NTB đã trượt dốc như thế nào?
Cổ phiếu NTB của Công ty 584 chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE từ 23/07. Cùng nhìn lại bức tranh về hoạt động của NTB có thể thấy rằng hành trình trượt dốc dường như được nằm trong những dự liệu từ trước?!
Công ty 584 phải nhận trát hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE từ hôm nay (23/07) bởi kiểm toán cũng phải “bó tay” với BCTC năm 2012. Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán 2012 của NTB, đơn vị kiểm toán cho biết không thể đưa ra ý kiến nhận xét về báo cáo tài chính 2012 của NTB cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2012. Đồng thời đơn vị kiểm toán cũng đưa ra hàng loạt hạn chế về vi phạm kiểm toán và xử lý kế toán.
Năm 2012, NTB đã lỗ 67 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2012 của NTB âm 42.5 tỷ đồng. Hiện NTB cũng chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2013, chưa công bố các BCTC quý của năm 2013 và cũng thường xuyên bị nhắc nhở về các hoạt động công bố thông tin. Từ đầu năm 2013 đến nay, hàng loạt nhân sự cấp cao tại NTB đều lần lượt từ nhiệm.
Cùng nhìn lại bức tranh về hoạt động của NTB có thể thấy rằng hành trình trượt dốc dường như được nằm trong những dự liệu từ trước?!
Lộ “thảm họa” từ khi… niêm yết
Thua lỗ vào năm 2007 (hơn 3 tỷ đồng), bắt đầu có lãi vào năm sau đó khi mang về 4 tỷ đồng và tạo được sự đột phá lớn vào năm 2009 với cả 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. NTB đã ghi nhận được những “con số đẹp” cận kề thời điểm niêm yết cổ phiếu, đồng thời cũng đảm bảo được quy định hai năm liền trước có lãi khi muốn lên sàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi đưa cổ phiếu lên niêm yết vào giữa năm 2010, những thành quả của NTB ngay lập tức biến mất. Kết quả kinh doanh năm 2010 giảm gần phân nửa xuống còn 39 tỷ đồng. Và đến 2011 và 2012 lần lượt lỗ 1.15 tỷ đồng, rồi đến lỗ 67 tỷ đồng. Chẳng những vậy, con số lỗ của năm 2012 khả năng chưa dừng lại ở đó bởi với báo cáo này đơn vị kiểm toán đành phải “bó tay” vì những mập mờ trong sổ sách.
Và điều gì đến cũng phải đến, NTB buộc phải “hạ cờ” trên HOSE tại mức giá 2,500 đồng/cp.
KQKD của NTB từ 2009 đến 2012
Đvt: Triệu đồng
|
Chỉ 3 năm niêm yết, nhưng NTB đã tạo được nhiều “tiếng tăm” không chỉ bởi kết quả kinh doanh ngày càng bết bát, liên tục được cơ quan quản lý “gõ đầu” về công bố thông tin mà còn “chơi trội” khi tuyên bố ra tay cứu Thủy sản Bình An (BAF) với khoản tiền vượt cả vốn điều lệ (500 tỷ đồng) hồi tháng 5/2012. Trong khi đó, vay và nợ ngắn, dài hạn đến cuối năm 2012 của NTB là 1,280 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương cũng chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, hàng tồn kho lên tới 1,176 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ đông của NTB cũng phải “dài cổ” chờ cổ tức 2010 là 10.5% lại được “treo” vài lần đến tận năm 2012.
Trở lại năm “huy hoàng” của NTB trước niêm yết, khi lãi ròng gấp cả 17 lần cùng kỳ, đạt con số kỷ lục 75 tỷ vào năm 2009. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu loại trừ khoản lợi nhuận khác hơn 100 tỷ đồng thì kết quả kinh doanh của NTB cũng không có gì đáng nói. Thu nhập thuần từ hoạt động chính của NTB khi đó chỉ tầm 1 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận “ngoài luồng” này của NTB nhờ tiến hành hạch toán một phần lợi nhuận thu được do chuyển nhượng quyền góp vốn hai dự án là Khu dân cư – Căn hộ cao cấp 584 Lilama SHB Plaza và 584 Lilama SHB Building.
Lên sàn và… “ông lớn” thoái vốn
NTB chuyển sang mô hình CTCP vào năm 2007 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Từ đó đến năm 2010, NTB có 3 lần tăng vốn lên 360 tỷ đồng, đây cũng là thời điểm công ty niêm yết trên HOSE. Sau đó, trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2011, trong một tờ trình không công bố trước, HĐQT đề nghị phát hành cổ phiếu tăng vốn đột ngột lên 1,000 tỷ đồng nhưng đã bị cổ đông bác bỏ. Vốn điều lệ đến nay của NTB vẫn dừng lại ở con số 397.79 tỷ đồng.
Theo Bản cáo bạch niêm yết năm 2010, NTB có 5 cổ đông lớn, bao gồm:
*· Ông Nguyễn Chấn – Chồng bà Trần Thị Hường cũng nắm giữ 750,000 cp NTB, tương ứng 2.08%.
|
Tuy nhiên, ngay khi NTB lên sàn (tháng 5/2010), SHS bắt đầu hành trình thoái vốn của mình khi bán ròng 934,775 cp NTB, giảm sở hữu từ 9.91% xuống còn 8.36% trong thời gian từ 18/05/2010 đến 08/06/2010. Tiếp đó, SHS cũng bán tiếp gần 1 triệu cp và giảm sở hữu xuống 5.56% cũng trong tháng 6/2010. Sau hai lần giao dịch, SHS chỉ còn sở hữu 508,543 cp NTB với tỷ lệ sở hữu 1.4%.
Cũng trong thời gian này, CTCP Tập đoàn T&T, là cổ đông chiến lược của SHB (ngân hàng mẹ của SHS), cũng bán 2.5 triệu cp NTB và giảm sở hữu từ 11.11% xuống còn 4.17% (1.5 triệu cp). Cổ đông lớn Nguyễn Vũ Thái Quang cũng bán 500,000 cp, giảm nắm giữ từ 5.56% xuống 4.18% (còn hơn 1.5 triệu cp).
Đến tháng 8/2010, bà Lê Thị Bích Phượng bán tới 2 triệu cp và chỉ sở hữu 835,500 cp, tương ứng tỷ lệ giảm từ 7.88% xuống còn 2.32% NTB.
Đây cũng là thời điểm bà Trần Thị Hường giảm một nửa số lượng cổ phần nắm giữ và từ nhiệm HĐQT NTB.
Biến động danh sách cổ đông lớn trong năm 2010
|
Dường như những “ông lớn” thoát ra trong giai đoạn mới niêm yết đã rất thành công bởi đây chính là giai đoạn mà cổ phiếu NTB đạt đỉnh điểm về giá. Và sau đó, NTB đã trượt dài từ đó đến nay, cổ phiếu lao dốc từ 37,000 đồng/cp xuống còn 2,500 đồng/cp.
Giá cổ phiếu NTB từ khi niêm yết đến nay
|
Bước qua đầu năm 2011, ông Trương Hồng Quang – Phó TGĐ NTB bán hết 125,000 cp đang nắm giữ, tương ứng 0.62% vốn.
Ngược lại, sau rất nhiều lần đăng ký bán, mua và đã có lúc không còn nắm giữ cổ phiếu NTB nào nhưng đến cuối năm 2011, vị Chủ tịch Trần Kim Minh lại sở hữu gần 9 triệu cp NTB (22.38%). Và đến tháng 2/2013, ông Minh chỉ còn nắm vỏn vẹn 24,753 cp NTB sau khi chuyển nhượng cho Chứng khoán Phương Nam (PNS).
Bà Tư Hường biết trước “thảm họa”?
Cũng theo Bản cáo bạch niêm yết năm 2010, HĐQT của NTB thời điểm đó có 6 thành viên gồm:
- Ông Trần Kim Minh – Chủ tịch kiêm TGĐ
- Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ
- Bà Trần Thị Hường – Phó Chủ tịch HĐQT (Thời điểm này cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu)
- Ông Lê Tấn Hòa – Thành viên HĐQT (Thời điểm này cũng đang là TGĐ CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB)
- Ông Nguyễn Ngọc Nghị – Thành viên HĐQT (Thời điểm này cũng đang giữ chức Phó TGĐ CTCP QLQ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội)
- Bà Vũ Thị Diệp Chi – Thành viên HĐQT
Ban Tổng giám đốc gồm
- Ông Trần Kim Minh – TGĐ
- Ông Nguyễn Văn Nhị – Phó TGĐ
- Ông Trương Hồng Quang – Phó TGĐ
- Ông Huỳnh Đông Hà – Phó TGĐ
- Ông Hoàng Ngọc Phước – Phó TGĐ
Hầu hết cơ cấu các thành viên trong HĐQT trong quá trình niêm yết ít thay đổi, ngoại trừ trường hợp của bà Trần Thị Hường (hay thường gọi là bà Tư Hường). Sau chưa đầy nửa năm kể từ khi cổ phiếu được niêm yết, bà Tư Hường rút hẳn khỏi HĐQT NTB với lý do “tuổi cao sức yếu và bận việc gia đình”. Trước đó, bà Hường đã kịp thoái hết một nửa số lượng cổ phần, giảm nắm giữ xuống còn 4.14%.
Trong giai đoạn trước niêm yết, Công ty 584 cùng tên tuổi bà Tư Hường có sự gắn bó và thường được nhắc với dự án lớn và hoành tráng mang tên Diamond Bay (Nha Trang). NTB là đơn vị thi công công trình này, Công ty Hoàn Cầu của gia đình bà Tư Hường làm chủ đầu tư.
Diamond Bay chính là công trình được xây dựng để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008. Theo ông Trần Kim Minh, NTB thi công Diamond Bay có giá trị gần 7 triệu USD (chưa kể thiết bị âm thanh, ánh sáng được nhập từ Mỹ) chỉ trong vòng 4 tháng.
Về hoạt động kinh doanh, NTB cũng thường xuyên có những khoản vay với NamABank qua nhiều năm, ngân hàng gắn liền với gia đình bà Tư Hường (tính đến cuối năm 2012, bà Tư Hường cùng những thành viên có liên quan nắm giữ đến hơn 25% vốn tại NamABank). Tính đến cuối năm 2012, NTB vẫn đang còn dư nợ vay ngắn hạn tại NamABank 87 tỷ đồng.
Thanh Nụ
infonet
|