Đã có 126 tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ngày 3/6/2008 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH12 về thí điểm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của các địa phương, ngày 26/7 Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị định số 51/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc thí điểm cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chính sách mới, thông thoáng trong việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng do lần đầu tiên quy định về vấn đề này nên nội dung của Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quy định về đối tượng, loại nhà ở được mua và sở hữu. Do đó, dẫn đến thực tế là sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết thì chỉ mới có một số lượng ít tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua và sở hữu nhà ở.
Tính đến hết Quý II/2013 trên phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa....Trong đó 80% là các cá nhân người nước ngoài, còn 20% là các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế, có ít doanh nghiệp nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam một phần là do chi phí mua nhà ở còn quá cao so với chi phí thuê nhà ở cho người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Có thể nói chính sách cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và nhà nước ta nhằm góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, do chính sách này còn có những hạn chế nhất định nên vẫn chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.
Đây là thời điểm nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái do gặp khó khăn về tài chính nên hoạt động đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài bị giảm dẫn đến nhu cầu về nhà ở của các đối tượng có dự án đầu tư nước ngoài hoặc làm việc trong dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng bị giảm theo.
Giá cả nhà ở tại Việt Nam trong thời gian qua là tương đối cao, nên nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã chọn phương án thuê nhà ở thay vì mua nhà ở tại Việt Nam nhằm giảm chi phí.
Nhân đây, Bộ Xây dựng cũng đề xuất phải sớm nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính liên tục trong việc thực hiện chính sách này khi hết thời hạn thực hiện thí điểm Nghị quyết số 19/2008/QH12 vào cuối năm 2013.
Với việc đề xuất sửa đổi các nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12 theo ý kiến của Bộ Xây dựng sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, từ đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời việc sửa đổi chính sách này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh với các nước khác trong khu vực khi so sánh chính sách về sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam với các nước để người nước ngoài ưu tiên vào đầu tư và sinh sống tại Việt Nam.
Minh Hoàng
Vietnamnet
|