Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco):
Tôi muốn góp phần vun trồng thế hệ doanh nhân mới
Vừa bắt đầu trò chuyện, ông nói ngay: "Nào, bạn muốn hỏi gì? Ngắn gọn và trọng tâm thôi nhé”. Cách vào chuyện rất… công việc, hơi gượng ép, nhưng sau vài chia sẻ, dường như "chạm" vào những trăn trở, ông trở nên cởi mở, hào hứng, thỉnh thoảng còn tỉ mỉ vẽ cả đồ thị, hàm số lên giấy để giảng giải. Thói quen ấy không lạ, vì ông từng làm cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyên viên nghiên cứu chính sách, nhà quản lý, giảng dạy...
* Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân: Để mua được nhà xã hội, người dân cần kiên trì
* Doanh nhân Lê Chí Hiếu: Không ngoái nhìn, không hối tiếc
* Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
* Bầu Đức: Trồng cao su từ đất rừng buộc phải khai hoang, chặt cây
* Kinh qua nhiều cương vị công tác, bây giờ làm lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nhà nước, ông bị áp lực nhất với cương vị nào?
- Lãnh đạo DN, nhất là DN nhà nước, có rất nhiều nỗi lo và nguy cơ mắc lỗi cũng nhiều hơn so với làm giám đốc DN tư nhân. Đơn cử, mục tiêu để một giám đốc DN tư nhân phấn đấu, theo đuổi cũng như chuẩn mực để đánh giá năng lực của giám đốc đó là lợi nhuận.
Ngược lại, với giám đốc DN nhà nước thì không có chuẩn mực rõ ràng, có khi làm rất hay, hoàn thành kế hoạch cũng không phải tiêu chuẩn cao nhất để được đánh giá tốt, đôi khi chỉ cần không sinh hoạt chi bộ hoặc công đoàn đầy đủ cũng bị xem là mắc lỗi, hoặc nhân viên không đoàn kết cũng bị đánh giá thấp.
Một áp lực khác: Khi chấp nhận cuộc chơi kinh doanh, anh giám đốc DN tư nhân ở tư thế dễ chịu hơn, dám làm dám chịu, vì được, mất cũng là tiền của anh ta. Còn với anh lãnh đạo DN nhà nước, mất hay được đều không phải tiền của mình.
Vì vậy, nếu giám đốc không có trách nhiệm, cứ để DN "sống" bình bình theo kiểu "ít làm, ít sai" thì không bị áp lực, mà như vậy thì DN chết. Còn anh lãnh đạo có trách nhiệm, xốc vác tháo gỡ khó khăn thì luôn căng thẳng và dễ... "dính" sai phạm.
Chẳng hạn, khi quyết định ra hai sản phẩm mới cho Bia Sài Gòn, tôi phải đầu tư rất nhiều thứ: men mới, công nghệ, kỹ thuật, con người mới... Bia ra ngon thì không sao, nhưng nếu không bán được sẽ bị xem xét lại quy trình, quy trách nhiệm, đôi khi còn bị tiếng nọ tiếng kia, đau đầu lắm.
* Bia Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với bia nước ngoài, nhưng với nhiều quy định bất cập, sự cạnh tranh không lành mạnh, có không ít nỗi lo bia nội sẽ thua trên sân nhà, đó cũng là áp lực lớn với ông?
- Thị trường bia hiện cung đã vượt cầu khoảng 30 - 40%, trong khi đó, hầu hết các hãng bia nước ngoài từ Bỉ, Úc, Chile, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức... đều đã có mặt tại Việt Nam nên sân chơi ngày càng hẹp, cạnh tranh là đương nhiên. Song, khi dùng từ cạnh tranh người ta đã mặc nhiên thừa nhận ở đó không "fair play".
Thực tế, thị trường bia đang ngày càng cạnh tranh không lành mạnh một cách tinh tế, đến mức người tiêu dùng cũng bị lừa. Chẳng hạn, có một thời người ta rêu rao uống bia Sài Gòn bị tiểu đường, trong khi công thức nấu bia của chúng tôi có hàm lượng đường ít hơn các hãng khác.
Hay có hãng thuê người uống ra quán nói xấu bia Sài Gòn, uống nửa chai rồi bỏ ruồi vào... Song, điều đáng nói là ngay chính sách của Nhà nước cũng làm cho DN trong nước bị hạn chế so với nước ngoài. Cụ thể, các công ty nước ngoài đăng ký hệ thống kế toán nước ngoài thì thoải mái dành chi phí lớn cho hoạt động marketing, làm thương hiệu.
Trong khi đó, quy định của Việt Nam lại khống chế phí quảng cáo, marketing là 10%. Theo tôi, đây là điểm yếu làm chết các DN trong nước khi phải cạnh với DN nước ngoài, nhất là ở một số ngành, một số sản phẩm không ứng dụng nhiều công nghệ hay khoa học kỹ thuật, mà lệ thuộc vào thị trường.
Nói cho dễ hiểu thì quy định này mắc ba lỗi một lúc. Lỗi thứ nhất là khi quy định tỷ lệ 10% chi phí phát sinh trong kỳ sẽ làm cho DN cả năm hoạt động không biết mình có bao nhiêu chi phí để có kế hoạch marketing, bởi thực tế chi phí phát sinh trong kỳ chỉ biết được sau ngày kết thúc kiểm toán là 31/3 năm sau, nghĩa là muốn biết mình có bao nhiêu chi phí quảng cáo, DN chỉ còn cách làm toán mò. Vì vậy, quy định này rất phi quản lý nhà nước.
Lỗi thứ hai là về mặt học thuật, hay gọi là lỗi kỹ thuật văn bản. Khi anh quy định quản lý chi phí mà lại lấy mẫu số là chi phí thì không đúng, bởi nó dẫn đến thực tế DN buộc phải tăng chi phí lên để có mẫu số lớn thì tỷ lệ quảng cáo mới nhiều.
Mặt khác, trong kinh tế học có hai trường phái: tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa doanh số. Khi người ta muốn khuyến khích điều gì đó thì phải đặt cả hai trong thế đối trọng chứ không bao giờ đặt chi phí trên chi phí cả.
Lỗi thứ ba: Khi anh quy định sàn 10% cho tất cả các loại hình DN, ngành nghề thì sẽ xảy ra tình trạng loại ngành nghề cần nhiều chi phí hơn thì thiếu, còn loại không cần đến chừng đó thì tìm cách tiêu cho hết số tiền được phép tiêu.
Tôi từng là nhà nghiên cứu, viện trưởng một viện Chiến lược chín năm trời, làm phó chủ nhiệm khoa quản trị kinh doanh một trường đại học bốn, năm năm nên thấy buồn vì không ở đâu có những quy định dại như thế. Những quy định này đang bóp chết cơ hội cạnh tranh của DN trong nước.
Hiện, người ta đang bàn chuyện sẽ tăng chi phí này lên 15%, có vẻ như nới lỏng cho DN. Nhưng 10 hay 15% mà các DN không cần dùng, nhất là các DN nhà nước, thì người ta lại có cơ hội tiếp tục tìm cách tiêu số tiền ấy.
Theo tôi, chi phí thực thanh, thực chi là do DN tự quyết định, thể hiện thông qua chứng từ hợp lệ và được kiểm toán nhà nước xem xét, thanh tra thuế kiểm tra, những chi phí khống sẽ không được chấp nhận.
Cuộc chơi phải như thế chứ không phải quy định được chi từng này, không được chi từng kia. Hơn nữa, nếu quy định đều 10% mỗi năm, vô hình trung làm mất chiến lược của DN vì có thể năm nay DN cần làm marketing, năm sau lại không cần.
Ví như con người, khi khỏe thì ăn nhiều, mệt thì ăn ít, không thể cứ bắt ăn ngày ba bát. Tôi cho đây là quy định dại và ngây ngô nhất. Ai muốn tranh luận với tôi điều này, tôi sẽ tranh luận đến cùng, kể cả vẽ ra đồ thị, hàm số để chứng minh các vị đã sai rất lớn.
* Tuy bị áp lực cạnh tranh nhưng Bia Sài Gòn vẫn có lợi thế là DN dẫn đầu, hẳn ông cũng đỡ căng thẳng?
- Mỗi hãng bia đều có lợi thế nhưng đằng sau lợi thế cũng có những thất thế. Chẳng hạn Bia Sài Gòn có tới 90% vốn nhà nước nên quy định quản lý mang tính hành chính còn nhiều lắm, các quy định này đã cản trở bọn tôi trong chiến lược kinh doanh.
Ví dụ, bọn tôi làm sự kiện cho marketing thì thủ tục đấu thầu, quy định để được chấp nhận chi phí là rất gian nan so với công ty nước ngoài. Từ khi có ý tưởng quảng cáo cho đến lúc thực hiện, các công ty FDI mất rất ít thời gian, trong khi bọn tôi phải mất vài tháng, "chạy" không biết bao nhiêu thủ tục, xác nhận, quy định.
Tuy Bia Sài Gòn có lợi thế là một thương hiệu lớn, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy ung dung. Trong cuộc đua thị trường, chỉ cần mình im hơi lặng tiếng một chút là khách hàng đặt câu hỏi ngay. Hình như trong các cuộc chạy đua marathon, người về đích chặng đầu thì ít về đích chặng cuối.
Bởi thế, anh ta phải biết phân bổ nguồn lực để dẫn đầu đoàn đua từ đầu đến cuối, đó là sức ép lớn nhất của người dẫn đầu và tôi luôn nhận thức khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi đánh mất dễ hơn là duy trì tiếng tốt.
* Với những áp lực làm "đau đầu", nếu cho chọn lại chắc ông không chọn làm kinh doanh nữa?
- Không, tôi thích cái mới, thích khám phá, thích những cuộc chơi để cuộc đời ngắn ngủi của mình thật phong phú nên khi được phân công về điều hành Bia Sài Gòn trong tình hình như một trận địa phức tạp, tôi vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì đó là cuộc chơi mới.
Tôi có khả năng hòa nhập, biết những việc mình cần làm và làm được. Cũng nhờ làm kinh doanh, tôi thấu hiểu được nỗi khổ, nỗi bức bối của DN. Ước mơ của tôi là vài năm nữa tôi sẽ quay lại giảng dạy.
Tôi muốn góp phần vun trồng thế hệ doanh nhân sau này vững vàng hơn về tri thức. Lúc đó, với tất cả những lý thuyết, học thuật tích lũy được, cộng với thực tiễn trần trụi mà tôi được tiếp xúc trong những năm kinh doanh, bài giảng của tôi sẽ hay hơn trước đây rất nhiều.
* Cụ thể, nỗi khổ của DN mà ông vừa đề cập là gì, thưa ông?
- Tôi đang đặt DN trong bối cảnh hội nhập thế giới phẳng. Nếu như năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan đến 0% theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và 2018 Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO, thì chúng ta chỉ còn mốc 2 năm và 5 năm nữa.
Khi đó, dịch chuyển lao động tự do, đầu tư tự do giữa khu vực và thế giới diễn ra thì doanh nhân Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Tôi lo cho sự đổ bể của DN Việt Nam, vì năng lực quản trị của họ còn rất yếu, họ rất vụng về, thiếu thốn tri thức trong quản trị.
Tôi dùng chữ "thiếu thốn tri thức" vì bản thân tôi đã là một tiến sĩ, giáo sư đào tạo trong lĩnh vực này rồi chứ không phải là học nữa mà vẫn thấy mình thiếu thì tôi nghĩ người khác cũng sẽ thiếu.
Tôi rất thích những phát biểu rất học thuật của anh Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, nhưng khi theo dõi thật kỹ vẫn thấy thiếu những nguyên lý quan trọng trong kinh doanh.
Nói vậy để minh chứng thêm, giám đốc một tập đoàn tiêu biểu như vậy còn thiếu thì nhiều người khác không được đào tạo bài bản sẽ khó hội nhập vững vàng.
Một nỗi khổ nữa, các chính sách liên ngành liên quan đến DN hiện không đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn nhau nên DN không chỉ lúng túng mà còn mất rất nhiều thời gian để giải quyết những sự vụ bất cập này. Khi đó sẽ mất ý tưởng mới, mất sự sáng tạo mới.
Bản thân tôi một ngày mất khoảng nửa tiếng hoặc một tiếng đồng hồ với những cuộc điện thoại không mong muốn, rồi mất khoảng một, hai tiếng nữa nghe anh em phản ánh bất cập này, bất cập kia, vướng chỗ này, vướng chỗ khác, tức là thời gian để mình thư thái, sáng tạo ra một cái gì đó mới mẻ luôn bị hạn chế.
* Nhưng doanh nhân hiện nay đã được xã hội đề cao và tôn vinh?
- Khi Lê Lựu thành lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và ra mắt Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, ông chọn bài viết của tôi đăng ở số đầu tiên. Trong bài viết, tôi ví doanh nhân như người lính, trong chiến tranh họ là người xung kích, đi đầu thì trong hòa bình họ cũng vẫn đi đầu, vì vậy doanh nhân phải được phục vụ.
Mặc dù đã được nhiều tổ chức tôn vinh, nhưng trong cách nhìn của xã hội, vị thế doanh nhân vẫn chưa thật sự được trân trọng, đáng lo hơn là trong kinh doanh thế nào cũng có sai lầm, bởi không có môi trường nào dễ mắc lỗi như môi trường kinh doanh, nhất là khi luật chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, nguy cơ mắc lỗi của họ càng nhiều và lúc đó, cách ứng xử với doanh nhân là hình sự nên lúc nào họ cũng lo âu.
Thấy một anh công an vào công ty, chưa biết mục đích là gì mà cả DN sợ sệt, giám đốc thì giật mình không nhớ mình có ký gì sai không, có thể vô tình nhưng vẫn vướng lỗi.
* Ngoài ước mơ giảng dạy, nghe nói ông còn có ý định viết sách khi về hưu. Ông có thể tiết lộ đôi điều về cuốn sách ấy không?
- Tôi đang có ý định khi nghỉ công tác sẽ viết cuốn sách liên quan đến cuộc đời mình với tất cả những chiêm nghiệm về nền kinh tế này, thiết chế này, đặc biệt là những hoạt động kinh doanh của DN, ít nhất cũng góp phần nhận diện ra bất cập trong thể chế đối với DN để đất nước đi lên. Còn bây giờ nhìn trên mặt báo, doanh nhân của mình bị ghẻ lạnh vì mắc nhiều sai lầm quá.
* Vậy theo ông, sai lầm đó là do đâu?
- Tôi không dám chủ quan nhưng chắc chắn những người học quản trị kinh doanh sẽ có nền tảng tốt hơn, ví dụ nhắm mắt tôi cũng biết DN cần phải có thiết chế như thế nào, phải cấu trúc như thế nào, khâu nào là quan trọng, khâu nào là then chốt...
Một cuốn sách quản trị nổi tiếng thế giới viết: "Bạn học môn quản trị giống như sinh viên trường y phải học kỹ cơ thể người để chữa bệnh. DN cũng giống như một cơ thể sống, nếu được học sẽ biết DN cấu trúc thế nào nên giải quyết được những vấn đề cơ bản của DN".
Còn doanh nhân không được đào tạo thì cũng có thể điều hành được DN nhưng khi gặp khốn khó thì không giải thích được. Đó là lý do doanh nhân Việt Nam đang chết rất nhiều.
Ngay từ thời Nguyễn Văn Mười Hai, Tăng Minh Phụng, tôi đã tìm hiểu và khi đi dạy, tôi đã phân tích điểm yếu là do họ không biết một điều hết sức cơ bản.
Trong báo cáo cân đối tài chính của một DN, cái này là tài sản, cái này là nguồn vốn. Tài sản thì có cố định, lưu động; vốn thì có chủ sở hữu, vốn đi vay. Thế thì tài sản có thể dùng bằng tiền, nguồn vốn có thể mình bỏ ra hoặc đi vay để tài trợ cho tài sản này.
Ở đây có hệ số k (hệ số mắc nợ của vốn vay trên vốn chủ), và một DN phải trả lời được câu hỏi k này bằng mấy là tối đa, DN Việt Nam không ai dạy cho điều này nên khi có tiền, bất động sản lên là cứ vay, có một tỷ vay hàng ngàn, hàng trăm tỷ, nhưng nếu người được học sẽ không liều.
Ở các nước quy định, một DN k không quá hai, tức là ông có một tỷ, không được vay quá hai, vậy tổng cộng tài sản ông kinh doanh chỉ có tối đa là ba. Vậy, nếu doanh nhân không được trang bị tri thức, anh ta sẽ không hình dung mình chết khi nào, chỗ nào là chỗ mình chết và chết thì k bằng mấy.
* Với vốn kiến thức ấy, ông đã có những chiến lược nào để Bia Sài Gòn có những thay đổi phù hợp với thị trường cạnh tranh?
- Trước đây, Ban lãnh đạo Bia Sài Gòn là dân kỹ thuật nên họ đề cao sản xuất, chỉ quan tâm làm sao cho bia ngon, ắt "hữu xạ tự nhiên hương". Tôi cũng đồng tình quan điểm này, nhưng khi về Bia Sài Gòn, tôi đã thuyết phục mọi người: Bia là sản phẩm mang tính thị trường, sự chấp nhận của người mua quyết định cao hơn, nên ngoài chất lượng cần phải quan tâm đến thị trường.
Vì vậy, phải tổ chức lại hoạt động thị trường, tăng cường quảng cáo, tiếp thị, tìm phân khúc cho sản phẩm, phân định lại thị trường, ứng với mỗi vùng, miền, văn hóa khác nhau thì có sản phẩm nào, cách tiếp thị như thế nào..., tất cả phải bài bản.
Tôi là người nghĩ ra slogan mới: "Tôi yêu (hình trái tim) bia Sài Gòn" và chọn diễn viên Bình Minh làm đại sứ thương hiệu.
Năm 2013, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc tái cấu trúc toàn diện trên mọi lĩnh vực từ quản trị đến tài chính, đầu tư ra ngoài ngành, trong ngành, nhân sự, công nghệ thông tin, hành chính quản trị, tái cấu trúc khâu thị trường gắn với nhà máy sản xuất và xây dựng văn hóa DN.
* Thế còn chiến lược sản phẩm, hiện phân khúc của Bia Sài Gòn vẫn chủ yếu là mức giá trung bình?
- Ở những nước văn minh, giá loại bia cao cấp nhất chỉ gấp 5 lần giá loại bia rẻ nhất, còn ở mình thì chênh nhau tới 100 lần nên rất khó để tổ chức kinh doanh. Nếu chọn phân khúc cao cấp thì chỉ có vài đại gia uống thôi, còn chọn phân khúc thấp nhất thì chỉ có số ít người có thu nhập thấp uống.
Sắp tới, Bia Sài Gòn có kế hoạch sản xuất sản phẩm dành cho phân khúc cao cấp nhất để đưa vào khách sạn 5 sao, sản lượng ít thôi nhưng danh giá, đồng thời cũng có những sản phẩm thấp hơn cho phân khúc bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
* Làm trong lĩnh vực bia rượu, cảm giác của ông thế nào khi nghe nói "uống bia, rượu gây tệ nạn xã hội"?
- Tôi cho rằng mọi thứ đều có thể gây ra tệ nạn, đổ lỗi cho bia, rượu chỉ là cái cớ của sự bế tắc thôi. Thằng giết người yêu do yêu quá, ghen tuông, có uống bia đâu; fan cuồng nhiệt mến mộ một ngôi sao nào đó, nó bắn béng anh đó đi, vậy cấm không được yêu, không được cuồng nhiệt à?
Nghĩa là nó có tất cả yếu tố xã hội trong đó nhưng không thể quy kết nó, mà quan trọng là cách ứng xử với nó. Những lúc vui uống bia là xứng đáng quá chứ.
Ông chồng làm vài ly whisky vui vẻ với bạn, về yêu vợ hơn mà lúc thường không làm được thì phải yêu bia chứ, đúng không? Ngoài ra, y học cũng cho rằng uống bia, rượu điều độ rất tốt cho sức khỏe.
* Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện với rất nhiều chia sẻ lý thú này.
Lữ Ý Nhi
doanh nhân
|