Thứ Năm, 15/08/2013 13:27

Điểm mặt doanh nghiệp có của để dành vượt vốn

Trải qua quá trình hoạt động lâu dài, khá nhiều doanh nghiệp với chiến lược kinh doanh tốt đã vừa tăng quy mô và vừa tích lũy được nguồn vốn tự tạo lớn. Theo thống kê của Vietstock, trong hơn 700 doanh nghiệp niêm yết, có 23 doanh nghiệp có “của để dành” lớn hơn cả vốn điều lệ.

* Xuất hiện những khoản phải thu đột biến

Của để dành mà người viết đang đề cập chính là khoản lợi nhuận chưa phân phối. Lợi nhuận giữ lại này được tính vào vốn chủ sở hữu, được tạo ra từ chính thu nhập của doanh nghiệp. Khoản mục này phản ánh tất cả thu nhập chưa được phân phối (có thể dương hoặc âm) lũy kế từ lúc thành lập doanh nghiệp cho đến thời điểm ra báo cáo tài chính.

Một doanh nghiệp muốn tích lũy được khoản lợi nhuận giữ lại lớn phải có một kết quả kinh doanh ổn định, tăng trưởng đều đặn qua nhiều năm bởi đây là khoản tích lũy mang tính lâu dài, mặt khác lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ được giữ lại khi đã đảm bảo trích lập các quỹ đầy đủ và chi trả cổ tức cho cổ đông.

Theo thống kê của Vietstock, trong gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thì có 23 doanh nghiệp khá đủng đỉnh với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2012 đã vượt vốn điều lệ thực góp. Nếu tính đến quý 2/2013, trong tổng số 517/694 doanh nghiệp niêm yết đã ra báo cáo tài chính quý thì có 18 doanh nghiệp có khoản lợi nhuận giữ lại vượt vốn điều lệ.


Đơn vị tính: Triệu đồng

Tăng trưởng tốt qua nhiều năm

Quả thật, một điểm chung dễ nhận thấy là cả 23 doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng khá đều đặn qua nhiều năm. Đơn cử như FPT – CTCP FPT, doanh nghiệp đứng đầu danh sách có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 3,181 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ đến 442.8 tỷ đồng. Công ty luôn có doanh thu trên 20,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1,000 tỷ đồng trong 4 năm trở lại đây.

Hay như CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF), công ty có thị giá cổ phiếu cao nhất thị trường chứng khoán đến thời điểm hiện tại. Vốn điều lệ chỉ 265.8 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lại đạt 442 tỷ đồng. Nhìn lại quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2006 đến 2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân năm đạt 29% và tốc độ tăng trưởng lãi ròng bình quân năm đạt 31%, quả là những con số đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Với đặc thù ngành tương đối ổn định về thị phần và hoạt động sản xuất, việc ngành cao su thiên nhiên có đến ba doanh nghiệp là DPR, HRCTRC có lợi nhuận giữ lại vượt vốn điều lệ cũng khá dễ hiểu. Bên cạnh đó, ngành thực phẩm đồ uống thuốc lá cũng góp mặt những cái tên như VHC, VCF, VTF, AGDKTS.

Ngược lại, ngành bất động sản xây dựng vốn gặp nhiều khó khăn trong vài năm trở lại đây khi thị trường bất động sản bị đóng băng, tồn kho lớn, các công trình xây dựng lên không có nguồn tiêu thụ. Tuy vậy, ngành này cũng có khá nhiều doanh nghiệp có của để dành lớn vượt vốn điều lệ như NBB, LHG, FCN, QTC, D11.

Trong đó, duy chỉ có D11 là kết quả kinh doanh bị sa sút trong năm vừa qua. Cụ thể, trong năm 2012, công ty chỉ đạt doanh thu 16.2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1 tỷ đồng, trong khi 3 năm trước đó, mỗi năm kinh doanh đều đem về doanh thu trên 100 tỷ đồng và lãi ròng trên 30 tỷ đồng. Và trong 6 tháng đầu năm nay kết quả còn tệ hơn nữa khi lợi nhuận ròng lũy kế chỉ hơn 500 triệu đồng.

Thống kê LNST giữ lại và VĐL của 23 DNNY có của để dành vượt VĐL

Nợ thấp

Điểm chung thứ hai là chính vì có nguồn lợi nhuận giữ lại khá lớn nên các doanh nghiệp này đa phần đều sử dụng đòn bẩy tài chính thấp.

Những doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS như CTCP Long Hậu (LHG), CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), CTCP Kỹ thuật Nền mong và Công trình ngầm Fecon (FCN)… đều có tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn tầm khoảng 40% đổ lại.

Thậm chí có trường hợp hầu như không vay nợ như SGH, TCT, VCF, NET, QTC.

CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH) không hề có vay nợ, khoản nợ phải trả 2.7 tỷ đồng chủ yếu là do chiếm dụng vốn của người bán hay các chi phí phải trả khác, trong khi tổng tài sản của công ty lên đến 48.5 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2013, SGH chỉ hoạt động trong nửa đầu năm, sau đó sẽ tạm ngưng hoạt động đến hết quý 1/2014 để nâng cấp sửa chữa khách sạn. Ngoài ra, SGH cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi để duy trì niêm yết tại HNX bởi vốn thực góp chỉ 17.6 tỷ đồng, theo quyết định của HĐQT thì nguồn dùng để tăng vốn sẽ đến từ lợi nhuận chưa phân phối.

Một số cái tên khác có tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn thấp dưới 10% như VNF, DPR, KTS, D11, TRC.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2012, trong 23 doanh nghiệp kể trên, CAP, QTC và SGH là ba doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ ở hàng mười mấy tỷ, thậm chí không đủ chuẩn để niêm yết trên sàn HNX theo quy định mới là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, CAP đã tăng vốn chủ sở hữu lên 34 tỷ đồng thông qua việc phát hành 1.7 triệu cổ phần từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Việc doanh nghiệp tích lũy được nguồn lợi nhuận chưa phân phối lớn, thậm chí vượt vốn điều lệ thể hiện hiệu quả hoạt động cao qua nhiều năm. Nhờ lượng tiền dư dả mà doanh nghiệp có được một cấu trúc tài chính khá an toàn với nợ vay thấp. Bên cạnh đó, điều này cũng đem lại sự hài lòng cho nhà đầu tư dài hạn khi với lượng vốn bỏ ra ban đầu, tài sản doanh nghiệp đã tăng cao và chủ yếu thuộc về vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, với nguồn lợi nhuận giữ lại, để tái đầu tư hay đảm bảo nguồn vốn lưu động cho công ty thì hiển nhiên các cổ đông cũng đòi hỏi cần tạo ra được mức sinh lợi cao hơn mức sinh lợi do chính nhà đầu tư có thể tạo ra nếu công ty sử dụng nguồn này để chi trả cổ tức tiền mặt. Điều này cũng đòi hỏi công ty cần có những kế hoạch đầu tư hiệu quả và hợp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý một kế hoạch tài chính thông minh chính là tận dụng hiệu quả nguồn lực vốn có, đồng thời sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Trong các nguồn tài trợ mà doanh nghiệp có thể huy động, nợ vay chính là nguồn có chi phí sử dụng vốn thấp nhất. Việc sử dụng một tỷ lệ nợ vay hợp lý sẽ giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp và không bỏ lỡ các cơ hội đầu tư tốt.

Mỹ Hà

infonet

Các tin tức khác

>   PIV: Thông báo công ty kiểm toán ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2013 (13/08/2013)

>   VNS: BCTC CTY MẸ Q2-2013 (13/08/2013)

>   BBC: Nội bộ rối rắm, kết quả kinh doanh 6 tháng èo uột (13/08/2013)

>   TDC: BCTC VPCT Q2-2013 (13/08/2013)

>   TDC: BCTC TH Q2-2013 (13/08/2013)

>   TDC: 6 tháng thực hiện 6% kế hoạch lợi nhuận năm (13/08/2013)

>   SSC: BCTC HN Q2-2013 (13/08/2013)

>   SBT: BCTC SX BÁN NIÊN 2013 (13/08/2013)

>   PPC: BCTC HN SX BÁN NIÊN 2013 (13/08/2013)

>   PPC: BCTC RIÊNG SX BÁN NIÊN 2013 (13/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật