Sản xuất xăng sinh học: Thoi thóp vì tắc đầu ra
Sau sự phá sản của nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) của Cty cổ phần Đồng Xanh, có thể tới đây một loạt các nhà máy sản xuất ethanol vừa đi vào hoạt động sẽ sớm đóng cửa, dù lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học đã cận kề.
Phá sản vì… ế
Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015, tầm nhìn đến 2025”, việc sản xuất và tiêu thụ ethanol - vẫn hết sức chật vật. Những DN đã “trót” đầu tư loại nhiên liệu thực chất là cồn sinh học để pha chế vào xăng truyền thống - hay còn gọi là xăng E5, bắt đầu lo ngại vì “cầm đèn chạy trước ôtô”.
Mãi tới tháng 3.2013, Bộ Công Thương mới phê duyệt “Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đến 2020, có xét đến 2030”, trong khi lẽ ra quy hoạch phải đi trước một bước. Cùng với đó, mãi đến năm 2012, bộ này mới hoàn thiện bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị phụ trợ để tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng và hệ thống kho xăng dầu, có hiệu lực thực hiện từ tháng 2.2013.
Sau sự phá sản của Cty cổ phần Đồng Xanh vì sản phẩm không có đầu ra, ngoài việc bán cồn sinh học cho các Cty trong nước để pha chế xăng thì có đến 80% sản phẩm sản xuất ra phải xuất khẩu, 5 nhà máy sản xuất ethanol khác cũng “dở khóc, dở mếu” vì phải hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế, thậm chí có những thời điểm phải cho công nhân nghỉ việc không lương.
Đó là nhà máy ethanol của Cty TNHH Tùng Lâm (Đồng Nai), công suất 70 triệu lít/năm; nhà máy ethanol của Cty Đại Việt (lô CN5, KCN Tâm Thắng, Cư Jut Đắc Nông, 70 triệu lít/năm; nhà máy bioethanol Đắk Tô (Kon Tum), 65 triệu lít/năm; nhà máy ethanol đặt tại Dung Quất của Cty cổ phần NLSH Miền Trung và ethanol Bình Phước của TCty Dầu VN, đều 100 triệu lít/năm.
Theo ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương), thì tổng năng lực sản xuất của 6 DN kể trên vào khoảng 535 triệu lít ethanol/năm - đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5 và E10 cho nhu cầu tiêu thụ cả nước vào năm 2014. Nhưng hiện mới chỉ tiêu thụ xấp xỉ 26.000m3 (tương đương 26 triệu lít), chỉ bằng 5% lượng sản xuất.
DN kinh doanh xăng dầu thờ ơ
Theo lộ trình sử dụng xăng sinh học được Thủ tướng phê duyệt thì từ ngày 1.12.2014, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng cho các phương tiện giao thông tại 7 tỉnh, thành phố lớn, là: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu. Và kể từ ngày 1.12.2015, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều DN kinh doanh xăng dầu vẫn chưa nhập cuộc.
Trong khi nguồn cung ứng ethanol có biểu hiện dư thừa thì ngược lại số DN đầu tư mạng lưới phân phối để tiêu thụ còn hạn chế. Hiện chỉ có các DN là TCty Dầu VN, Petec và Saigon Petro đầu tư hệ thống trạm pha chế, cải tạo các cửa hàng xăng dầu để bán xăng E5 với vỏn vẹn 170 cửa hàng trên tổng 13.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Hệ thống kinh doanh bán lẻ rộng khắp của Tập đoàn Xăng dầu VN, DN chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước hầu như vẫn án binh bất động.
Theo lý giải của các DN đầu mối xăng dầu, để kinh doanh E5, DN sẽ phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho hệ thống phân phối trong khi tỉ lệ sử dụng xăng E5 thấp hơn so với xăng thông thường, khiến càng kinh doanh càng thua lỗ.
Hồng Quân
Lao động
|