Thứ Sáu, 23/08/2013 18:49

Chứng khoán Tuần 19 - 23/08: Khối ngoại đã ”đại náo” như thế nào?!

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, khối ngoại xả hàng mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong cả tuần khiến thị trường lao dốc. Đà giảm mạnh của chỉ số cũng khiến cho dòng tiền đầu cơ lo lắng và tháo chạy khỏi thị trường.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 19.08 – 23.08.2013

Giao dịch: Tổng cộng tuần qua, VN-Index đã sụt giảm mạnh 4.13% lùi xuống 486.82 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm nhẹ hơn với 1.33% xuống 61.42 điểm, VS 100 giảm 3.47% xuống 73.52 điểm và VN30 giảm 3.05% về 542.08 điểm.

Nhóm VS-Large Cap dẫn đầu đà giảm trong tuần này với 2.09%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 1.93%, VS-Micro Cap giảm 1.61% và VS-Small Cap giảm 0.75%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đã được cải thiện đáng kể so với tuần trước đó. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh tăng mạnh 25.2%; trong khi đó, giao dịch khớp lệnh trên HNX cũng tăng mạnh 26.4%.

Thị trường khởi động khá thuận lợi ở phiên giao dịch đầu tuần khi chỉ số trên cả hai sàn đều tăng điểm tích cực trở lại. Với vai trò dẫn dắt thị trường, các mã cổ phiếu bluechip tiếp tục tăng trưởng khá tốt. Ngoài ra, giao dịch ở các mã cổ phiếu đầu cơ cũng đã sôi động hơn.

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng giảm điểm mạnh trở lại trong những phiên giao dịch tiếp theo. Đà giảm mạnh của thị trường xuất phát chủ yếu từ:

(1) Áp lực chốt lời gia tăng. Áp lực bán ra tập trung chủ yếu ở các mã bluechip có mức sinh lời tốt trong thời gian qua như GAS, VNM, VIC, MSN, VCB, PVD... và tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

(2) Khối khoại bán ròng mạnh. Áp lực bán ròng của khối ngoại bất ngờ tăng mạnh trở lại trong tuần qua với đích nhắm là những cổ phiếu có tính chất dẫn dắt thị trường như VNM, BVH, VCB, MSN, PPC... đã kéo chỉ số thị trường lao dốc mạnh. Đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu này đã khiến cho giới đầu tư thận trọng trở lại và đẩy mạnh thoát hàng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

(3) Lo ngại lạm phát tăng trở lại. CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong tháng 8 được công bố tăng lần lượt là 3.1% và 0.31% so với tháng trước. Điều này đang làm dấy lên lo ngại CPI cả nước sẽ tăng cao trở lại và gây áp lực lên chính sách tiền tệ đang nới lỏng.

Trong phiên cuối tuần, hoạt động bán ròng của khối ngoại ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ lên tâm lý thị trường. Dấu hiệu hoảng loạn đã xuất hiện trở lại, nhưng tín hiệu đáng mừng là dòng tiền bắt đáy vẫn ở mức cao và giúp giảm bớt căng thẳng về cuối phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trong tuần qua. Với đích nhắm là các cổ phiếu dẫn dắt thì giao dịch bán ròng của khối ngoại đã khiến các chỉ số thị trường lao dốc và kéo tâm lý giới đầu tư thận trọng cao độ.

Phiên đầu tuần, mặc dù thị trường tăng điểm khá tích cực nhưng khối ngoại lại đẩy mạnh bán ròng với giá trị hơn 135.5 tỷ đồng. Ở các phiên sau đó, khối ngoại tiếp tục duy trì vị thế bán ròng và là tác nhân chính khiến thị trường giảm điểm. Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bán ròng mạnh với 156 tỷ đồng khiến thị trường lao dốc.

Tổng cộng trong tuần qua trên HOSE, khối ngoại bán ròng với giá trị lên đến gần 453.9 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng tập trung mạnh nhất ở VNM (140.8 tỷ đồng), BVH (60 tỷ đồng), VCB (38.9 tỷ đồng), MSN (32.7 tỷ đồng), PPC (23.7 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch mua ròng tập trung ở KBC chỉ với 8.7 tỷ đồng, tiếp đến là SSI (4.4 tỷ đồng), HAG (2.7 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng 9.5 tỷ đồng, tập trung ở SHB với 5.7 tỷ đồng, tiếp theo là PVS (4 tỷ), PXP (2.6 tỷ), AAA (1.6 tỷ). Giá trị bán ròng tập trung mạnh nhất ở VCG với 8.6 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Tính đến hết ngày thứ Năm (22/08), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng 68,850 đơn vị, tương ứng với giá trị 5.1 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tuần thứ 3 liên tiếp khối tự doanh tiến hành hoạt động bán ròng để chốt lời.

Lực bán ra ở các phiên vẫn chủ yếu tập trung ở các mã cổ phiếu bluechip khi giá bán bình quân các phiên trung bình đạt 26,200 đồng/cp.

Đáng chú ý nhất là hai phiên giao dịch cuối tuần, khối tự doanh đã đẩy mạnh thoát hàng để bảo toàn mức sinh lợi khi thị trường lao dốc mạnh. Giá bán bình quân của cổ phiếu trong hai phiên này đều trên 25,000 đồng/cp.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trong tuần này với 18/24 ngành giảm điểm. SX Thủy sản dẫn đầu với mức giảm 4.71%, tiếp theo là Thiết bị điện – Đ. Tử VT giảm 4.61% và Thực phẩm đồ uống giảm 4.52%.

Nhóm cổ phiếu nóng hầu hết đều giảm điểm trong tuần này và dẫn đầu đà giảm là nhóm Bất động sản với 2.92%, tiếp theo là nhóm Ngân hàng giảm 2.52%, nhóm Chứng khoán giảm 0.04%. Khai khoáng là nhóm duy nhất tăng điểm trong tuần với 0.85%.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HSG giảm 8.14%, VNM giảm 8.11%, BBC giảm 7.92% và DIG giảm 7.78%.

HSG giảm 8.14%. HSG giảm mạnh trong tuần này nhiều khả năng xuất phát từ: (1) xu hướng chốt lời tăng cao ở nhóm cổ phiếu bluechip trong tuần qua, (2) tin đồn về việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN.

Hiện tại, nguyên liệu đầu vào để sản xuất của HSG chủ yếu là thép cán nóng, và nguyên liệu này phải nhập khẩu từ nước ngoài 100%. Ngoài ra, HSG còn có dư nợ vay ngắn và dài hạn bằng USD khá lớn. Đến ngày 30/6/2013, dư nợ vay USD của HSG là 1,958 tỷ đồng (khoảng 93 triệu USD), chiếm 64.6% tổng dư nợ.

VNM giảm 8.11%. VNM giảm mạnh trong tuần khi không có thông tin liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân chính khiến cho VNM giảm điểm mạnh là do hoạt động bán ròng của khối ngoại ở mã cổ phiếu này. Tính tổng cộng trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng đến 140.8 tỷ đồng cổ phiếu VNM.

BBC giảm 7.92%. BBC giảm mạnh trong tuần nhiều khả năng xuất phát từ: (1) xu hướng chốt lời gia tăng mạnh để bảo vệ mức sinh lợi khi thị trường giảm điểm trở lại, (2) những vụ việc lùm xùm giữa các cổ đông lớn vẫn chưa có lối thoát.

DIG giảm 7.78%. DIG giảm mạnh trong tuần này nhiều khả năng liên quan đến thông tin kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 2 không thuận lợi. Theo đó, doanh thu thuần của DIG đạt gần 152 tỷ đồng, giảm 33% so với quý cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức gần 15.4 tỷ đồng, tăng 7% so với quý 02/2012. Tuy nhiên, đáng lưu ý là công ty thoát lỗ trong kỳ nhờ vào khoản lãi thu được từ công ty liên kết với giá trị 18 tỷ đồng. Nếu loại bỏ khoản lãi này, công ty vẫn lỗ 2.6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của DIG gần 23.4 tỷ đồng, giảm 50% và chỉ bằng 27% kế hoạch năm.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là TCM tăng 11.43%. Trên sàn HNX, không có phiếu tăng điểm đáng chú ý.

TCM tăng 11.43%. TCM tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 2/2013 khá lạc quan. Doanh thu TCM trong quý 2 này đạt 645.87 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vốn hàng bán lại giảm đến 15% so cùng kỳ ở mức 545 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận gộp công ty tăng 62%, đạt mức hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 34.63 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu TCM đạt hơn 1,184 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 56.56 tỷ đồng, tăng rất nhiều so với mức lãi 570 triệu trong cùng kỳ năm trước.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Minh Hằng ghi

infonet

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật