Dấu ấn ông lớn Hùng Vương trong làng thủy sản
6 tháng đầu năm 2013, tổng lãi ròng các doanh nghiệp thủy sản đạt 470 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ông lớn Hùng Vương (HOSE: HVG) đã chiếm 50% tổng giá trị lợi nhuận ngành với 233.6 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 27%.
Từ cuối năm 2012 đến nay, HVG liên tục mở rộng quy mô thông qua việc nâng dần tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi và thực phẩm như VTF, FMC; biến các công ty này trở thành công ty con qua đó nắm quyền chi phối hoàn toàn. Việc làm này dường như đã phát huy tác dụng khi mà doanh thu thuần của công ty trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến 44% đạt 5,128.7 tỷ đồng.
Ngoài nguồn thu truyền thống từ cá xuất khẩu, HVG còn có một nguồn thu mới là từ bán thức ăn chăn nuôi, doanh thu từ nguồn này đạt 1,847.6 tỷ đồng đứng thứ 2 trong cơ cấu doanh thu (chiếm 36% tổng doanh thu thuần).
Tuy nhiên, kỳ vọng giảm giá vốn hàng bán thông quy trình khép kín có thể luân chuyển đầu ra đầu vào giữa các công ty liên kết AGF, VTF, FBT, FMC và giảm giá thành về đầu tư nuôi trồng nhờ thức ăn tự làm ra chưa có kết quả. Thể hiện qua việc trong 2 quý đầu năm, giá vốn của công ty ở mức 4,566 tỷ đồng, tăng mạnh 52%, vượt hơn mức tăng doanh thu. Chính điều này làm cho lãi gộp giảm nhẹ đạt 562.5 tỷ đồng dù doanh thu tăng mạnh.
Ngoài ra, một khoản mục không thể không nhắc đến góp phần tạo nên lợi nhuận lớn cho HVG là doanh thu tài chính, nguồn thu này tăng đột biến từ 32 tỷ đồng ở cùng kỳ trước lên 115 tỷ đồng trong kỳ này, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 80 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hơn 80 tỷ đồng này chính là khoản bất lợi thương mại mà công ty được hưởng trong khi 6 tháng đầu năm trước không hề có.
Có thể nói, thông qua kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013, HVG đã bỏ xa các đối thủ đáng gờm trong ngành như MPC, VHC, ANV. Song nếu xét đến kế hoạch kinh doanh của chính công ty thì trong thời gian còn lại của năm, HVG cũng còn khá vất vả khi chỉ mới hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Tăng trưởng dương khó mừng!
Bên cạnh HVG, trong 20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán còn có thêm 3 doanh nghiệp (NGC, TS4, AGF) đạt tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm theo thống kê của Vietstock, ngoài ra còn có 1 doanh nghiệp thoát lỗ ấn tượng. Những doanh nghiệp còn lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm và có 3 doanh nghiệp thua lỗ. Riêng AGD, BLF chưa công bố BCTC quý 2/2013 (tính đến 25/08/2013).
Hai doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận đáng quan tâm là Thủy sản Số 4 (HOSE: TS4) và Agifish (HOSE: AGF), lần lượt tăng 16% và 26%. Với AGF, duy trì được mức tăng trưởng tốt dù các doanh nghiệp trong ngành bị gặp khó trong xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Mỹ nhờ vẫn được áp mức thuế thấp 2 cent/kg. Còn TS4 là do công ty đã tự chủ được phần lớn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh làm giảm chi phí đầu vào giảm.
Những doanh nghiệp thủy sản tăng trưởng lợi nhuận (Đvt: Triệu đồng)
|
Chế biến Thủy sản XK Ngô Quyền (HNX: NGC) tuy dẫn đầu về tăng trưởng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng, tăng 75% so với 6 tháng đầu năm 2012 nhưng kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ nguồn lợi nhuận khác 3.5 tỷ đồng. Cụ thể là khoản được bồi thường và hỗ trợ di dời nhà máy 5 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần giảm mạnh 41% chỉ đạt 73 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận thuần âm 2.1 tỷ đồng.
Còn Chế biến hàng XK Long An (HOSE: LAF) cũng lập thành tích chuyển lỗ thành lãi, nửa đầu năm 2013 lãi ròng 13 tỷ đồng dù cùng kỳ lỗ lên đến 125 tỷ đồng. Song lợi nhuận có được là nhờ thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại Bến Lức, Long An trong quý 2 vừa qua. Doanh thu công ty ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng 55% khi chỉ đạt 178 tỷ đồng.
Vua tôm Minh Phú hết thời?
Trong khi cùng kỳ năm trước ngành chỉ có một doanh nghiệp lỗ là LAF thì 6 tháng đầu năm có đến 3 doanh nghiệp công bố lỗ ACL, CLP và VNH với mức lỗ lần lượt 5.4 tỷ đồng, 7.7 tỷ đồng và 8.2 tỷ đồng. Trong 3 doanh nghiệp này thì Thủy sản Việt Nhật (HOSE: VNH) là đáng báo động nhất khi doanh thu thuần chỉ đạt 16.3 tỷ đồng, giảm tới 74% so với nửa đầu năm 2012. Nhìn cả quá trình hoạt động kinh doanh từ trước đến nay, phong độ của VNH rất kém ổn định, doanh thu thất thường, lợi nhuận hiếm hoi lắm mới có quý trên 2 tỷ đồng, còn lại thì chỉ ở mức vài trăm triệu đồng và thậm chí chỉ vài chục triệu đồng. Cho đến 3 quý gần đây nhất thì bắt đầu lỗ và mức lỗ thì ở hàng tỷ đồng, bào mòn tất cả thành quả trước đó. Hiện VNH đang lỗ lũy kế 13.5 tỷ đồng.
Dù không bị lỗ nhưng Ntaco (HOSE: ATA) cũng khá bết bát khi lãi ròng 6 tháng đầu năm chỉ 272 triệu đồng, chưa đến 1/17 cùng kỳ. Tình trạng lãi ròng chỉ vài trăm triệu mỗi quý đã diễn ra từ đầu năm 2012, cho đến nay công ty vẫn chưa tìm ra phương cách để khắc phục. Hai nhân tố chính làm giảm lãi là giá vốn cao và gánh nặng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, việc doanh thu ngày càng sụt giảm cũng là một mối lo, cho đến quý 2/2013, doanh thu công ty chỉ ghi nhận 59 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 92 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.
So sánh doanh thu và lợi nhuận ngành thủy sản (Đvt: Triệu đồng)
|
Những doanh nghiệp giảm lợi nhuận nặng nề, trên 50% gồm có CAN, AAM, CMX, SJ1, MPC. Trong đó, đặc biệt là vua tôm Minh Phú, doanh thu lên đến 3,300 tỷ đồng nhưng lãi ròng vỏn vẹn 24 tỷ đồng, giảm 62% so cùng kỳ năm trước. Soi kỹ hơn báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013, khoản mục chi phí tài chính của công ty giảm tới hơn 100 tỷ đồng đã trở thành nhân tố chủ yếu giúp MPC có lãi trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, doanh thu giảm 12% mà giá vốn và các chi phí khác hầu như không thay đổi.
Với kết quả này, MPC mới thực hiện 8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Dường như khó khăn đang ngày càng đè nặng với MPC khi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm đông lạnh của nhóm Tập đoàn Minh Phú khi xuất khẩu vào Mỹ đến 7.88%. Đây là mức thuế rất cao bởi mức chung cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là 4.52%, chưa kể đến hai đối thủ nước ngoài là Thái Lan, Indonesia không phải chịu thuế.
Mỹ Hà
infonet
Xem thêm:
* Sức khỏe ngân hàng nay ra sao?
* Lợi nhuận ngành khoáng sản chìm theo “ông lớn”
* Nhóm “đại gia” thủy sản Hùng Vương đang "ở đâu"?
* Doanh nghiệp nào đang bi đát nhất sàn?
* Toàn cảnh lợi nhuận quý 2/2013 qua những con số
* Lợi nhuận ngành điện tăng trưởng mạnh
* Điểm mặt doanh nghiệp có của để dành vượt vốn
* Xuất hiện những khoản phải thu đột biến
* Khi hệ số DER “khủng” không phải là… hàng hiếm
* Điểm mặt 10 doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn nhất sàn niêm yết
|