Giải ngân gói 30.000 tỷ: 4 địa phương chiếm 8/10
Chiều 16/8, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về tiến độ giải ngân gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, sau hai tháng triển khai.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, trong tháng đầu tiên triển khai chương trình, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 3,46 tỷ đồng cho 19 khách hàng cá nhân và 34,5 tỷ đồng cho một khách hàng doanh nghiệp.
Tính đến cuối tháng 7/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 159 khách hàng cá nhân với số tiền là 46,56 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 148 khách hàng với dư nợ 34,13 tỷ đồng.
Đến 13/8, tổng cộng các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ là 48,92 tỷ đồng.
Trong đó Vietinbank đã cam kết cho vay 23,8 tỷ đồng, giải ngân đạt 19,5 tỷ đồng ch0 78 khách hàng; Vietcombank cam kết cho vay 22,12 tỷ đồng, giải ngân được 17,11 tỷ đồng cho 71 khách hàng; BIDV cam kết cho vay 10,25 tỷ đồng, giải ngân hơn 5,4 tỷ đồng; Agribank cam kết cho vay 6,9 tỷ đồng, giải ngân được 6,847 tỷ đồng và ngân hàng MHB cam kết cho vay 2,7 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất, chiếm 29,25% tỷ trọng toàn quốc, theo sát phía sau là Hà Nội với 28,58%, Vĩnh Phúc 11,85%, Tp.HCM 10,51%, còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành khác.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký của BIDV được ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng với số tiền 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng tại Huế 34,3 tỷ đồng; Agribank đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng ở Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng.
Các ngân hàng còn lại cho biết sẽ hoàn thành việc thẩm định một số dự án và sẽ báo cáo xin xác nhận nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2013.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ là việc thiếu nguồn cung nhà ở trung bình, nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc xem xét cho chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ để phù hộ với tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp.HCM.
Trước câu hỏi vì sao Đà Nẵng lại là địa phương dẫn đầu về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ, trong khi các điều kiện hỗ trợ cho việc giải ngân tại địa phương này chưa hẳn đã hơn các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM, đại diện Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp trả lời.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, sở dĩ Đà Nẵng là địa phương đạt tỷ trọng giải ngân cao nhất vì các cơ quan, ban ngành tại đây được đánh giá một trong những địa phương dẫn đầu về quan tâm về giải quyết các chương trình, chính sách nhà ở cho người dân, người thu nhập thấp.
Thậm chí, trước khi có Nghị quyết 02 và kế hoạch về gói 30.000 tỷ, Đà Nẵng đã có hàng chục dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân. Bên cạnh đó, địa phương này cũng luôn chủ động, linh hoạt và có nhiều chính sách thoả đáng trong đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án nhà ở.
Từ Nguyên
vneconomy
|