Thứ Tư, 17/07/2013 09:00

Ván cờ mới của Masan

Một số nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính cho biết, Masan đang sắp xếp lại các quân cờ chiến lược của họ, để bày ra một ván cờ mới có khả năng làm thay đổi cục diện thị trường tiêu dùng của Việt Nam.

Quân cờ chủ lực Masan Consumer Holdings

Muốn chơi ván cờ lớn như vậy Masan (MSN) cần hội đủ hai yếu tố. Thứ nhất họ phải có những quân cờ chiến lược, ở đây được hiểu là các công ty thành viên có nền tảng tài chính vững chắc, quy mô đủ lớn, quản trị minh bạch và danh mục đầu tư đa dạng nhưng không đi xa khỏi mảng kinh doanh cốt lõi. Thứ hai, người chơi (ban lãnh đạo Masan) cần đi những nước cờ đúng, đủ và quyết đoán để có thể giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chơi.

Với một ván cờ có tính chất then chốt như thế, đi sai một bước cũng có thể làm lỡ nhịp dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Trong yếu tố đầu tiên, Masan cho thấy họ nghiên cứu rất kỹ các thế cờ, trong đó gồm cả việc điều quân từ nơi khác về bằng nguồn tiền dồi dào của mình. Đó là một loạt nước cờ M&A quan trọng nhằm mua lại Vinacafe Biên Hòa (VCF), Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vinhhao), Proconco, Bia Phú Yên…

Nếu quan sát kỹ sẽ nhận thấy Masan thời gian qua liên tục bày thế để dọn chỗ cho “trận đánh” lớn: M&A các doanh nghiệp thực phẩm/đồ uống (F&B); chuẩn bị sẵn nguồn tiền mặt khổng lồ; thực thi đường lối “nguồn lực/vốn quốc tế + chất xám bản địa”; không đi lạc vào bất động sản và chứng khoán; sẵn sàng cho các khoản đầu tư mới tiềm năng…

Tất cả hành động này nhằm chào đón sự xuất hiện của quân cờ chủ lực được đặt tên Masan Consumer Holdings (MCH). Vậy MCH là ai? Theo một nguồn tin khác, đây là tổ chức mới được Masan thành lập, hoạt động trong ngành tiêu dùng và sẽ tiếp tục giữ vị thế đứng đầu thị trường tiêu dùng nội địa mà Masan Consumer nắm giữ. Tất nhiên, MCH phải đủ lớn mạnh để phủ bóng lên cả thị trường quốc tế sau này.

Cấu trúc của MCH trong tương lai sẽ bao gồm hai trụ cột là Masan Consumer hiện nay và trụ cột mới Masan Consumer Ventures (MCV). Ở trục Masan Consumer, ngành cốt lõi vẫn bao gồm nước mắm-nước tương-mỳ ăn liền-cà phê-nước khoáng đóng chai. Ở trục còn lại MCV, tài sản ban đầu là 51% cổ phần trong Masan Agriculture (công ty thuộc Masan, nắm 40% Proconco sau khi mua lại doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi này) và 100% cổ phần trong Masan Beer (qua vụ M&A Bia Phú Yên).

Nếu như Masan Consumer vẫn trung thành với mảng cốt lõi thực phẩm và đồ uống, ở hướng kia MCV có vẻ sẵn sàng “mạo hiểm” giống như nó được định danh (ventures). Như vậy, theo suy luận cả hai trụ cột này sẽ giúp MCH dịch chuyển các nước đi vừa chắc chắn lại vừa mạo hiểm ở mức phù hợp.

Tính phiêu lưu của MCV có đi ngược lại với quan điểm đầu tư thận trọng, không đầu tư trái ngành của tập đoàn mẹ hay không? Theo tiết lộ, bài toán này đã được tính kỹ để Masan Agriculture (thuộc MCV) tận dụng lợi thế của Proconco, kết hợp với kênh phân phối của Masan Consumer tạo nên chuỗi cung ứng thực phẩm hoàn chỉnh từ trang trại đến bàn ăn (from farm to fork). Nguồn tin trên suy đoán, nhiều khả năng MCV sẽ lấn sân sang những lĩnh vực khác có liên quan đến tiêu dùng như y tế, bán lẻ, dược bằng con đường M&A vốn là át chủ bài của Masan. Chưa rõ tại sao Masan đi nước cờ quyết định với MCH thời điểm này. Tuy nhiên ván cờ mới luôn cần có những quân cờ mới để tạo đột phá, khi thời cơ trong ngành tiêu dùng đã chín muồi.

Tiềm năng thị trường tiêu dùng

Lý do chính để Masan chơi ván cờ mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là triển vọng lớn của thị trường này. Một thống kê của Ngân hàng Thế giới chỉ ra mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam bằng 63% GDP của đất nước. Nhờ cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới, với 56% dân số dưới 30 tuổi (theo Nielsen), tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020 (nguồn: thống kê của Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis).

Còn theo Nielsen, tốc độ tăng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tại nước ta tính đến quý 3/2012 là 23%, tỷ lệ cao vượt qua những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc (Grocery Report 2012-Nielsen-trang 12). Một yếu tố nữa thúc đẩy sự đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp vào ngành FMCG là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,2% vào năm 2017, theo ước tính của Economist Intelligence (Vietnam Country Report, tháng 4/2013-EIU, trang 7).

Cuộc chơi MCV

Masan sẽ “chơi” gì với MCV? Theo phân tích của một chuyên gia tài chính (không nêu tên) Masan sẽ đi 3 bước sau. Bước một, trước nay Masan luôn kiên định với công thức đầu tư “nguồn lực/vốn quốc tế + chất xám bản địa + quản trị hiện đại”, nên việc đầu tiên cần làm là công ty này tiếp tục kêu gọi vốn từ các định chế quốc tế. Mục tiêu này nằm trong tầm tay của Masan bởi mối hợp tác chiến lược họ đã gây dựng được với TPG, Bank Invest, KKR, Richard Chandler, Mount Kellett qua các thương vụ đầu tư.

Bước thứ hai, MCV dùng nguồn tiền huy động được từ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại để tiếp tục đi mua lại doanh nghiệp trong nước. Và cũng không ngạc nhiên nếu họ mở rộng portfolio sang các lĩnh vực mới, y tế, bán lẻ, dược phẩm như đề cập ở trên.

Cuối cùng, sau bước đi trên MCV sẽ áp dụng công nghệ mới, mô hình quản trị tiên tiến (không có yếu tố gia đình và sở hữu chéo) kết hợp với lợi thế sẵn có của các công ty con (Proconco, Bia Phú Yên) và sự am hiểu thị trường nội địa (được chứng minh qua hàng loạt thành công) nhằm tạo thành tích cho các doanh nghiệp mới mua. Thực tế diễn ra tại Vinacafe Biên Hòa là dẫn chứng cụ thể cho nhận định này.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, ngay sau khi hình thành nên MCV, công ty mẹ sẽ “bơm máu” cho MCV bằng cách gia tăng quy mô vốn cho nó ở mức độ đủ lớn; cơ cấu bộ máy lãnh đạo với đội ngũ quản lý giỏi về quản trị đề cao sự minh bạch. Ngoài ra, danh mục đầu tư của công ty mới sẽ được đa dạng hóa theo đúng tính chất “mạo hiểm” của nó.

Sức mạnh của MCV được tạo ra bởi thương hiệu/hệ thống phân phối 176.000 điểm bán hàng của Masan Consumer và chuyên môn tài chính cùng với khả năng huy động vốn quốc tế của Tập đoàn Masan.

Sức mạnh của MCV được tạo ra bởi lợi thế thương hiệu/hệ thống phân phối 176.000 điểm bán hàng của Masan Consumer (2012) và chuyên môn tài chính cộng với khả năng huy động vốn quốc tế của Tập đoàn Masan. Đây là nguồn năng lượng có một không hai so với phần còn lại của thị trường mà MCV được thừa hưởng trong ngành tiêu dùng.

Cần thêm nhiều “Masan”

Phải khẳng định rằng mô hình tăng trưởng bền vững và giá trị thặng dư mà Masan tạo ra cho thị trường rất cần được nhà nước khuyến khích, bằng chính sách.

Trước hết, công ty này sử dụng năng lực nội tại của nó để tạo ra các giá trị thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động trong những doanh nghiệp được mua lại (câu chuyện Vinacafe).

Thứ nữa, công ty xây dựng nền tảng văn hóa kinh doanh mới vừa hiện đại (có yếu tố quốc tế, quản trị và minh bạch), đồng thời giữ được “chất Việt”.

Thứ ba, Masan có tham vọng cực lớn xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh để đặt chân ra quốc tế vào thời điểm phù hợp.

Thứ tư, trong điều kiện dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng chững lại, Masan tạo ra một thông điệp lạc quan cho giới doanh nghiệp nội trong con mắt cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Đó là danh sách các cổ đông đa quốc gia sẵn sàng đổ vốn vào nó qua hình thức mua cổ phần. Điều này giúp “đánh bóng” lại hình ảnh Việt Nam theo hướng tích cực trong lúc Đông Nam Á chứng kiến sự trỗi dậy của Myanmar.

Cuối cùng, báo chí hơn một lần cảnh báo về hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam bị các tập đoàn lớn quốc tế thâu tóm, thì việc một công ty của người Việt ngày càng phát triển lớn mạnh để trở thành đối trọng với những Nestle, Unilever, PepsiCo… tại sân nhà là rất đáng tự hào.

Minh An

infonet

Các tin tức khác

>   BVS: Báo cáo tài chính quý 2/2013 (16/07/2013)

>   VAT: Báo cáo quản trị công ty năm 2012 (16/07/2013)

>   VE9: Báo cáo thường niên 2012 (16/07/2013)

>   VAT: Báo cáo thường niên 2012 (16/07/2013)

>   KSD: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (16/07/2013)

>   NDN: Hợp đồng Kiểm toán 6 tháng đầu năm và năm 2013 (16/07/2013)

>   NGC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (16/07/2013)

>   NDN: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (16/07/2013)

>   MCF: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2013 (16/07/2013)

>   IDV: Báo cáo tài chính quý 3/2013 (công ty mẹ) (16/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật