Vì sao TPG đầu tư vào Masan Agriculture?
Với năng lực triển khai của mình, sự hiện diện bước đầu trong ngành nông nghiệp, và tới nay là bắt tay với TPG để cùng thực hiện, có vẻ như giấc mơ nông nghiệp của Masan đã đủ điều kiện chín muồi để trở thành hiện thực.
* TPG Growth đầu tư 50 triệu USD vào Masan
Quỹ đầu tư TPG của Mỹ vừa mua lại 49% sở hữu của Masan Agriculture (hiện vẫn được gọi là Công ty TNHH Hoa Mười Giờ) với giá 50 triệu USD. Masan Agriculture là công ty đang sở hữu 40% cổ phần của Proconco (Cám Con Cò). Với giao dịch này, TPG đã hiện thực hóa cam kết của họ trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Chiến lược đầu tư của TPG ở Việt Nam
Được thành lập từ năm 1992 bởi David Bonderman và James Coulter, TPG (Texas Pacific Group) hiện là một trong những tập đoàn đầu tư tư nhân với lượng tài sản quản lý thuộc vào hàng lớn nhất thế giới với trị giá 56.7 tỷ USD. Danh mục đầu tư của TPG trải dài trên khắp các châu lục với khoảng 270 công ty lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều thương hiệu nặng ký như Burger King, Lenovo, và MGM.
TPG bắt đầu vào Việt nam từ cuối năm 2006 qua thương vụ đầu tư vào FPT và sau đó năm 2009 qua thương vụ đầu tư vào Masan. Trong cả hai thương vụ này, TPG đều thu được lợi nhuận lớn, gấp 4-5 lần số tiền bỏ ra ban đầu.
Thành công đáng kinh ngạc này của TPG ở Việt Nam đã dẫn tới việc hồi đầu tháng 3 năm nay, TPG lần đầu tiên chọn tổ chức Hội nghị các nhà đầu tư của mình ở bên ngoài nước Mỹ. Địa điểm được TPG chọn là Việt Nam.
Tỷ phú David Bonderman khi trả lời báo chí đã nói rằng “Việt Nam là quốc gia với gần 100 triệu dân, tăng trưởng tương đối nhanh và chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân”. Ông cũng cho rằng Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đang “ngày càng hấp dẫn để đầu tư”.
TPG đã chứng minh không nói suông bằng thương vụ đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture. Với thương vụ này, TPG đã chọn đi vào ngành nông nghiệp của Việt Nam thông qua việc liên kết đầu tư với tập đoàn Masan.
Mô hình liên kết của Masan
TPG đang thành công với khoản đầu tư 35 triệu USD trước đây ở Masan. Nhưng điều đó không giúp giải thích tại sao TPG lại tiếp tục chọn Masan trong chiến lược đầu tư mới. Còn nhớ TPG đã đầu tư vào FPT và đã bán đi rất nhanh rồi không quay lại.
Có lẽ phần trả lời của tỷ phú David Bonderman trước báo chí giúp lý giải một phần. Theo ông, Masan là khoản đầu tư lớn nhất của TPG ở Việt Nam. Ông cho rằng “chúng tôi rất thích cách quản lý ở đây. Họ (Masan) đang làm việc rất tốt. Đó cũng là thứ chúng tôi đang tìm kiếm ở châu Á cũng như ở bất cứ đâu”.
Về phía Masan, chiến lược của họ luôn là kết hợp với các đối tác hàng đầu của thế giới trong mỗi lĩnh vực mà họ đầu tư.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan đã kết hợp với đối tác chiến lược KKR. Mới hồi đầu năm nay, KKR rót thêm vào cho Masan Consumer 200 triệu USD. Đây là lần thứ hai KKR bỏ tiền vào Masan, sau đợt đầu tiên vào tháng 4/2011 với số tiền lên tới 159 triệu USD. Hiện KKR có hai nhân sự trong Hội đồng quản trị của công ty này. KKR không phải vô cớ chọn Masan Consumer. Trong 5 năm (2008-2012), Masan Consumer đã tăng doanh thu thường niên gấp 5 lần và lợi nhuận sau thế gấp 7 lần. Nhờ đó, giá trị thị trường của Masan Consumer đã tăng từ mức 300 triệu USD (2008) lên khoảng 2.3 tỷ USD hiện nay.
Trong lĩnh vực khai mỏ, Masan đã chọn liên kết với Mount Kellett. Với sự tiếp sức của Mount Kellett, sau khi tiếp nhận dự án Núi Pháo từ Dragon Capital cuối năm 2010, Masan đã huy động được tới hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư và đối tác tài chính trong và ngoài nước cho dự án, thực hiện xong về cơ bản việc đền bù giải tỏa và triển khai xây lắp trong một thời gian kỷ lục, và đưa dự án vào khai thác hồi đầu quý 2 năm nay. Masan cũng đã ký được các hợp đồng bao tiêu các sản phẩm chủ lực của mỏ Núi Pháo với các đối tác nước ngoài.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Masan đã bắt tay TPG để cùng phát triển Masan Agriculture. Masan đã nêu rõ kế hoạch xây dựng một chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch – phân phối, bảo quản sạch” và đưa vào vận hành trong năm 2013.
Cho đến nay, Masan Agriculture mới chỉ đầu tư vào Proconco. Proconco là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai ở Việt Nam, nằm trong top 50 các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi toàn cầu theo Tạp Chí Thức Ăn Chăn Nuôi năm 2010. Proconco cũng có mạng lưới phân phối có mặt ở khắp 63 tỉnh thành với 590 điểm bán hàng. Doanh thu của Proconco tăng trưởng đều đặn với tốc độ trung bình khoảng 25% mỗi năm trong vòng 5 năm qua
Sự tham gia của Masan Agriculture trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi rất có ý nghĩa chiến lược vì thế mạnh sẵn có của Masan trong ngành thực phẩm. Với một thị trường khoảng 4.2 tỷ USD, ngành thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi kết hợp lại là một sân chơi vốn đã lớn lại có tốc độ mở rộng nhanh. Vì thế, đặt một chân vào ngành thức ăn chăn nuôi là điểm khởi đầu hợp lý về mặt chiến lược để Masan bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch – phân phối, bảo quản sạch”.
Với năng lực triển khai của mình, sự hiện diện bước đầu trong ngành nông nghiệp, và tới nay là bắt tay với TPG để cùng thực hiện, có vẻ như giấc mơ nông nghiệp của Masan đã đủ điều kiện chín muồi để trở thành hiện thực.
Minh An
infonet
|