Thứ Sáu, 09/08/2013 18:40

Chứng khoán Tuần 05/08 - 09/08: Chỉ có bluechip là ”ngon”!

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, đà tăng vẫn chỉ xoanh quanh nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi các nhóm còn lại vẫn khá ảm đạm và có mức sinh lợi rất nhỏ.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 05.08 – 09.08.2013

Giao dịch: Tuần qua, VN-Index đã tăng 1.2% lên 500.62 điểm, trong khi đó HNX-Index lại giảm 0.8% xuống 61.7 điểm, VS 100 tăng nhẹ 0.15% lên 74.95 điểm và VN30 tăng 1.22% đạt 552.27 điểm.

Nhóm VS-Large Cap dẫn đầu đà tăng với 1.06%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 0.54% và VS-Small Cap tăng 0.11%. VS-Mirco Cap là nhóm duy nhất giảm điểm với mức giảm 1.29%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đã được cải thiện đáng kể so với tuần trước đó. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh tăng 7.7%; trong khi đó giao dịch khớp lệnh trên HNX cũng tăng mạnh 31.2%.

Áp lực chốt lời gia tăng đã kéo thị trường giảm điểm trở lại ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, mức sinh lời dù nhỏ cũng đủ hấp dẫn giới đầu tư.

Giao dịch thị trường đã cân bằng hơn ở các phiên giao dịch tiếp theo khi lực cầu bắt đáy gia tăng trở lại. Đích nhắm của dòng tiền trở lại các mã cổ phiếu bluechip quen thuộc và kéo thị trường tăng điểm trở lại.

Sự dẫn dắt của GAS, VIC, MSN ... đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng của thị trường và giúp chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 500 điểm.

Đáng chú ý, trong tuần này nhóm cổ phiếu nóng đã không còn hoạt động tích cực như tuần giao dịch trước, mà diễn ra khá trầm lắng.

Không thực sự tin tưởng vào sự bứt phá của thị trường, áp lực chốt lời nhanh chóng gia tăng trở lại trong phiên ngày Thứ Năm và kéo chỉ số VN-Index mất mốc 500 điểm. Điểm tích cực đó là thống kê lệnh bên mua vẫn chiếm ưu thế trong phiên giao dịch này.

Đúng như kỳ vọng, thị trường đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Các mã cổ phiếu bluechip tiếp tục trợ lực giúp thị trường tăng điểm trong đó GAS và MSN là những trụ cột chính. Tuy nhìên, cần để ý là đà tăng vẫn chỉ xoanh quanh nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi các nhóm còn lại vẫn khá ảm đạm và có mức sinh lợi rất nhỏ.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục xả hàng trong tuần qua. Lực bán ra vẫn chủ yếu tập trung ở các mã cổ phiếu dẫn dắt. Tuy nhiên, áp lực bán ra đã suy yếu cùng với việc dòng tiền trong nước tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu này đã giúp thị trường chống đỡ ảnh hưởng tiêu cực từ giao dịch của khối ngoại.

Tổng giá trị bán ròng trong tuần qua trên HOSE của khối ngoại là gần 47 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu ở BVH (21 tỷ đồng), DPM (17 tỷ đồng), EIB (14 tỷ đồng), DPR (13.2 tỷ đồng), CTG (8.2 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch mua ròng tập trung chủ yếu ở PVD với 20 tỷ đồng, tiếp đến là VFMVF1 (7.3 tỷ đồng), GAS (5 tỷ đồng), HPG (4.6 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bán ròng mạnh với 48 tỷ đồng, tập trung ở PGS với 7 tỷ đồng, tiếp đến là KLS (6.6 tỷ), PVS (6.2 tỷ), SHB (4.7 tỷ). Giá trị mua ròng tập trung mạnh nhất ở PLC với 1.8 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần này, khối tự doanh CTCK đã trở lại vị thế bán ròng sau khi đẩy mạnh mua vào 4 tuần liên tiếp trước đó. Tính đến hết ngày 08/08 (Thứ Năm), khối tự doanh đã bán ròng với 133,650 đơn vị, tương ứng với 14.9 tỷ đồng.

Giao dịch khối tự doanh trong tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bluechip khi trung bình lệnh mua-bán trong tuần qua lần lượt đạt 30,000-37,000 đồng/cổ phiếu.

Các phiên giao dịch cuối tuần (07-08/08), khối tự doanh trở lại mua ròng nhẹ với gần 225 ngàn đơn vị nhưng vẫn bán ròng về mặt giá trị với 3.8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khối tự doanh đã tập trung xả hàng mạnh cổ phiếu bluechip thị giá cao trong những phiên giao dịch này.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm và giảm điểm khá cân bằng trong tuần này, với 13/24 ngành tăng điểm. Thương mại dẫn đầu với mức tăng 4.16%, tiếp theo là SX Cao su tăng 3.64% và Thiết bị điện-Đ.tử VT tăng 3.34%.

Mặc dù thị trường tăng điểm, nhưng hầu hết nhóm cổ phiếu nóng đều giảm điểm trong tuần qua. Dẫn đầu đà giảm là nhóm Chứng khoán với 0.46%, tiếp theo là nhóm Ngân hàng giảm 0.24%, nhóm Xây dựng giảm 0.02%. Nhóm Khai khoáng là nhóm duy nhất tăng điểm với mức tăng 1.05%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là FCN tăng 13.37%, DPR tăng 10.26%. Trên sàn HNX không có cổ phiếu nào tăng điểm đáng chú ý.

FCN tăng 13.37%. FCN tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ việc đón nhận thông tin tích cực được công bố trong tuần. Theo đó, FCN cho biết vừa tiếp tục trúng thầu cung cấp và thi công cọc cho khu nhà ở chuyên gia (SEVT Yen Binh Dormittory) trong dự án Samsung Thái Nguyên.

Như vậy, hai trong số ba nhà thầu chính của dự án Samsung Thái Nguyên đã chọn FCN là nhà thầu cung cấp và thi công cọc cho các hạng mục của dự án.

DPR tăng 10.26%. DPR tăng mạnh trong tuần có thể xuất phát từ việc dòng tiền đầu cơ đổ vào khi các cổ đông chủ chốt đăng ký mua vào cổ phiếu này. Theo đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hải đăng ký mua 75,000 cp với thời gian giao dịch từ 08-31/08/2013. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Bình, Kế toán trưởng cũng đăng ký mua 25,000 cp từ ngày 12/08 đến 10/09.

Thông tin khác đáng chú ý đó là DPR vừa công bố kết quả kinh doanh 6T/2013. Theo đó, doanh thu của DPR trong 6T/2013 đạt 411 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 175.7 tỷ đồng, chỉ bằng 34% kế hoạch; lãi sau thuế 156.7 tỷ đồng, giảm 15.7% so cùng kỳ.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DHM giảm 9.3%, VNE giảm 8.51%, HAR giảm 8.33%. Trên sàn HNX không có cổ phiếu nào giảm điểm đáng chú ý.

DHM giảm 9.3%. Không đón nhận thông tin mới, nhiều khả năng đà giảm của DHM vẫn bắt nguồn từ (i) kết quả kinh doanh trong quý 2 không mấy khả quan, (2) dòng tiền đầu cơ bỏ rơi nhóm cổ phiếu nóng trong tuần qua.

VNE giảm 8.51%. VNE giảm điểm mạnh trong tuần khi không có thông tin mới liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng VNE giảm điểm xuất phát từ việc dòng tiền đầu cơ đẩy mạnh chốt lời để bảo toàn mức sinh lời có được ở tuần trước đó.

Kết quả kinh doanh 6T/2013 của VNE không mấy khả quan khi tổng doanh thu đạt gần 256 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 1.2 tỷ đồng, giảm 98.2%.

HAR giảm 8.33%. Mặc dù đón nhận kết quả kinh doanh quý 2 không quá bi quan, nhưng HAR vẫn giảm điểm mạnh trong tuần qua. Nhiều khả năng việc giá cổ phiếu HAR lao dốc mạnh hơn một tháng qua đã khiến cho bên nắm giữ cổ phiếu lo lắng và đẩy mạnh bán ra để cắt lỗ.

Điểm đáng chú ý là dòng tiền bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện ở cổ phiếu này trong những phiên giao dịch cuối tuần và giúp HAR tăng điểm trở lại.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Mỹ Hà ghi

infonet

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật