Giá nào cho niềm tin trong cuộc chơi ngoại tệ?!
Những ai lướt sóng USD trong thời gian vừa qua có lẽ đang bị thiệt đơn thiệt kép khi tỷ giá giảm mạnh: vừa bị lỗ khi mua cao bán thấp, lại bị mất khoản lợi nhuận đáng kể từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.
“Khuấy” nước đục, câu được… thiệt hại
Giá bán USD tại các NHTM liên tục giảm trong những ngày qua. Tính đến chiều ngày 1/8, giá bán USD tại các ngân hàng đồng loạt về dưới mức trần, phổ biến ở mức 21.170 – 21.190 đồng/USD. Thậm chí tại VietinBank giá mua vào chỉ ở mức 21.165 đồng/USD, giảm 45 – 50 đồng so với ngày 31/7. Và không ít ngân hàng chỉ mua vào với giá thấp hơn: Tại ACB, Techcombank, BIDV giá mua vào ở mức 21.080 – 21.090 đồng/USD. Còn tại Eximbank, Vietcombank giao dịch mua vào ở mức 21.105 – 21.110 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá mua vào USD cũng về mức 21.300 đồng/USD, bán ra dao động 21.320 – 21.350 đồng/ USD. Đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 28/6.
Trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch USD cũng hạ nhiệt đáng kể, tỷ giá thấp hơn mức trần. Theo cán bộ Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ngày 1/8 chỉ ở mức 21.125 đồng/USD, giảm 75 đồng so với ngày 31/7.
Nếu so với mức giá giao dịch USD hồi đầu tháng 7 thì những người trong “cuộc chơi” ngoại tệ đã thiệt hại không ít: Lúc đó, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên 21.290 đồng, cao hơn 0,21% so với trần tỷ giá. Tỷ giá USD/VND trên thị trường “chợ đen” liên tục căng thẳng, từng bước vượt 21.800 đồng thậm chí chạm mức 22.000 đồng/USD. Tại các NHTM giao dịch phổ biến mua vào ở mức 21.230 đồng/USD bán ra kịch trần ở mức 21.246 đồng/USD… Diễn biến này, thậm chí, gây tâm lý hoài nghi về việc NHNN sẽ lại tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.
Trước diễn biến thị trường, với mục tiêu lớn là bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% vào ngày 28/6, sau hơn 1 năm giữ ổn định.
Với chừng đó thời gian, việc điều chỉnh 1% được các chuyên gia ngân hàng cho rằng như vậy là tương đối lớn, nhưng phù hợp với thực tiễn. Bởi nếu giữ quá lâu cũng rất có thể khiến nhà quản lý phải trả giá. “Vì, dù lạm phát của chúng ta thấp nhưng vẫn cao so với các nước khác, nhất là các nước có quan hệ đầu tư, thương mại lớn. Bên cạnh đó, cung - cầu thị trường có dấu hiệu lệch pha” - lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN nhận định.
Song song với việc điều chỉnh tỷ giá, NHNN đồng thời điều chỉnh trần lãi suất huy động USD, lãi suất VND ngắn hạn và gỡ trần lãi suất từ 6 tháng trở lên. “Sự điều chỉnh lãi suất song song với tỷ giá là cần thiết để thiết lập cân bằng thị trường đồng thời không tạo áp lực kỳ vọng sự tăng giá đồng USD” – TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Như vậy, sau 1 tháng căng thẳng, với những biện pháp khá mạnh tay của NHNN, tỷ giá trên thị trường chính thức và “ngoài luồng” đã giảm khá mạnh.
“Giá” của niềm tin vào chính sách
Sự quyết liệt trong chỉ đạo về tỷ giá của NHNN là một bất ngờ không nhỏ, ngay đối với cả các NHTM, nhất là những ngân hàng được mời tham gia cuộc họp G14 hôm 11/7. Tại sao NHNN có thể mạnh tay? Vì không chỉ đưa ra cam kết “suông”, NHNN đã lập tức bán USD để can thiệp thị trường, chấn chỉnh hoạt động ngoại hối của các TCTD. “Việc ra tay của NHNN rất kịp thời đã tránh được biến động không đáng có trên thị trường. Vì khi thị trường đoản cung hay cầu đều cần sự can thiệp của NHNN. Và thời gian vừa qua, ngân hàng cũng đã mua được hơn 30 triệu USD từ NHNN” - lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cho hay.
Như vậy, đến thời điểm này, có thể nói, những ai lướt sóng USD trong thời gian vừa qua có lẽ đang bị thiệt đơn thiệt kép khi tỷ giá giảm mạnh: vừa bị lỗ khi mua cao bán thấp, lại bị mất khoản lợi nhuận đáng kể từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Lãnh đạo NHTMCP trên cho rằng, việc tỷ giá giảm một phần do người dân và DN đẩy mạnh bán ngoại tệ. Và yếu tố khiến cung tăng lại chính do tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ không còn tăng. Khi thị trường ngoại hối bắt đầu có “sóng” thì người dân, DN găm giữ lại USD, và đồng thời tăng mua vào với kỳ vọng tỷ giá sẽ còn tăng.
Nay ngược lại, khi thấy tỷ giá giảm lại đổ xô đi bán. Điều này vô hình trung giúp cung át cầu và giá USD liên tục giảm trong những ngày qua. Mặt khác, hiện chênh lãi suất (cả huy động và cho vay) giữa đồng USD và VND đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng đã, đang cải thiện. Điều này đồng nghĩa số vốn tạm dư thừa trong các NHTM sẽ giảm nhanh và sẽ không có lãi suất “rẻ” trên thị trường liên ngân hàng. Song, điều quan trọng là NHNN đã một lần nữa tái khẳng định thông điệp cứng rắn về tỷ giá của nhà quản lý.
Trong một lần trao đổi với báo chí hồi đầu năm, khi tỷ giá có biến động và nhiều người đồn đoán khả năng điều chỉnh tỷ giá, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ: nếu ai tin vào chính sách người đó sẽ thắng và ngược lại.
Thống đốc cũng tái khẳng định NHNN sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá. Cơ sở cho cam kết là dự báo cán cân tổng thể năm 2013 tiếp tục thặng dư khoảng 5 tỷ USD. Trong khi đó xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhất là trong thời gian qua có một luồng vốn khá lớn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam qua hoạt động M&A. Nhận thấy thông điệp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định tỷ giá của NHNN, các nhà đầu tư trên đã bơm vốn khá mạnh vào Việt Nam. Theo thông tin thị trường, luồng vốn này có đợt đổ vào hàng trăm triệu USD…
Với các yếu tố “hậu thuẫn” trên có thể khẳng định, cam kết duy trì biến động tỷ giá không quá 2% – 3% trong năm nay của Thống đốc NHNN là hoàn toàn khả thi.
Thanh Huyền
thời báo ngân hàng
|