Tràn lan dược liệu Trung Quốc trộn thuốc sâu, tạp chất
Một nghiên cứu của tổ chức Greenpeace (Hoà bình xanh) vừa công bố: Qua thử nghiệm 65 loại thảo mộc Trung Quốc phổ biến thì đã phát hiện 48 loại dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu.
Thị trường bán sỉ dược liệu tại quận 5 (TPHCM) sôi động nhưng chất lượng sản phẩm bị thả nổi.
|
Điều đáng nói, tại VN, 90% số dược liệu đều được nhập từ Trung Quốc khó kiểm soát nổi chất lượng, đặc biệt qua đường tiểu ngạch... Thậm chí, nhiều dược liệu qua kiểm tra đã phát hiện trộn cả cát, ximăng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại...
Lương y chết vì thử thuốc
Theo thống kê của Viện Dược liệu, cả nước hiện có khoảng 4.000 thực vật được tìm thấy ở các địa phương có thể dùng làm thuốc thì nghịch lý ở chỗ, 90% số dược liệu tại VN phải nhập từ Trung Quốc.
Tại TPHCM, sôi động nhất là khu bán dược liệu tại quận 5 với hàng tấn thuốc được phân phối mỗi ngày. Tại đây, có 4 “đầu nậu” bao thầu cho cả khu vực Nam Bộ. Mặc dù biết rõ mười mươi là hàng nhập lậu, trôi nổi, giả mạo hoặc kém chất lượng, thế nhưng tất cả các cơ sở đông y, từ khám - chữa bệnh cho đến sản xuất, đều phải lấy hàng từ đây.
Theo một số chuyên gia, nghiêm trọng nhất là nhiều vị thuốc bị tẩm thuốc chống mối mọt, lưu huỳnh hoặc nhuộm màu làm giả, trộn tạp chất như: Thỏ ty tử, hồng hoa, bạch linh... khiến người sử dụng lầm tưởng thật.
Mới đây, ngày 31.5, anh Phùng Văn Nên (SN 1986, trú xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đến mua thuốc đông y tại nhà thuốc trong xã của lương y Phạm Minh Tiến (SN 1966) về uống để chữa bệnh thấp khớp. Sau khi uống, anh Nên có biểu hiện co giật và được cứu sống sau khi đưa đến BV súc ruột, giải độc. Không tin với thuốc của mình bị nhiễm độc, lương y Minh Tiến thử uống thuốc mà mình đã bốc cho bệnh nhân và đã bị ngộ độc, tử vong sau đó.
Trước đó, một bé gái 8 tuổi cấp cứu tại BV Nhi Đồng 2 do ngộ độc thuốc đông y chữa nghẹt mũi. Bệnh nhi tên Ô.X.Nh (ở huyện Nhà Bè, TPHCM) nhập viện trong tình trạng các chi bị tê cứng không cử động được. Theo người nhà, thấy con mình bị nghẹt mũi khó thở nên đã mua loại thuốc đông y hiệu “Thất sơn dược thảo” bán gần nhà cho bé uống năm viên. Thành phần của thuốc gồm: Mướm rừng 12g, ráng bay 20g, cò sen 25g. Sau khi uống, bệnh nhi xuất hiện các biểu hiện ảnh hưởng của hệ thần kinh như: Tay nắm chặt, gồng chi.
Theo các BS, việc cấp cứu các ca bị ngộ độc thuốc đông y rất khó xử trí vì chưa có thuốc giải độc. Khó nhất là các loạt thuốc có tẩm hàng loạt các chất độc dùng để chống mối mọt, nấm mốc, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Khi tiếp nhận những ca ngộ độc này, các BS chỉ theo dõi và điều trị triệu chứng, thương tổn và tìm cách loại bỏ các chất độc lạ trong dạ dày của bệnh nhi.
Khó phân biệt thuốc hay rác
Tại Hội thảo về vấn đề tìm nguồn dược liệu sạch cho cả nước do Sở Y tế TPHCM phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức vào cuối tháng 6, BS Lê Hùng - Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM - cho biết: “Đã có quá nhiều trường hợp sau khi điều trị bằng thuốc đông y bị suy thận và bệnh tình diễn tiến nặng. Để khẳng định dược liệu sạch hay là rác, chính các thầy thuốc cũng không thể phân biệt được. Vì thế, thầy thuốc dù có giỏi đến đâu mà không có nguồn dược liệu đảm bảo thì cũng thất bại. Chính vì thuốc đông y trên thị trường trôi nổi và chất lượng đầu vào khó kiểm soát, nên chúng tôi “nhát tay” khi bốc thuốc cho bệnh nhân”.
Một công bố mới đây của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám-chữa bệnh của Nhà nước đã cho thấy, gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% số mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, ximăng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại...
Vẫn biết nguồn gốc dược liệu chủ yếu là nhập từ Trung Quốc khó kiểm soát chất lượng, thế nhưng để tìm nguồn dược liệu thay thế để chữa bệnh quanh năm là chuyện không dễ. BS Lê Hoàng Sơn - Giám đốc BV Y học cổ truyền TPHCM - cho biết: “Mỗi năm, BV sử dụng 100 tấn dược liệu, trong đó, hơn 80% phải nhập từ Trung Quốc, trong khi nước mình có hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm”.
Chỉ tính riêng tại TPHCM, có hai BV lớn chuyên về y học cổ truyền và khoa Y học cổ truyền của hơn 20 BV thuộc sở. Ngoài ra, còn hơn 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền cho bệnh nhân. TP có gần 100 cơ sở sản xuất đông dược, trong đó, có 5 Cty đạt chuẩn GMP nên nhu cầu về dược liệu rất lớn.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho rằng: “Trong khi nền đông y của VN phát triển rực rỡ thì phải đối mặt với tình trạng dược liệu rác, nhập lậu, kém chất lượng. Đông y đối với VN không chỉ điều trị bệnh, mà còn là một nét văn hóa cần được bảo tồn. Nếu không kiểm soát nổi nguồn nhập lậu thì chắc chắn, người bệnh sẽ quay lưng với các loại thuốc đông y”.
Theo nhiều DN trồng dược liệu, trong khi các thương lái Trung Quốc vào VN lùng mua dược liệu tươi ở các tỉnh Hà Giang và xuất sang nước họ, thì ngược lại bán trong nước không dễ chút nào. Câu hỏi đặt ra: Đến bao giờ VN mới có nguồn dược liệu sạch tại chỗ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân?
Ngày 28.6, ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết: “Đề án đầu tư trồng dược liệu tại 6 huyện nghèo trong tỉnh Hà Giang vừa được Chính phủ chấp thuận cho phép triển khai thí điểm, để chủ động cung cấp nguồn dược liệu sạch cho cả nước. Hiện tại, 40 loại dược liệu quý theo danh mục của Bộ Y tế đã được nhân giống tại đây. Theo đó, gần 500ha sẽ được trồng tại xã Quyết Tiến, 200ha tại Tam Sơn, 300ha tại Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ; khoảng 500ha tại Hoàng Su Phì và Xí Mần, đồng thời mở rộng quy mô 10.000ha sang các huyện khác đến năm 2015. |
Lao động
|