Thứ Hai, 12/08/2013 11:00

Hơn 64% doanh nghiệp có lãi trong quý 2/2013

Đã hơn 1 tháng kể từ khi kết thúc quý 2/2013 nhưng vẫn còn 154 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán chưa công bố BCTC quý 2 tính đến ngày 09/08. Một kết quả khả quan là tính đến thời điểm này đã có 418 doanh nghiệp, tương ứng hơn 64%, ghi nhận kết quả có lãi trong quý 2/2013.

40% doanh nghiệp tăng trưởng nhưng…

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp có lãi, chỉ có 186 doanh nghiệp có lợi nhuận quý 2/2013 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Và những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất trên sàn giao dịch lại không nằm vào những doanh nghiệp đầu ngành.

Cụ thể là trường hợp tăng trưởng “khủng khiếp” của CTCP Đầu tư XD & PT đô thị Sông Đà (HNX: SDU). Lãi ròng quý 2/2013 của doanh nghiệp này mặc dù chỉ đạt gần 25 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ năm trước chỉ 174 triệu đồng thì mức tăng là quá sức ấn tượng. Nguyên nhân chính không đến từ doanh thu (đạt gần 6 tỷ đồng), mà đến từ việc giá vốn hàng bán bị âm hơn 30 tỷ đồng. Trong BCTC của SDU, không có thuyết minh về con số này, tuy nhiên nhiều khả năng đây là khoản hàng bán bị trả lại trong kỳ.

Với lãi ròng quý 2/2013 đạt gần 5 tỷ đồng, tăng gấp 8.5 lần, CTCP Vận tải và thuê tàu (HNX: VFR) đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả VFR trong quý 2 cũng không đến từ hoạt động kinh doanh hiệu quả mà từ việc bán thanh lý tàu. Cụ thể, VFR đã phải kinh doanh dưới giá vốn khi doanh thu mang về hơn 80 tỷ đồng thì giá vốn đến hơn 85 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí phát sinh, VFR lỗ thuần hơn 13 tỷ đồng. Song nhờ bán tàu Vietfrachf 02 đã mang về lợi nhuận khác hơn 18 tỷ đồng và giúp lãi ròng công ty tăng vọt so với cùng kỳ.

Đối với trường hợp của Xi Măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS), tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2013 lại nhờ lãi vay phải trả thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, doanh thu trong kỳ chỉ tăng 2% so với cùng kỳ nhưng chi phí lãi vay giảm gần 20 tỷ đồng, ở mức 67 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận BTS tăng vọt. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, BTS vẫn lỗ hơn 32 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong top 10 doanh nghiệp có lãi ròng quý 2/2013 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, hầu hết lãi ròng đều ở mức thấp, con số tăng trưởng tuyệt đối là không đáng kể, bao gồm như FDT, TIE, HNM, TIC, PRC hay L35.

Ngoại trừ một trường hợp vừa tăng trưởng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối, đó là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC). Trong quý 2/2013, doanh thu thuần của PPC tăng 67% lên 1,866 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng gấp 3 khi đạt 379 tỷ đồng đã giúp PPC có được 356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, cao gấp 5.7 lần so với quý 2/2012. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của PPC đạt 787 tỷ đồng đã giúp lãi ròng công ty tăng 6.5 lần so với cùng kỳ, đạt tại 1,302 tỷ đồng.

10 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất trong quý 2/2013:

Doanh nghiệp ngàn tỷ

Mặc dù không đóng góp vào những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn nhưng phải kể đến những doanh nghiệp có lãi ròng quý 2/2013 lớn nhất vào thời điểm này. Đáng chú ý nhất phải kể đến hai doanh nghiệp có lợi nhuận vượt nghìn tỷ đầu tiền là GASVNM.

Bỏ qua việc lãi ròng quý 2/2013 sai lệch gần 800 tỷ đồng so với ước tính, với lãi ròng quý 2 công ty mẹ hơn 2,883 tỷ đồng, GAS xứng đáng là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận cao nhất cho đến thời điểm này. GAS cũng là doanh nghiệp đầu tiên ghi nhận doanh thu quý 2/2013 trên 10,000 tỷ đồng, đạt gần 14,000 tỷ đồng.

VNM vẫn chiếm ngôi á quân về kết quả kinh doanh quý 2/2013 với doanh thu hơn 8,000 tỷ đồng và lãi ròng 1,843 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của VNM, lợi nhuận quý 2 tăng mạnh nhờ doanh thu bán ra tăng và công ty thay đổi cơ cấu sản phẩm tiêu thụ. Đồng thời công ty tiếp tục quản lý và kiểm soát chi phí hiệu quả.

Có thể kể đến sau VNM và GAS là những doanh nghiệp đầu ngành khác như là REE, HPG, FPT, HSG, PVD, PVS… Đáng chú ý là REE với lãi ròng tăng đột biến lên 529 tỷ đồng nhờ vào lợi nhuận mang lại từ các khoản đầu tư vào công ty liên kết. Cụ thể, khoản lợi nhuận liên kết 382 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu với các công ty liên kết gồm PPC, TDNNBC.

10 doanh nghiệp lãi ròng nhiều nhất quý 2/2013:

79 doanh nghiệp lỗ quý 2

Ngược lại, tính đến thời điểm này đã có 79 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm 12% tổng số doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, lỗ nặng nhất hiện đang thuộc về Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (HNX: PVX), với mức lỗ hợp nhất gần 405 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ của PVX ở mức 798 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ và tệ hơn là hoạt động tài chính kỳ này lỗ tới 241.5 tỷ đồng. Theo giải trình của PVX, lỗ lớn do PVX vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, các khoản đầu tư tài chính và khoản bảo lãnh quá hạn để giảm rủi ro về tài chính.

Chấp nhận kinh doanh dưới giá vốn là nguyên nhân chính đẩy CTCP Vận tải & Thuê tàu biển Việt Nam (HOSE: VST) lỗ nặng nhất trong ngành vận tải đường thủy tính đến hiện tại. Cụ thể, doanh thu trong kỳ của VST chỉ đạt gần 360 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) nhưng giá vốn hàng bán lên đến 435 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) làm cho công ty bị lỗ gộp hơn 75 tỷ đồng.

Trong khi ngành vận tải đường thủy có thêm sự đóng góp của VOS khi lỗ gần 100 tỷ đồng thì cổ phiếu ngành than là sự góp mặt của TCS, TC6 và TDN. Đáng nói là một trong những nguyên nhân lỗ của các doanh nghiệp này lại nằm ở chỗ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) gặp khó về tiêu thụ hay giảm giá bán so với kế hoạch.

Ngoài ra, nằm trong top 10 doanh nghiệp lỗ nặng còn có những tên tuổi lớn như KDH, SHN, FDG, TCT.

10 doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý 2/2013:

Gần như chỉ còn mảnh ghép cuối cùng nữa là bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2013 sẽ hoàn chỉnh. Thị trường chỉ còn chờ đợi kết quả kinh doanh của những “ông lớn” như HAG, ITA, VIC, MSN, BVH

Sanh Tín

Infonet 

Các tin tức khác

>   CMI: Phát hành cổ phần để cấn trừ công nợ (12/08/2013)

>   VBC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (12/08/2013)

>   VNR: Quý 2 công ty mẹ đạt 70 tỷ đồng lãi sau thuế (12/08/2013)

>   UNI: Hàng tồn kho tăng mạnh, lãi quý 2 giảm hơn 87% (12/08/2013)

>   TET: Lãi 6 tháng đạt gần 41% kế hoạch năm (12/08/2013)

>   PGT: 6 tháng lỗ gần 5 tỷ, kiểm toán lưu ý về công nợ phải thu (12/08/2013)

>   PHH: Báo cáo tài chính quý 2/2013 (công ty mẹ) (12/08/2013)

>   SRA: Báo cáo tài chính quý 2/2013 (12/08/2013)

>   SJE: Sáp nhập 2 chi nhánh (12/08/2013)

>   TPH: Mua lại 201,598 cp quỹ giá tối đã 8,000 đồng/cp (12/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật