Chán ngấy “thông tin không có thông tin”
Theo cảm nhận của NĐT khi xem báo cáo thường niên (BCTN) của nhiều DN niêm yết, vẫn còn không ít báo cáo có tình trạng “thông tin không có thông tin”.
Những kiểu thông tin gây phản cảm
Khi xem BCTN của nhiều DN niêm yết, NĐT nhận thấy có khá nhiều kiểu thể hiện thông tin dễ gây phản cảm. Điển hình là kiểu thông tin “bánh vẽ” của các DN bất động sản, trong đó có cả các DN lớn. Các DN này thường sử dụng nhiều hình ảnh minh họa cho các dự án ở dạng file thiết kế kỹ thuật, mà NĐT thường gọi là kiểu “dự án trên giấy”...
“Việc sử dụng các hình ảnh minh họa này ngày càng gây phản cảm. Với NĐT, thà không có hình ảnh về dự án còn hơn là công bố hình ảnh kiểu bánh vẽ. Sẽ thuyết phục hơn với NĐT nếu DN đăng tải những hình ảnh về công trường, dự án, kể cả đang được thi công ngổn ngang và bừa bộn. NĐT không cần đến những hình ảnh thiết kế của dự án nuột nà, đẹp đẽ, nhưng trong nhiều trường hợp không được triển khai trên thực tế…”, Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ chia sẻ.
Trước khi nói đến yếu tố "Hay", "Đẹp", nhà đầu tư cần những thông tin "Đúng" trong BCTN
|
Một “hạt sạn” khác tồn tại trong BCTN của không chỉ các DN bất động sản, mà nhiều DN khác là tình trạng sử dụng tràn lan hình ảnh minh họa lấy từ các nguồn nước ngoài. “Tại sao không sử dụng hình ảnh về những nhân sự của DN, để minh chứng cho người thực, việc thực, mà lại trưng ra những gương mặt cô Tây, cậu Tây quá xa lạ, thậm chí chẳng ăn nhập gì với thông tin mà DN đề cập?”, vị Tổng giám đốc đặt câu hỏi.
Theo chuẩn thông tin mà một BCTN cần thỏa mãn theo yêu cầu của Thông tư 52/2012/TT-BTC, các DN phải báo cáo tiến độ triển khai các dự án. Trong đó, DN phải giải thích cụ thể tiến độ triển khai dự án nhanh hay chậm, để NĐT nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, trong BCTN của nhiều DN, NĐT rất khó tìm thấy những thông tin này.
“Trong quá trình cân nhắc để đưa ra quyết định đầu tư, chúng tôi khá quan tâm tới cơ cấu cổ đông của các DN niêm yết. Tuy nhiên, thông tin này không được đề cập, hoặc nếu có thì không cập nhật, nên không đáp ứng được nhu cầu thông tin của NĐT…”, Giám đốc môi giới một CTCK niêm yết nhìn nhận.
NĐT không muốn bị lừa dối
NĐT không muốn bị lừa dối và càng không muốn trở thành nạn nhân của các vụ lừa dối. Họ ngày càng có nhiều kênh thông tin để hiểu về DN, nên tốt hơn hết, DN hãy nằm lòng triết lý “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” khi lập BCTN.
Có thể DN chưa mạnh, chưa có được hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ấn tượng, nhưng đừng vì thế mà trong BCTN, DN lại tìm cách sử dụng ngôn từ để đánh tráo bản chất. Cách thể hiện thông tin theo kiểu “xấu che, tốt khoe” trên BCTN trong nhiều trường hợp không hẳn là thông minh và hiệu quả. Lý do là NĐT hoàn toàn có thể kiểm chứng được các thông tin mà DN đưa ra từ nhiều nguồn thông tin khác và sự thật cuối cùng cũng sẽ lộ ra.
Thực tế đã chứng minh, việc chọn cách thể hiện thông tin theo kiểu “tốt khoe, xấu không che” lại dễ nhận được sự chia sẻ, cảm tình từ phía người tiếp nhận thông tin. Trường hợp BCTN năm 2010 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) là một điển hình. Ngay ở trang bìa của bản báo cáo này, TTF đã không che giấu những thông tin không tích cực về doanh nghiệp, khi in đậm dòng chữ “Hai lần ra tòa và một lần bị cảnh cáo trên toàn thị trường về hợp nhất báo cáo tài chính”. Mạch chân thành và thẳng thắn này tiếp tục được tiếp nối trong BCTN các năm 2011, 2012. BCTN của TTF cũng gây ấn tượng mạnh với NĐT khi Thông điệp của Chủ tịch HĐQT dài từ 2 - 4 trang giấy A4 luôn được viết tay, với những tâm huyết thể hiện qua từng con chữ…
Với một thị trường niềm tin như TTCK, nếu chưa thể gia tăng niềm tin của công chúng đầu tư thì DN hãy tạm thời giữ vững những gì đã tạo dựng được trong lòng họ. Bằng cách này hay cách khác, đừng tạo ra quá nhiều “hạt sạn” trong BCTN, hay tạo ra những mối nghi ngờ cho người đọc khi tiếp nhận ấn phẩm này.
Ngoài sự chân thực, minh bạch về thông tin, NĐT cần thêm những thông tin cập nhật hơn trong BCTN. Trong đó, họ rất quan tâm về thông tin liên quan đến định vị DN trong một ngành, lĩnh vực, DN ở đâu trong “bản đồ” ngành đó, có lợi thế và hạn chế gì. Trên cơ sở đó giúp NĐT không phải quá tốn thời gian tìm kiếm những thông tin bên ngoài BCTN. Bản báo cáo này cần được DN tận dụng hiệu quả hơn, để biến thành cầu nối nhằm chuyển tải thông tin trực diện và hữu ích hơn tới NĐT.
Hữu Đạo
Đầu Tư Chứng khoán
|