Thứ Ba, 27/08/2013 15:05

Ẩn số TVSC

Còn nhớ, năm 2011, thương vụ đình đám của đại gia Nhật Unicharm mua công ty Diana của Việt Nam đã ghi một dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Sự thành công của thương vụ này có đóng góp không nhỏ của một nhà tư vấn đứng sau, Công ty Chứng khoán Thiên Việt - TVS (TVSC).

Từ đó đến nay, cùng với xu hướng đi xuống của nền kinh tế, thị trường chứng khoán đã lấy đi rất nhiều tài sản của các nhà đầu tư, trong đó không thể không nhắc đến các công ty chứng khoán. Trong khi rất nhiều công ty chứng khoán phải hứng chịu những khoản lỗ từ các khoản đầu tư, mảng môi giới và ngân hàng đầu tư (tư vấn) cũng bị cạnh tranh khốc liệt khi phần lớn miếng bánh chỉ nằm trong tay 10% công ty chứng khoán thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng, có thể kể đến là câu chuyện của TVS.

Anh là ai?

TVS được thành lập bởi đội ngũ doanh nhân thành công nhưng kín tiếng năm 2007, với mục tiêu trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Từ những ngày đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, các sáng lập viên của công ty này đã xây dựng và quản lý nhiều mảng kinh doanh ở Việt Nam để rồi sau này, các công ty của họ đều trở thành những tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng, truyền thông giải trí, công nghệ và hàng tiêu dùng.

Thời điểm TVS ra đời cũng là giai đoạn hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index chạm mốc cao nhất, ở mức 1.170 điểm. Khi ấy, các công ty chứng khoán mọc lên như nấm với con số hơn 100 công ty. Nhà nhà bàn chứng khoán, người người bàn chứng khoán. Trong một thị trường sôi động như vậy, hầu như mọi công ty chứng khoán đều háo hức cạnh tranh nhau với nhau bằng nghiệp vụ môi giới, tự doanh, tư vấn với tham vọng tối đa hóa lợi nhuận nhờ nắm bắt các cơ hội xuất hiện liên tục trên thị trường.

Tuy nhiên, TVS không bị cuốn vào vòng xoáy đấy. Công ty này vẫn trung thành với định hướng ngay từ khi thành lập là trở thành ngân hàng đầu tư với thế mạnh am hiểu văn hóa kinh doanh bản địa kết hợp kinh nghiệm quốc tế của Hội đồng Quản trị và Ban điều hành.

Trong giai đoạn 2008-2012, khi bão khủng hoảng quét qua toàn cầu, nhiều công ty chứng khoán lớn của Việt Nam lỗ nặng và buộc phải tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh. Các công ty chứng khoán tầm trung và nhỏ hơn bị buộc phải giải thể, chuyển nhượng vốn, hoặc rút lui khỏi các nghiệp vụ môi giới, tự doanh. Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến sự vươn lên trong giông bão của một số ít các công ty chứng khoán, trong đó có TVS. Mặc dù là công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng thứ 19 trong ngành (430 tỉ đồng), TVS trong hai năm 2011, 2012 lại nằm trong “top 5” công ty chứng khoán có tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất tại Việt Nam và là một trong số rất ít các công ty chứng khoán duy trì được được lợi nhuận hàng năm dương kể từ khi thành lập đến giờ.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lợi nhuận sau thuế của 90 công ty chứng khoán chỉ đạt 952 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đa số các công ty chứng khoán tiếp tục thua lỗ hoặc có mức lợi nhuận khiêm tốn chưa tương xứng với quy mô vốn là sự vươn lên mạnh mẻ của một số công ty chứng khoán không nằm trong top 10 môi giới như Chứng khoán Techcombank (TCBS) đứng thứ 5 với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 76,8 tỉ đồng, TVS đứng thứ 8 với lợi nhuận sau thuế 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về ROE 4 quý gần nhất thì TCBS và TVS lại vươn lên “top 2”, vượt qua cả FPTSHSC vốn là hai công ty thường chiếm giữ vị trí này trong 3 năm qua.

TVS đi trong bão

Quay trở lại năm 2010, chính sách nởi lỏng tiền tệ và tài khóa từ năm 2009 trong bối cảnh cơ cấu nền kinh tế chưa đạt hiệu quả đã dẫn tới hàng loạt vấn đề như nguy cơ phá sản của các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, lạm phát và lãi suất tăng cao. Đỉnh điểm là sự kiện vỡ nợ của Vinashin khiến xếp hạng tín dụng quốc gia và các ngân hàng lớn của Việt Nam bị hạ bậc, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Hơn 20 công ty chứng khoán đã báo lỗ trong năm 2010, trong đó nhiều tổ chức có lợi nhuận âm rất nặng. Đứng đầu danh sách là Chứng khoán Kim Long (KLS) với -172,8 tỉ đồng, theo sau là Bảo Việt (BVS) -92,7 tỉ đồng, KIS Việt Nam -57,5 tỉ đồng, Hải Phòng (HPC) -48,7 tỉ đồng…

Cũng trong năm này, tuy bị ảnh hưởng đáng kể từ tình hình chung, TVS vẫn đạt lợi nhuận sau thuế cả năm khoảng 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ban lãnh đạo TVS đã nhìn thấy những nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn trong những năm tiếp theo. Hội đồng Quản trị TVS đã đưa ra những quyết định thay đổi mang tính chiến lược nhằm đối phó với khó khăn. TVS đã tập trung xây dựng lại đội ngũ và tái cơ cấu danh mục tự doanh, mặt khác, tiếp tục phát triển hoạt động tư vấn.

Đến năm 2011, lạm phát và lãi suất tiếp tục tăng cao gây áp lực lên tỉ giá và khiến nền kinh tế càng trở nên trì trệ. Nợ xấu bất động sản bắt đầu tăng mạnh bất chấp các nỗ lực khắc phục của ngân hàng. Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số VN-Index và HNX-Index ghi nhận những mức sụt giảm sâu nhất từ sau đợt khủng hoảng 2008, với mức giảm lần lượt -27% và -49% so với cuối năm 2010 và thanh khoản thị trường giảm 62% so với năm trước đó. Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán có chiến lược dựa trên hoạt động môi giới và tự doanh là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ tính riêng nhóm 20 công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất đã có đến 8 công ty lỗ nặng, trong đó bao gồm cả những tên tuổi lớn như SBS (-1,652 tỉ), MBS (-592 tỉ), SHS (-381 tỉ), VND (-203 tỉ). Những khoản thua lỗ lớn này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc phá sản, thu hẹp quy mô của hàng loạt các công ty chứng khoán trong các năm tiếp theo.

Nhờ có những chuẩn bị và điều chỉnh từ cuối năm 2010, TVS đã giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng của thị trường lên các khoản đầu tư tự doanh. Ngược lại, đây cũng là năm mở ra cơ hội rất lớn cho mảng ngân hàng đầu tư, một hoạt động được TVS phát triển từ rất sớm.

Hoạt động ngân hàng đầu tư đã phát huy lợi thế khi TVS tư vấn thành công khá nhiều thương vụ M&A, đạt tổng giá trị lên đến 225 triệu USD trong năm 2011. Đặc biệt, thương vụ Diana - Unicharm do TVS tư vấn độc quyền cho bên bán được trao giải thưởng “Thương vụ tốt nhất năm 2011 tại Việt Nam” của The Asset Triple A Awards. Kết thúc năm 2011, lợi nhuận sau thuế của TVS đạt 40 tỉ đồng, tăng 76% so với năm trước, nâng ROE lên mức 9,1%, đứng trong “top 5” công ty chứng khoán có ROE cao nhất năm 2011.

Năm 2012, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những bước thụt lùi khi GDP tăng trưởng chỉ 5,03% (thấp nhất từ năm 2000), tăng trưởng tín dụng ở mức 8,91% cả năm (thấp nhất kể từ năm 1992) do hệ quả từ việc thắt chặt tiền tệ khiến dòng vốn ứ đọng trong ngân hàng, bên cạnh đó là nợ xấu bất động sản tăng. Nhìn chung, nền kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn tái cấu trúc sau khi tăng trưởng quá nóng khiến rất nhiều doanh nghiệp tốt bị lâm vào tình trạng khát vốn. Đây lại là cơ hội tốt cho các hoạt động tư vấn huy động vốn, M&A - vốn là lợi thế của TVS. Tổng giá trị các thương vụ tư vấn của TVS năm 2012 đạt 88 triệu USD, bao gồm tư vấn chuyển nhượng vốn tại Công ty Cổ phần Cấp nước Kênh Đông (42 triệu USD), tư vấn mua lại đa số cổ phần của một ngân hàng thương mại Việt Nam (30 triệu USD), tư vấn chuyển nhượng vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (16 triệu USD).

Bên cạnh đó, sau giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt trong năm trước, hoạt động tự doanh bắt đầu phát huy hiệu quả, không chỉ bù đắp toàn bộ các khoản lỗ trong năm 2011 mà còn bước đầu ghi nhận các khoản lợi nhuận hết sức khả quan. Cả năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 43 tỉ VND, ROE đạt 9,8%, xếp thứ 3 về ROE trong “top 20” công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất.

Sức mạnh tự doanh và ngân hàng đầu tư

Hiện tại, TVS được biết đến như một mô hình ngân hàng đầu tư độc lập với đầy đủ các chức năng từ ngân hàng đầu tư, đầu tư vốn (tự doanh) cho đến môi giới và phân tích.

Nhưng công ty này cho biết, họ rất thận trọng trong việc phát triển lĩnh vực môi giới, đặc biệt là phân bổ vốn cho dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) có rủi ro cao. Đại diện TVS chia sẻ, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ so với khu vực, tính thanh khoản chưa cao. Giá trị giao dịch 3 năm qua trung bình dao động từ 800-2.200 tỉ đồng/phiên, trong khi có tới hơn 104 công ty chứng khoán cạnh tranh khốc liệt về thị phần, khiến cho miếng bánh trở nên quá nhỏ bé và tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 công ty chứng khoán phải ngừng hoạt động.

Thay vào đó, TVS tiếp tục theo đuổi mảng ngân hàng đầu tư và đầu tư vốn với thế mạnh từ Hội đồng Quản trị bao gồm các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm 15-20 năm trên thị trường tài chính và đội ngũ nhân sự cao cấp đã ghi dấu ấn TVS trên thị trường M&A trong 3 năm qua.

“Với 11 thương vụ huy động vốn và M&A có tổng giá trị 460 triệu USD mà TVS đã tư vấn thành công cho đến nay, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì định hướng hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, TVS tiếp tục thực thi chính sách thu hút nhân tài như một đòi hỏi gắt gao để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của mình” bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc TVS, chia sẻ.

Bà Thảo cho biết thêm, ở mảng đầu tư TVS đang đầu tư vào 3 loại tài sản khác nhau gồm đầu tư vốn cổ phần doanh nghiệp tư nhân, vốn cổ phần công ty niêm yết và tài sản nợ. Trong đó, chiến lược của họ tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân và công ty niêm yết, với bước đệm là tài sản nợ. Nhờ tập trung vào các doanh nghiệp có giá trị cốt lõi, tăng trưởng bền vững, nên danh mục đầu tư niêm yết của TVS đã đạt được kết quả ổn định và khả quan hơn so với thị trường chung trong gần 2 năm qua. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2013 của TVS đạt hơn 50 tỉ đồng, với ROE 4 quý gần nhất xấp xỉ 12%. Đáng chú ý là phần lớn lợi nhuận này đến từ mảng tự doanh, mảng kinh doanh mà rất nhiều công ty chứng khoán đã từ bỏ hoặc thu hẹp trong 2 năm qua. Tính riêng trong năm 2013, danh mục tự doanh của TVS đã tăng trên 45%, cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng của VN-Index. Danh mục đầu tư của TVS hiện nay có thanh khoản khá cao và tập trung vào các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

Ngoài ra, ngay từ 2 năm trước, TVS đã đưa ra thử nghiệm dịch vụ tư vấn danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết đối với các khách hàng thân thiết. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, tính từ đầu năm 2012, giá trị thị trường của danh mục khách hàng (NAV) đã tăng trên 100%. Đối với các khách hàng tham gia từ đầu năm 2013, tỉ suất sinh lợi sau 7 tháng cũng đạt mức 50%, cao hơn gấp 2,5 lần so với mức tăng 19% của VN-Index. Không chỉ vậy, rủi ro danh mục (được đo bằng mức độ biến thiên của NAV) trong suốt quá trình đầu tư cũng luôn thấp hơn mức rủi ro của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index.

Tàng Long

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   VTL: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (công ty mẹ) (27/08/2013)

>   PIV: Báo cáo tài chính bán niên năm 2013 (công ty mẹ) (27/08/2013)

>   ACB: Các khoản cho vay, phải thu liên quan 6 công ty của Bầu Kiên hơn 7,200 tỷ đồng (27/08/2013)

>   TRC: BCTC HN SX 6 tháng 2013 (27/08/2013)

>   PLC: Trích lập thiếu dự phòng phải thu khó đòi hơn 24 tỷ đồng (27/08/2013)

>   Phó Tổng VNS: Đến tháng 9 sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2013 (27/08/2013)

>   PAC: Giải trình chậm công bố thông tin ký hợp đồng kiểm toán BCTC 2013 (27/08/2013)

>   HT1: Phát hành 120 triệu cp để cấn trừ nợ cho Vicem (27/08/2013)

>   VNI: BCTC HN SX 6T-2013 (27/08/2013)

>   VNI: BCTC SX 6T-2013-CT Mẹ (27/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật