chế đà tăng giá đã trở thành cuộc chiến gay go giữa một bên là các ngân hàng thương mại vốn đang rất bi quan về hoạt động kinh doanh ngày càng thua lỗ và một bên là Ngân hàng Trung ương. Cuối tuần trước, các quan chức đã yêu cầu cập nhật kế hoạch hạn chế mức trần cho vay thế chấp đối với hoạt động vay vốn dân cư.
Đà phục hồi kinh tế của Dubai vẫn còn khả quan và IMF dự báo tốc độ mở rộng sẽ ở vào khoảng 3.1% trong năm 2013 và 3.6% trong năm 2014. Một số nhân tố khác, chẳng hạn như giá dầu cao và dòng vốn đầu tư xuất phát từ Mùa xuân Ả-rập, đã hỗ trợ đặc biệt tích cực cho thị trường.
Simon Williams, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của HSBC cho rằng vấn đề không phải là việc tạo ra tăng trưởng tại UAE mà là đảm bảo rằng tốc độ mở rộng là bền vững và loại hình tăng trưởng phải lành mạnh. Đây là việc khó khăn hơn và sẽ là phép thử thực sự về các bài học mà các nhà làm chính sách đã rút ra được từ vụ sụp đổ năm 2008.
Nằm trong số các dự án khủng tại Dubai là Mohammed Bin Rashid City với quy mô hàng tỷ USD sẽ được xây dựng trong vòng gần 10 năm.
Nhiều dự án như vậy đôi khi được các thực thể liên quan đến Chính phủ (GRE) thực hiện. Và bất chấp các điều kiện thuận lợi bên ngoài, đây là ngọn nguồn dẫn đến sự lo ngại.
IMF cảnh báo: “Các GRE và ngân hàng của Dubai tiếp cận ngày càng nhiều tới nguồn cấp vốn từ bên ngoài giữa bối cảnh thanh khoản trên toàn cầu rất dồi dào và cuộc đổ xô đi tìm kiếm lợi suất. Cần ngăn chặn các khoản vay mượn trong và ngoài nước với quy mô lớn nhằm cấp vốn cho các dự án du lịch và bất động sản đầy tham vọng để tránh xảy ra một chu kỳ bùng nổ-đổ vỡ mới”.
Đầu năm nay, Standard Chartered đã xác định khoản nợ đáo hạn trong giai đoạn 2014 - 2016 của Dubai là 48 tỷ USD.
Thị trường Tài chính Dubai (DFM) và Abu Dhabi Exchange (ADX) hiện là các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất trên thế giới với mức tăng lần lượt trong năm nay là 58% và 47.5%.
Trong tháng 6, Dubai - nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới - cũng được MSCI đưa trở lại vào chỉ số thị trường mới nổi (Emerging Market Index).
Phước Phạm (Theo CNBC)
Infonet
|