BKC: Đại hội kéo dài 2 ngày, cổ đông đòi... tát Chủ tịch
Sáng ngày 29/07, tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2 của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn , mở đầu cuộc họp ông Đinh Trung Hiếu - Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng đưa ý kiến cho rằng ông Mai Văn Bản - Chủ tịch HĐQT có nhiều vi phạm pháp luật.
Cổ đông này phát biểu, báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2012 chưa được HĐQT thông qua mà do ông Mai Văn Bản tự ký.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Thành, Thành viên HĐQT, cũng cho rằng ông Bản đã làm giả mạo hồ sơ bán cổ phiếu quỹ của BKC; tự ý ra nghị quyết HĐQT huy động vốn mỏ vàng Pác Lạng. Sau khi ông Thành làm văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT thì ông Mai Văn Bản đã trốn không tham dự cuộc họp do ông Thành triệu tập. Vì vậy ông Bản không đủ tư cách để làm chủ tọa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013.
Còn cổ đông Phạm Huy Anh mã số 754 có ý kiến: "Công tác tiếp đón cổ đông tại Đại hội lần 1 vào ngày 29/6/2013 rất yếu kém. Ông Chủ tịch nghỉ ốm mà không báo lại cũng không ủy quyền cho các thành viên HĐQT, nếu tôi gặp anh ngày hôm đấy tôi sẽ tát cho anh một cái vào mặt…".
Sau khi ông Mai Văn Bản – Chủ tịch HĐQT lên chủ trì Đại hội, các cổ đông tiếp tục tranh luận quyết liệt không thống nhất được bất cứ nội dung gì. Các nội dung tranh luận xoay quanh việc tố cáo các hành vi vi phạm của ông Mai Văn Bản, ông Nguyễn Văn Thành, ông Đinh Trung Hiếu và sự mâu thuẫn mất đoàn kết trong nội bộ HĐQT.
Vì thế, cổ đông đề nghị các thành viên trong HĐQT nhóm họp từ 13h đến 13h30 để thống nhất các tài liệu Đại hội, sau đó sẽ báo cáo ý kiến thống nhất với cổ đông. Đại hội sẽ được tiếp tục vào 13h30 cùng ngày. Tuy nhiên, Biên bản thảo luận của các thành viên HĐQT cũng không đưa ra được kết luận gì.
Theo đó, Đại hội tiếp tục được tiến hành. Ông Mai Văn Bản – Chủ tọa Đại hội báo cáo về việc các thành viên HĐQT ông Đinh Trung Hiếu, ông Nguyễn Văn Thành không cho ý kiến đóng góp về các tài liệu gửi cho các cổ đông tại Đại hội. Ông khẳng định căn cứ Biên bản cuộc họp HĐQT ngày 13/6/2013 và Biên bản tổng hợp ý kiến HĐQT ngày 9/7/2013 đã đủ điều kiện để tiến hành Đại hội.
Cổ đông tiếp tục thắc mắc về tỷ lệ tham dự Đại hội, trường hợp xung đột giữa các nhóm cổ đông có diễn biến phức tạp thì ai là người có quyền quyết định tiến hành Đại hội để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông? Ngoài ra, nhiều cổ đông khác có nhiều ý kiến đóng góp rất tích cực cho Đại hội nhưng không được ghi chép lại các nội dung kể trên.
Tại Đại hội, ông Bản cho biết, Đại hội có sự tham gia của 35 cổ đông, chiếm 78.72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là đủ điều kiện tiến hành Đại hội theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam lập tại ngày 10/6/2013 đều có đủ điều kiện dự họp. Chủ tọa nhận khuyết điểm về việc chưa có người ghi chép các nội dung của Đại hội.
Cổ đông đòi bãi miễn 3 thành viên HĐQT
Cổ đông Vũ Phi Hổ đề nghị thay 3 thành viên trong Ban kiểm phiếu bằng 3 thành viên mới là đại diện do các cổ đông lựa chọn ngay tại Đại hội. Ngoài ra, nhiều cổ đông cũng đề nghị không nên tiếp tục Đại hội, tuy nhiên sau khi lấy ý kiến thì số lượng cổ đông đồng ý vượt trội nên Đại hội tiếp tục được tiếp hành.
Đại hội được tiếp tục bằng việc bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT do hiện chỉ có 4 thành viên. Theo đó ông Bản đề cử ông Vũ Phi Hổ ngay tại Đại hội. Tuy nhiên, việc đề cử này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng cổ đông cũng thông qua sau khi nắm rõ sơ yếu lý lịch.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tài Thiện cũng đề nghị xem lại tư cách thành viên HĐQT của ông Nguyễn Văn Thành và bà Hoàng Thị Định vì không có chuyên môn về khoáng sản và không quan tâm tới người lao động trong công ty cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Minh Tân bổ sung thêm "khi có lợi ích thì hai ông bà này xuất hiện rất nhanh". Cụ thể, khi CTCP Luyện kim Vĩnh Phát yêu cầu vào làm việc liên quan đến mở đường vào nhà máy luyện chì thì ông Thành và bà Định đi làm ngay vào cả ngày nghỉ thứ 7, không hề báo trước cho Xí nghiệp. Hai ông bà này đưa ra ý kiến làm việc bảo vệ cho lợi ích của Công ty Vĩnh Phát, trong khi đó ông Đinh Trung Hiếu là ủy viên HĐQT của BKC và cá nhân ông sở hữu 25% cổ phần của Vĩnh Phát.
Ngay lập tức ông Thành phản bác lại là ông đã bị kỷ luật nên loại bỏ khỏi danh sách thành viên ban kiểm phiếu. Tuy nhiên chưa có chứng cứ nào liên quan đến việc kỷ luật ông. Theo đó, ông Thành đề nghị cổ đông "rút kinh nghiệm vì việc phát ngôn thiếu cẩn trọng về ông với tư cách thành viên HĐQT, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn là xúc phạm vào danh dự và lợi ích chính đáng của ông".
Các cổ đông tiếp tục tranh luận gay gắt đến 19h10 ngày 29/07 thì một số cổ đông đã tự ý bỏ cuộc họp khi chưa có quyết định hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 của Chủ tọa. Ngay sau đó nhiều cổ đông cũng đề nghị hoãn cuộc họp sang ngày 30/07.
Sang ngày 30/07, Đại hội của BKC được tiếp tục bằng việc cổ đông đề nghị bãi miễn tư cách thành viên HĐQT đối với ông Đinh Trung Hiếu, người nắm giữ 25% cổ phần của Vĩnh Phát là đơn vị ký hợp đồng thuê nhà máy luyện chì của BKC.
Theo đó, Đại hội thống nhất bổ sung phương hướng kế hoạch 2013 gồm tập trung công tác xin cấp mỏ và bãi miễn 3 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Văn Thành, ông Đinh Trung Hiếu, bà Hoàng Thị Định.
Cuối cùng, ông Đinh Văn Hiến, ông Mai Thanh Sơn và ông Phạm Bình Nguyên được bầu bổ sung vào Thành viên HĐQT, còn ông Trần Minh Tân vào vị trí Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Mai Văn Bản tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT còn ông Vũ Phi Hổ đảm nhiệm chức Phó Chủ tich.
Đại hội cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu thuần 48 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 17 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch không thua lỗ trong năm 2013 nhưng 2 quý đầu năm BKC đã lỗ hơn 11 tỷ đồng.
Rắc rối hoạt động kinh doanh: Chủ tịch... nhận lỗi và rút kinh nghiệm
Cổ đông thắc mắc về lưu ý của đơn vị kiểm toán tại BCTC năm 2012 là Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2012 là 9.25 tỷ đồng trên khoản mục này đang phản ánh khoản nhận đặt cọc từ Thỏa thuận góp vốn đầu tư khai thác mỏ vàng Pắc Lạng giữa BKC với các cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được HĐQT thông qua.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, trong năm 2012, BKC chưa thực hiện đầy đủ quy trình xác định giá bán quặng theo Quy chế bán sản phẩm số 28/QCBH-KSBK ngày 17/8/2009 được ký bởi Chủ tịch HĐQT. Đơn vị kiểm toán đã thu thập một số hợp đồng tương tự có và giá bán tương đồng để đánh giá giá bán của Công ty. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không có trách nhiệm đánh giá hiệu quả kinh doanh liên quan đến vấn đề nêu trên.
Về ý kiến ngoại trừ này, ông Mai Văn Bản cho biết, việc huy động vốn góp vào dự án mỏ vàng Pác Lạng dựa trên hợp đồng dân sự tự nguyện của các cổ đông góp vốn trong tương lai. Việc sử dụng tiền góp vốn vào dự án mỏ vàng Pác Lạng là đúng quy định. Tuy nhiên do thiếu sót nên việc huy động vốn mỏ vàng Pác Lạng đã chưa thông qua HĐQT. Và ông nhận khuyết điểm về vấn đề này cũng như tiếp thu và rút kinh nghiệm về quy trình xác định giá bán quặng.
Ông Bản cũng làm rõ thêm một số vấn đề về các dự án đầu tư. Cụ thể, dự án đầu tư tại Lào được bắt đầu từ năm 2005 và đến năm 2007, BKC thành lập Văn phòng đại. Đến năm 2009 đã xin được dự án tại Vang Viêng. Các cổ đông tham gia dự án đã thành lập một Công ty TNHH tại Lào và BKC góp 23% vốn. Đến năm 2011, công ty này ký được hợp đồng thăm dò, trữ lượng được đánh giá khoảng 50,000 tấn. Sau đó dự án này được giao lại cho ông Trần Quang Bằng tiến hành làm đường và giao cho ông Bằng trong năm 2012 phải có được giấy phép khai thác. Nhưng suốt thời gian qua ông Bằng không làm được và cũng không có báo cáo gì. Trong thời gian tới BKC sẽ tiếp tục đề nghị gia hạn giấy phép đầu tư tại Lào và tìm đối tác để Công ty rút một phần vốn.
Đối với dự án mở chì kẽm Nà Duồng, dự kiến sẽ tiến hành xin ý kiến HĐQT để giao khoán khai thác mỏ Nà Duồng. Về việc thiếu minh bạch của Công ty TNHH Hỏa Thiên Ban giám đốc Công ty đã nắm được vấn đề này và sẽ báo cáo HĐQT chấn chỉnh lại và báo cáo đại hội gần nhất.
Còn việc cho thuê nhà máy luyện chì, đối tác thuê Nhà máy luyện chì trong thời gian qua là Công ty Vình Phát đã vi phạm Hợp đồng đã ký. Theo đó, đại hội thống nhất giao cho HĐQT xem xét lại Hợp đồng cho thuê Nhà máy luyện chì ký với Vĩnh Phát. Đồng thời yêu cầu Vĩnh Phát tôn trọng Hợp đồng đã ký, khắc phục những tồn tại và chấm dứt các hành vi vi phạm. Trong trường hợp Vĩnh Phát không khắc phục những tồn tại do vi phạm Hợp đồng thì Công ty sẽ đơn phương chấm dứt Hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Đối với khoản công nợ gần 19 tỷ đồng treo tại mục phải trả khách hàng là khoản tiền BKC còn nợ của Công ty TNHH Khoáng sản luyện kim màu Húc Chúng và Công ty TNHH Mậu dịch Hoa Phong Hà Khẩu. Khoản công nợ này BKC phải trả cho khách hàng.
Về vấn đề này, đại hội thống nhất đề nghị Chủ tịch bằng uy tín của mình tiếp tục đàm phán với khách hàng để tiếp tục kéo dài thời hạn thanh toán khoản nợ. Trong trường hợp Chủ tịch không đàm phán được với khách hàng ĐHĐCĐ thống nhất giao cho HĐQT thực hiện các thủ tục cần thiết để phát hành cổ phần riêng lẻ cho các đối tác trên với tổng giá trị phát hành tối đa 19 tỷ đồng theo mệnh giá. Giá phá hành tối thiểu 10,000 đồng/cp để khấu trừ công nợ.
Đại hội chính thức kết thúc lúc 18h ngày 30/07/2013.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần BKC của HĐQT tính đến 30/06/2013:
Kết quả kinh doanh qua các năm của BKC (triệu đồng):
(Nguồn: VietstockFinance)
Tình hình thực hiện các dự án của BKC:
- Nhà máy nước khoáng AVA: do hoạt đông không hiệu quả nên hiện nay đã cho thuê lại.
- Mỏ Lũng Cuối: sản lượng thấp và hàm lượng thấp trong khi các chi phí khai thác cao nên hoạt động chưa hiệu quả. Hiện nay giấy phép khai thác đã hết hàn, đang hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ.
- Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học: hiện đã đi vào hoạt động trong tháng 1/2013.
- Các dự án mỏ:
+ Mỏ Nà Duồng đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép khai thác.
+ Mỏ Nà Bốp-Pù Sáp: đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác.
+ Dự án khai thác và chế biến chì kẽm tại Kai So, tỉnh Viêng Chăn – nước CHDCND Lào đã được Bộ kế hoạch và đầu tư Lào cấp giấy phép.
(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2012 của BKC)
|
Thanh Nụ
infonet
|